Theo dõi trên

Hết sức cân nhắc khi… chê

24/11/2017, 14:04 - Lượt đọc: 37

Chớ sính “ngoại”, chê “nội”

BT- Câu chuyện của một gia đình sau đây đáng để ta suy ngẫm. Hai vợ chồng H. sống thuận hòa với nhau mấy chục năm nay, tự nhiên bây giờ đã bước sang tuổi ngũ tuần, con cái đều yên bề gia thất, hàng xóm lại hết sức ngạc nhiên khi nhận thấy  cặp đôi này hay tiếng to tiếng lớn với nhau.

 Tìm hiểu, người chồng tâm sự thế này: “Thấy vợ quanh năm  ở nhà lo chuyện gia đình, mình động viên vợ, giờ con cái đã lớn, nếu ai có mời họp bạn thì cũng nên đi cho vui”. Lúc đầu vợ rất ngại, nhưng đi được vài lần rồi đi đều, nay tỉnh này, mai thành phố nọ. Mà chuyện ấy cũng chẳng có gì đáng trách, cái chính là sau mỗi lần đi về, vợ  cứ đem chuyện “mấy người xưa” ra khoe và khen nức nở. Khen bạn mà lại chê chồng. Nghe một lần hai lượt không sao, nhưng nghe suốt, hỏi chồng con nào chịu nổi? Vậy là to tiếng cãi vả với nhau. Vợ nói mình ghen, mình nói không ghen mà tức.

Vậy đó! Chuyện chỉ đơn giản thôi nhưng nếu người vợ không sớm nhận ra cái tật sính “ngoại”, chê “nội” của mình,  sớm muộn gì hạnh phúc gia đình cũng xào xáo có khi còn trầm trọng hơn. 

Và chuyện boléro

Đó là những chuyện nhỏ trong gia đình, còn lớn hơn, chuyện của xã hội, thời gian qua dư luận cả nước, nhất là trên các trang mạng đã liên tiếp dậy sóng với phát ngôn của hai ngôi sao ca nhạc đình đám nhất. Ông thì chê boléro là nhạc sến, nhạc bình dân. Bà lại nói ca sĩ miền Nam không có học, nổi tiếng nhờ truyền thông…

 Khen hay chê là chuyện bình thường, là quyền của mỗi người. Nhưng khen chê cũng phải có cách, có nghệ thuật, có thời điểm, nhất là những việc đụng đến số đông, đến vùng miền, đến tình cảm và cả sự nhạy cảm trong đó.

Về miền Tây ngồi với bà con mà chê nhạc tài tử, chê “Dạ cổ hoài lang”, “Tình anh bán chiếu”, bạn không bị  “cạch” cho là may lắm rồi! Nói như thế để thấy rằng dòng nhạc boléro, tuy không “bác học” không hiện đại, nhưng bảo nó không hay, không đi vào lòng người thì hoàn toàn không đúng. Ngược lại, hơn nửa thế kỷ trôi qua, dòng nhạc này đã ăn sâu  trong người dân miền Nam và nay thì lan rộng ra cả nước

Họ yêu, họ thích như vậy, tự nhiên mình bốc đồng nhảy dựng lên chê bai, hỏi sao không bị “gạch, đá”!

Ai cũng biết, chuyện học hành là chuyện tối quan trọng. Học là chìa khóa khai mở mọi vấn đề. Nhưng với những người kém may mắn không được học hành đến nơi đến chốn, không qua trường lớp chính quy thì họ cũng có con đường tự học để nâng cao kiến thức. Chẳng phải nước mình  người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ thuộc loại dẫn đầu khu vực, nhưng có bao nhiêu vị trong số ấy có những phát minh, công trình giá trị? Ngược lại nông dân mới lớp 6, lớp 7  đã chế tạo được nhiều loại máy móc phục vụ rất tốt cho sản xuất.

Về lĩnh vực ca hát cũng vậy, với những người có năng khiếu, có chất giọng thiên phú, nếu được đào tạo bài bản thì quá tuyệt, bằng không, dựa vào lòng yêu nghề, sự lao động miệt mài, tinh thần cầu tiến và tự học, họ cũng sẽ đạt được những thành công nhất định. Những thành công ấy đáng được trân trọng hơn là chê bai.  

GIA LINH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hết sức cân nhắc khi… chê