Theo dõi trên

Hai hiện tượng chữ nghĩa Việt Nam

05/10/2018, 13:58 - Lượt đọc: 12

BT- Họ là những hiện tượng. Tôi nghĩ, chỉ có đất Sài Gòn mới tạo nên, dưỡng nuôi và chấp nhận hiện tượng. Các hiện tượng lạ thường như Bùi Giáng hay Phạm Công Thiện vượt ra ngoài thẩm định thông thường, thì khó được đông đảo công chúng ở mọi thành phần chấp nhận. Riêng hiện tượng Trịnh Công Sơn trong âm nhạc, hiện tượng Nguyễn Hiến Lê học giả và sau này: hiện tượng Nguyễn Nhật Ánh văn học thiếu niên, hoàn toàn khác.

Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984) là nhà văn, nhà ngôn ngữ, nhà khảo cứu, dịch giả. Ông hoạt động chữ nghĩa độc lập. Phạm vi viết của ông rất rộng: văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, chính trị, kinh tế, sách học làm người, gương danh nhân... Lĩnh vực nào ông cũng thành công.

Văn ông không cầu kỳ mà hấp dẫn. Hấp dẫn từ lớp người đọc tuổi mới lớn cho chí nhà nghiên cứu đầu bạc. Hấp dẫn kéo dài từ những năm đầu thập niên 60, đến hôm nay vẫn còn giữ được sức hấp dẫn. Thế nên không lạ, hiện nay ở hầu hết tuần lễ sách, luôn có một “Gian hàng Nguyễn Hiến Lê” đứng riêng biệt một cõi. Là điều hiếm “nhà” nào có được.

Ông đích thị con người của đọc và viết. Viết như một… công chức cần mẫn, đúng giờ giấc, đều đặn. Từ chối một chân ở đại học, từ chối cả “Giải thưởng văn chương toàn quốc”, “Giải tuyên dương sự nghiệp văn hóa, văn học” danh giá mà giá trị vật chất thời ấy lên tới vài chục lượng vàng.

Ông viết sách, lập nhà xuất bản để in tác phẩm mình. Phải là con người bản lĩnh và tự tin, mới dám hành động như thế. Ông khuyên sinh viên ra trường chớ chăm chăm vào công sở để làm công chức nhà nước, ở đó đời sống dù ổn định, tuổi trẻ dễ chây lười và tự thỏa mãn, không thể vận dụng hết khả năng trời sinh, trở thành cùn nhụt một ngày không xa.

Nguyễn Hiến Lê tự học, và dành tất cả sinh lực cho học. Học bằng cách viết, như ông nói. Câu nói tưởng giản đơn nhưng rất đáng suy ngẫm, và làm theo.

Tác phẩm Nguyễn Hiến Lê đáp ứng mọi nhu cầu tri thức phổ thông cấp cao, thế thôi, không hơn nữa. Đòi hỏi sự sáng tạo phá cách ở ông là không thể. Thế nên, ông chê thơ Thanh Tâm Tuyền, văn chương của nhóm Sáng tạo. Và không phải không nguyên do, Bùi Giáng đã một lần gọi ông là “nho hương nguyện hiện đại”.

Nhưng đó là chuyện khác rồi.

Tạm nêu các công trình nổi bật của ông ở vài lĩnh vực: Văn học, gồm khảo luận và dịch thuật: Đại cương văn học sử Trung Quốc (3 quyển, 1955), Sử ký Tư Mã Thiên (viết chung với Giản Chi, 1970), Kiếp người (dịch Somerset Maugham, 1962), Chiến tranh và hòa bình (dịch Lev Tolstoy, 1968), Chiếc cầu trên sông Drina (dịch I. Andritch, 1972)… Triết học, có: Đại cương triết học Trung Quốc (viết chung với Giản Chi, 1965), Kinh Dịch, đạo của người quân tử (bản 1990)… Lịch sử, là: Lịch sử thế giới (viết với Thiên Giang, 1955), Bài học Israel (1968), Lịch sử văn minh Ấn Độ (dịch Will Durant, 1971), Sử Trung Quốc (3 tập, 1982)… Giáo dục, rất nhiều tác phẩm giá trị: Tìm hiểu con chúng ta (1966), Tự học để thành công (1954), Gương danh nhân (1959), Gương hi sinh (1962), Những cuộc đời ngoại hạng (1969), Chinh phục hạnh phúc (dịch Bertrand Russell, 1971), Sống đẹp (1964)…

Đó là chưa kể các tác phẩm trong Tủ sách “Học làm người”, ở đó thành công nhất là: Đắc Nhân Tâm (dịch Dale Carnegie) xuất bản năm 1951 sau đó tái bản đến vài chục lần! Và ngay cả “hồi ký” của ông cũng rất đáng đọc. Có thể kể: Đời viết văn của tôi (1996), Hồi ký Nguyễn Hiến Lê (1992).

