Theo dõi trên

Hàm Thuận Bắc: Âm vang ngày hội vùng cao

31/12/2018, 08:26

BT- “Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số” huyện Hàm Thuận Bắc, lần thứ XVIII năm 2018 vừa diễn ra tại xã Đông Giang, trở thành sân chơi lành mạnh, bổ ích, nơi gặp gỡ giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em trong huyện.

 Với sự tham dự của hơn 200 vận động viên đến từ 8 địa phương của huyện gồm Ma Lâm, Thuận Minh, Thuận Hòa, Hàm Trí, Hàm Phú, Đông Tiến, Đông Giang và La Dạ. Nội dung tham gia ngày hội gồm những bài dân ca, điệu múa dân gian của mỗi dân tộc phối hợp các loại nhạc cụ truyền thống, đã đưa người xem đến nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Mỗi tiết mục hát múa, trong trang phục đa màu sắc mang đậm hơi thở cuộc sống sinh hoạt, sản xuất đời thường về văn hóa các dân tộc. Các môn thể thao, trò chơi dân gian như đi cà kheo, thi bắn nỏ, đẩy gậy, giã gạo… tái hiện dụng cụ lao động thô sơ phục vụ sản xuất nông nghiệp. Một thành viên đội thi giã gạo xã La Dạ, chị B’rông Thị Mai chia sẻ: “Khi 10 tuổi, lúc ấy trong làng chưa có máy xay lúa, chị cùng các anh chị em trong gia đình phải giã 20 kg lúa bằng tay mỗi ngày. Cứ mỗi khi ngày hội đến, chị tham gia hội thi giã gạo, nhớ lại kỷ niệm còn nhỏ”.

Bên cạnh đó, phần thi ẩm thực với  món cơm lam nấu ống tre, gà nướng than hồng, canh lá bép thụt ống tre, cá đồng nấu đọt mây… như là một món ngon đặc sản tinh túy của núi rừng hòa quyện vào nhau, tạo ra nghệ thuật ẩm thực vùng cao trong tiết trời se lạnh ở vùng núi. Không khí lễ hội rộn ràng không gian núi rừng, để lại ấn tượng đọng lại trong người dân và du khách. Ông Bryan (du khách người Úc) nói: Trước đây, tôi đã xem lễ hội đua thuyền ở Phan Thiết. Lần này, gia đình tôi ở Phan Thiết giới thiệu đi tham quan miền núi, viếng thăm nhiều nhà thờ trong dịp lễ Noel, và xem lễ hội tại đây. Trong lễ hội này, tôi được tận mắt chứng kiến 2 trò chơi dân gian. Với trò chơi đi cà kheo hơi mạo hiểm khi các thanh niên di chuyển trên 1 thanh tre nhỏ. Trò chơi giã gạo trong khoảng thời gian nhất định, đàn ông, phụ nữ trút lúa vào cối gỗ, dùng thanh gỗ dài với trọng lượng nặng giã xuống để tách vỏ trấu; tiếp tục sàng lọc có được gạo trắng.

Theo ông Mai Hữu Sơn (Phó trưởng Ban tổ chức, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin), trước đây ngày hội tổ chức hàng năm. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay, tổ chức định kỳ 2 năm/ lần nhằm khôi phục, phục dựng điệu múa, sân khấu hóa lễ cúng từng dân tộc. Nét đặc trưng của ngày hội năm nay là lồng ghép tuyên truyền về Luật An toàn giao thông nhằm nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông, bước đầu có những kỹ năng phòng tránh, tự bảo vệ mình khi tham gia giao thông; trưng bày quầy sách khuyến khích học sinh đọc; và tặng 15 phần quà cho 15 học sinh nghèo vượt khó thuộc 3 xã Đông Tiến, Đông Giang và La Dạ, trị giá 300.000 đồng/phần.

Có thể nói rằng, “Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc thiểu số” tái hiện giá trị văn hóa của các dân tộc Kinh, K’ho, Rlây, Chăm, Rai tại Hàm Thuận Bắc qua nhiều thế hệ không ngừng sáng tạo, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trong xu thế hội nhập.

Trang Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hàm Thuận Bắc: Âm vang ngày hội vùng cao