Theo dõi trên

Giữ hình ảnh điểm đến Bình Thuận: Khắc phục những “hạt sạn”

22/01/2018, 10:13

BT- Không phủ nhận hoạt động du lịch trên địa bàn Bình Thuận trong năm 2017 vừa qua đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tiếp tục tạo ấn tượng đẹp cho điểm đến vốn được du khách khắp nơi ưa chuộng. Minh chứng là toàn tỉnh đã đón 5.109.700 lượt khách (tăng gần 14% so năm 2016), trong đó khách quốc tế có 591.765 lượt (tăng 16,12% so cùng kỳ). Cùng với đó, tổng thu từ du khách trong cả năm 2017 của ngành đã vượt con số 10.800 tỷ đồng, tăng gần 20% so năm trước đó…

                
   Đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân lẫn du khách    trong tổ chức lễ hội. Ảnh: N.Lân

Du lịch Bình Thuận, nhờ được lãnh đạo địa phương và các sở ngành quan tâm cùng ý thức của doanh nghiệp, cơ sở tham gia kinh doanh dịch vụ nên kiên quyết nói không với nạn “chặt chém”. Ngoài ra lợi thế về cảnh đẹp thiên nhiên, hạ tầng lưu trú nghỉ dưỡng và đa dạng ẩm thực miền biển cũng là “điểm cộng” cho ngành du lịch địa phương trong cạnh tranh hút khách. Tuy nhiên trên thực tế, để giữ hình ảnh du lịch luôn luôn ấn tượng thì bên cạnh sự nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ còn phải kịp thời khắc phục những “hạt sạn” nảy sinh, làm ảnh hưởng tiêu cực đến ngành.

Theo phản ảnh của Hiệp hội Du lịch Bình Thuận, thời gian qua tại các điểm tổ chức lễ hội và du lịch cộng đồng hầu như đều xảy ra nạn móc túi, cướp giật tài sản có giá trị của người dân lẫn du khách. Về thực trạng này, cơ quan chức năng tỉnh cho biết, trong năm 2017 tại khu vực đồi cát Mũi Né xảy ra 8 vụ (giảm 3 vụ so năm 2016), qua điều tra đã làm rõ 5 vụ và bắt 3 đối tượng, thu hồi tài sản với tổng giá trị hơn 50 triệu đồng trả lại du khách. Còn trên địa bàn Hàm Tiến, Mũi Né, Tiến Thành - TP. Phan Thiết cũng xảy ra một số vụ kẻ xấu lợi dụng sơ hở, đột nhập vào các khu du lịch nhằm trộm cắp tài sản với tổng giá trị thiệt hại hơn 200 triệu đồng…

Đáng chú ý trong thời gian gần đây nổi lên tình trạng một số đối tượng nước ngoài đến lưu trú, sử dụng dịch vụ tại các khách sạn, khu du lịch và thanh toán bằng thẻ thông qua máy thanh toán cầm tay. Nhưng sau đó không lâu (khoảng từ 1 - 2 tháng), các doanh nghiệp nhận được văn bản tra soát từ ngân hàng thông báo tài khoản trên là của người khác, thế mới biết là dính cú lừa. Thống kê trong năm 2017, trên địa bàn Bình Thuận đã có không ít doanh nghiệp kinh doanh du lịch như DNTN N.S, Công ty TNHH A.Đ, Công ty TNHH S.C… rơi vào trường hợp này và bị thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Trước hiện tượng đó, Công an tỉnh kịp thời có văn bản thông báo tình hình tội phạm như trên đến các ngân hàng, Hiệp hội Du lịch Bình Thuận để chủ động cảnh giác, phòng ngừa. Bởi việc điều tra làm rõ tội phạm chắc chắn gặp nhiều khó khăn, do đối tượng là người nước ngoài cấu kết người Việt Nam với phương thức và thủ đoạn tinh vi, sử dụng công nghệ cao mà địa phương chưa có điều kiện kiểm soát.

Để đảm bảo an ninh trật tự, Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an thành phố Phan Thiết, công an phường - xã phối hợp Ban quản lý các khu du lịch, cơ sở kinh doanh lưu trú tăng cường công tác bảo vệ. Đồng thời khuyến khích các cơ sở lắp đặt hệ thống camera an ninh, tích cực tuyên truyền đến đội ngũ nhân viên lẫn du khách nâng cao ý thức tự giác, bảo vệ tài sản cá nhân… Còn hình thức thanh toán bằng thẻ thông minh qua máy thanh toán cầm tay, thời gian tới cơ quan chức năng sẽ phối hợp Hiệp hội Du lịch, các cơ sở lưu trú đẩy mạnh tuyên truyền cảnh giác về phương thức và thủ đoạn của đối tượng. Trong đó cần chú ý thực hiện đăng ký lưu trú, kiểm tra đối chiếu giấy tờ tùy thân của du khách, hạn chế việc sử dụng thanh toán bằng máy POS (nhất là với hình thức thanh toán offline) và thực hiện đúng quy trình hướng dẫn của ngân hàng…

QUỐC TÍN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữ hình ảnh điểm đến Bình Thuận: Khắc phục những “hạt sạn”