Theo dõi trên

“Giữ lửa” đờn ca tài tử - cải lương

24/12/2020, 09:17 - Lượt đọc: 36

BT- Bình Thuận không phải là cái nôi của cải lương, của nghệ thuật đờn ca tài tử. Vậy mà, trong cuộc sống, người ta vẫn cứ mê chúng, đắm đuối với những cung bậc trong đờn ca tài tử, cứ như một mạch ngầm âm ỉ trong tâm hồn người Việt. Lớp tập huấn đờn ca tài tử cải lương do Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tổ chức vừa khép lại, là minh chứng cho việc gìn giữ, tiếp nối vì tình yêu với văn hóa dân tộc.

                
   Những đam mê được tiếp lửa.

GIỮ LỬA NGHỀ

Trong 10 ngày, lớp học ngắn hạn chừng 20 học viên từ các địa phương đã tìm đến để chạm ngõ với đờn ca tài tử. Có người chưa biết gì, có người đã từng học, có người như đã thấm đẫm trong huyết quản từ bao nhiêu năm cũng tề tựu dưới sự dẫn dắt của nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Long. Một nghệ nhân về đờn ca tài tử mà nhắc đến tên ai cũng phải ngưỡng mộ. Dù chẳng giàu có về vật chất nhưng nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Long đã gần như dành trọn cuộc đời này cho  nghiệp “đờn ca”. Nhiều thế hệ học trò thành danh như Lương Hồng Huệ, rồi đi lập nghiệp phương xa. Nhiều học trò ở lại, vì công cuộc mưu sinh, vì gia đình để hôm nay lại được đứng cạnh người thầy của mình tiếp tục truyền lửa cho các tâm hồn đến bằng “đam mê” như nghệ nhân Đặng Quốc Kỳ cũng là điều may mắn cho nghệ thuật đờn ca tài tử - cải lương.

Đờn ca tài tử - cải lương đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, là nét văn hóa dân tộc cần được bảo tồn và phát huy. Ai đã từng chạm vào những cung bậc của “xử, xang, xê, cống…”, hẳn sẽ thấy quê hương mình, tâm hồn mình, thấy cả những cực nhọc trong lao động, thấy đời sống cần lao nhưng đâu đó vẫn là tình cảm yêu thương gắn bó. Lớp học chỉ 10 ngày, nhưng thầy Long quyết tâm cho các học trò hiểu hơn về 20 bài bản Tổ Đờn ca tài tử Nam bộ, gồm: “3 Nam” – Nam xuân, Nam ai, Nam đảo (tối thiểu 20 câu, khuyến khích viết 2 lớp Trống xuân, Mái ai và Song cước), “6 Bắc” – Lưu thủy trường (32 câu), Phú lục chấn (lớp 1, 2 và lớp chót), Bình bán chấn (tối thiểu 22 câu), Xuân tình chấn (tối thiểu 2 lớp), Cổ bản vắn (34 câu), Tây thi vắn (26 câu); “7 Hạ” – Xàng xê nhịp tư (20 câu)… “Tuy chỉ vỏn vẹn gần 20 học viên theo đuổi đến cùng vào cuối khóa, nhưng thật sự với tôi cũng là niềm vui. Có học viên tuổi đã 71, học viên trẻ nhất cũng tuổi 40 nhưng lại có niềm yêu  thích với đờn ca tài tử là điều tôi vui hơn cả. Lớp học có những anh chị chưa một lần biết đến cũng tham gia, như một cách trải nghiệm rồi yêu thích mà không vắng buổi nào”- nghệ nhân ưu tú Đặng Ngọc Long chia sẻ. 

TIẾP ĐAM MÊ

Không chỉ tìm hiểu về bài bản cải lương, các học viên cũng được trải nghiệm tìm hiểu về cách hát 24 bài lý dân ca Nam bộ, các phát âm nhả chữ  trong hát đờn ca tài tử - cải lương. “Dù trước đến nay chủ yếu hát tân nhạc nhưng lần này tôi muốn trải nghiệm với đờn ca tài tử - cải lương. Với tôi đây là loại hình nghệ thuật khó vừa phải biết ca, biết diễn. May mắn ở lớp học này là học được nhiều kỹ năng, không chỉ là cách hát bài bản tài tử, cách biên đạo chương trình, mà còn phát âm sao cho rõ ràng, chuẩn với kiểu Nam bộ”- chị Tuyết Liên chia sẻ.

                
   Cần một bộ phận giới trẻ được khơi nguồn    đam mê văn hóa dân tộc.

 Ở lớp học, chúng tôi cũng phát hiện nhiều gương mặt của phong trào văn nghệ quần chúng dưới cơ sở. Họ tìm đến không đơn thuần là muốn khám phá bản thân mình, mà chính là trong con người họ lửa đam mê dẫn dắt. Chính vì có những con người yêu quý đờn ca tài tử - cải lương, đã góp phần chung tay vào chương trình mục tiêu bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật đờn ca tài tử giai đoạn 2015 – 2020. “Thật ra hát đờn ca tài tử - cải lương không hề đơn giản, vì nhịp phách rất khó không như tân nhạc, dù có thể mình không hát được nhưng ít ra mình cũng cần có kiến thức về nó, mình có thể nghe để nhận biết như một cách thực hành, vì những giá trị văn hóa nghệ thuật này cần phải được giữ gìn và phát huy”- học viên Thanh Thủy cho biết.

Trong đêm công diễn vài tiết mục của lớp học, mới thấy được hạnh phúc của những con người thầm lặng đang cố gắng trong sự eo hẹp về mọi thứ để có những lớp học đơn sơ mà gần gũi nhất như đặc tính của đờn ca tài tử. Giá như những học viên hôm nay - những mái tóc điểm sương đang cần mẫn thay vào đó là những học viên trẻ, là những thế hệ trẻ biết yêu quý đờn ca tài tử - cải lương, biết trân quý những giá trị của văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc. Tôi tin rằng những con người đang góp công gầy dựng cho phong trào, để tiếp nối giữ gìn bản sắc văn hóa, sẽ có thêm động lực để giữ lửa và khơi nguồn cho nghệ thuật truyền thống – một di sản phi vật thể cần được bảo tồn.              

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Giữ lửa” đờn ca tài tử - cải lương