Nguyễn Nhật Ánh (SN 1955) ở Quảng Nam, hiện sống và viết tại TP. Hồ Chí Minh.

Nguyễn Hiến Lê mất năm 1984, khoảng thời gian ấy, một hiện tượng chữ nghĩa mới xuất hiện ở Sài Gòn. Nhưng theo thể cách khác: Văn chương viết cho lứa tuổi thanh thiếu niên. Và sau đó không lâu, anh cũng chiếm được Gian hàng sách riêng tại bất kỳ hội chợ sách nào khắp tỉnh thành: Nguyễn Nhật Ánh.

Văn Nguyễn Nhật Ánh, tôi chưa một lần đọc hết 10 trang! Thuở Lê Văn Thảo còn Chủ tịch Hội Nhà văn TP. Hồ Chí Minh, không hiểu sao anh nhờ tôi đọc một cuốn tiểu thuyết của Ánh để đưa nhận xét. Tác phẩm tương đối mỏng, tôi thử cố đọc một lần cho trót, nhưng vẫn cứ ngáp dài. Nhảy qua chương 2, cũng không quá 5 trang, lại ngáp. Tôi mới chuyển cho hai đứa cháu sinh viên đang ở nhà, cả hai kêu một giọng: Từ lớp 8, con không còn đọc chú ấy nữa, cha à.

Câu chuyện trên cho ta biết, chữ nghĩa Nguyễn Nhật Ánh chỉ dành riêng cho lứa tuổi nhất định, có lẽ thế. Dẫu sao, dòng văn chương chính thống hôm nay, Nguyễn Nhật Ánh là một hiện tượng. Hiện tượng độc nhất vô nhị. Một hiện tượng kéo dài suốt 30 năm, thì không thể xem thường. Một nhà văn viết mà mấy lớp con cháu xếp hàng đợi mua sách, phải nói chỉ có một anh. Không nhà nào khác nữa.

Không phải phong trào, mà chờ đợi thực sự.

Đất nước mở cửa, vài năm đầu thử nghiệm vừa thơ vừa truyện ngắn, sau đó là truyện dài dành cho tuổi mới lớn, Nguyễn Nhật Anh bắt đầu tấn công ồ ạt vào thể loại văn chương này. Kính vạn hoa, bộ truyện 54 tập, viết liên tục từ năm 1995 đến năm 2002: 45 tập, sau đó kéo dài thêm 9 tập nữa, đủ thấy sức viết kinh hoàng của anh. Tiếp tục là Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, truyện dài xuất bản vào đầu năm 2008, để hai năm sau: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã xuất hiện trên giá sách.

Nhận thấy sức hút của Nguyễn Nhật Ánh, bên điện ảnh cũng vào cuộc. Từ Áo trắng sân trường chiếu năm 1990, do Lê Công Tuấn Anh thủ vai cho đến phim thành công nhất: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015), đã đưa tên tuổi nhà văn này thành một hiện tượng “đúp”. Không tuyệt sao!

Trong thời buổi này, sống và viết như Nguyễn Nhật Ánh, không phải không nhận tiếng chê. Rằng: Nhà văn sa-lông. Bởi ngoài kia trí thức và quần chúng Việt Nam đang bấn loạn ngày này qua ngày khác; hàng ngàn hàng vạn sinh linh Việt sẵn sàng bỏ công sở, bỏ bàn giấy, bỏ cả sự nghiệp để lao vào sổi bỏng của thời cuộc, thế mà có nhà văn đóng cửa phòng văn hì hục viết với bàn tay sạch. Là đồng lõa với vô cảm rồi còn gì. Nhưng không. Cần công bằng với anh: Nguyễn Nhật Ánh đã dồn hết sinh lực tinh túy nhất của mình cho văn học thiếu niên. Để lứa tuổi ấy có tác phẩm tốt, đẹp, hấp dẫn mà đọc.

Không thể đòi hỏi ở anh điều gì khác. Với tôi, thế thôi cũng đáng quý rồi.

Inrasara



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hai hiện tượng chữ nghĩa Việt Nam