Theo dõi trên

Hướng về nguồn cội !

11/04/2019, 09:13

BT- “Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ tổ mùng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Câu ca dao đậm tình nghĩa đã đi vào lòng mỗi người dân đất Việt từ thế hệ này sang thế hệ khác. Với những người con sinh ra và lớn lên trên vùng đất Tổ đang sinh sống và lập nghiệp xa quê thì càng tự hào và thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Vì điều kiện kinh tế, vì sức khỏe hay lý do nào khác, đến ngày  mùng 10 tháng 3 hàng năm họ không thể hành hương về Đền Hùng, nhưng với tấm lòng kính ngưỡng, tri ân công đức tổ tiên, hàng năm Hội đồng hương Vĩnh Phú tại Bình Thuận vẫn tổ chức lễ Giỗ tổ.

Hội là nơi tập trung của 120 người con quê Vĩnh Phúc, Phú Thọ đang sinh sống ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Ông Trình Văn Đạo - Chủ tịch Hội đồng hương Vĩnh Phú cho biết: Hội thành lập năm 1997, với tên gọi Ban liên lạc Hội đồng hương Vĩnh Phú (năm 2005 UBND tỉnh ra quyết định thành lập hội), từ đó đến nay hàng năm cứ vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch, hội lại tổ chức Giỗ tổ Hùng Vương. Tuy không lớn về quy mô, nhưng các hoạt động được hội tổ chức đều có ý nghĩa sâu sắc, giáo dục con cháu về truyền thống, nhớ tới cội nguồn dân tộc.

Mỗi năm, buổi lễ diễn ra tại một địa điểm khác nhau và năm nay là ở xã Hàm Minh, huyện Hàm Thuận Nam. Tuy nhiên hình thức thực hiện không thay đổi, gồm có phần lễ và phần hội. Trong đó phần lễ gồm chuẩn bị lễ vật là hoa tươi, mâm trái cây, xôi gà, bánh chưng, bánh dày. Thắp nhang, ôn lại truyền thống của ông cha ta thời kỳ dựng nước, tri ân các vị vua Hùng và tổ tiên đã có công lớn trong sự nghiệp mở nước. Báo cáo các hoạt động hội, động viên các hội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ, giữ gìn, phát huy truyền thống quê hương đất tổ, tặng quà cho con cháu có thành tích đạt giải quốc gia. Phần hội là những tiết mục tự biên, tự diễn của các thành viên trong Hội đồng hương. 

Từ ngày thành lập đến nay, hội luôn lấy tiêu chí tự nguyện, tương thân, tương ái, cùng nhau xây dựng cuộc sống trên quê hương mới Bình Thuận. Ngoài việc đoàn kết giúp nhau cùng vươn lên trong cuộc sống, các thành viên còn tuyên truyền, vận động để mọi người luôn có ý thức chấp hành pháp luật, sống hòa nhập với người dân nơi cư trú, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh. Hàng năm 100% gia đình hội viên đều đạt gia đình văn hóa. Nhiều người con quê hương Vĩnh Phú đã thành đạt, là người có tinh thần trách nhiệm cao khi được giao những chức vụ trong cơ quan Đảng, đoàn thể và tích cực đóng góp vào các hoạt động từ thiện xã hội.

Trong cuộc trò chuyện với ông Đạo, chúng tôi còn biết thêm, ngoài Đền thờ Hùng Vương tại thị trấn Phan Rí Cửa (Tuy Phong) được UBND tỉnh nâng tầm trở thành nơi tổ chức lễ hội Giỗ tổ cấp tỉnh và hoạt động của Hội đồng hương Vĩnh Phú, thì tại Đức Linh và Trại giam Z30D cũng tổ chức ngày Giỗ tổ. Điều này chứng tỏ không chỉ những người con Vĩnh Phú mà bà con ở các địa phương trong tỉnh vẫn luôn nhớ đến công ơn dựng nước của các vua Hùng, có ý thức về nhiệm vụ gìn giữ và xây dựng quê hương, đất nước.

         
      Lễ hội    Giỗ tổ Hùng Vương năm 2019 tại Phan Rí Cửa, có 2 đơn vị tham gia góp    giỗ là TP. Phan Thiết và huyện Hàm Thuận Nam. Các sản vật là đặc sản    địa phương như bánh rế, bánh cốm, xoài, mãng cầu, thanh long sẽ được    dâng lên vua Hùng. Ngoài ra, 2 địa phương còn cử 23 vận động viên    tham gia giao lưu bóng bàn, cầu lông trong phần hội.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng về nguồn cội !