Theo dõi trên

Katê năm nay biết thêm được gì?

20/10/2017, 09:33

BT- Katê của đồng bào Chăm năm nay rơi vào trung tuần tháng 10 dương lịch, từ ngày 18 - 20/10.

Thời xa xưa, Katê chỉ là Katê lễ. Bà con lên tháp hành lễ, sau đó về tư gia Cả sư Pô Dhya trong khu vực để cúng, rồi đến Katê palei (làng). Chỉ mấy thập niên qua, do văn hóa du lịch phát triển, Katê mới được biến thành hội: Lễ hội Katê. Ở đó có ngoạn cảnh, có vui chơi, có ăn uống linh đình.

                
Lễ hội Ka tê tại tháp Pô Sah Inư (Bình    Thuận). Ảnh: Đình Hòa

Chính những khác biệt này làm nên đặc trưng thú vị của văn hóa Chăm.

Năm ngoái tôi có viết bài về Katê liên quan đến vài điểm độc đáo trong sinh hoạt cộng đồng Chăm Bà-ni và Chăm Bà-la-môn, là hai cộng đồng vẻ ngoài được xem là theo tôn giáo khác nhau, nhưng lại cùng lên tháp cúng tế - là một đặc trưng thú vị nữa.

Từ đó vài độc giả đặt ra nhiều câu hỏi, cũng bất ngờ không kém.

Thi sĩ Đồng Chuông Tử hỏi rằng tại sao tháp Pô Klong Girai thuộc vua đàn ông mà người Chăm cúng Katê thuộc nam thần, cha và cả Chabur nữ thần, mẹ? Ngược lại tháp Pô Sah Inư cũng vậy, là tháp thờ nữ thần nhưng lại được tổ chức cả Katê lẫn Chabur tại đây?

Đây là cách thờ phượng rất đặc trưng của người Chăm Panduranga (Ninh Thuận và Bình Thuận). Kiến trúc tôn giáo Chăm Bà-la-môn nói chung vẫn là kiến trúc cổ Champa. Ở đây, theo chức năng, có thể chia kiến trúc cổ Chăm làm hai khu vực chính: Từ Phú Yên trở ra, toàn bộ tháp Chăm để thờ các vị thần trong hệ thống Ấn Độ giáo, còn từ Nha Trang vào thì thờ các vị vua, tướng được thần hóa. Người Chăm lấy tên vị vua ấy đặt tên cho cụm tháp mà họ thờ. Tháp Bà ở Nha Trang thờ người sáng lập vương quốc Champa là Pô Inư Nưgar; tháp Pô Klong Girai hay tháp Pô Rômê ở Ninh Thuận thờ hai vị vua này; tháp Pô Dam và tháp Pô Sah Inư ở Bình Thuận cũng vậy.

Thế nên, ở đây người Chăm không thờ hệ thống thần Ấn Độ (gồm nhiều nam thần và nữ căn, nữ thần…) mà chỉ thờ Vua được Thần hóa. Vị thần này trung tính. Nên mới xảy ra tình trạng như câu hỏi vừa nêu ra. Ngoài ra tháp Chăm dù mang tên vị thần nào bất kỳ không phải để thờ chính vị thần đó, mà nó được coi là nơi linh thiêng để người Chăm cúng tế nhiều vị thần khác.

Còn việc đặt tượng thần giữa lòng tháp, tại sao tượng Thần lại đặt thấp như vậy? Đây là câu hỏi của không ít độc giả là người Việt. Bởi truyền thống văn hóa Việt, ngoài tượng ông Địa đặt “dưới đất” còn lại tuyệt đại đa số được đặt lên cao: cao quá đầu người hay hơn nữa, để tỏ lòng kính ngưỡng khi khấn vái. Chăm ngược lại: quá thấp.

Khác với người Việt, đều đứng thẳng người khi vái, người Chăm thì khác: Quỳ rồi cúi rạp người để lạy. Tiếng Chăm gọi là Talabat: Quỳ lạy. Thế nên khi tiến hành trùng tu, Ban Quản lý một khu tháp đã sáng tạo bằng cách nâng tượng lên cao ngang người, bị không ít du khách hiểu biết phản đối. Bởi nó sai với tập tục của bà con Chăm.

Tháp Chăm được xây dựng trên địa hình nào, và tại sao? Là câu hỏi rất đáng chú ý. Và nó nhận được nhiều câu trả lời còn bỏ ngỏ. Người ta đặt câu hỏi, tại sao tháp Hòa Lai cùng phong cách với tháp Pô Sah Inư, mà một thì dựng trên đồi gần bờ biển còn một thì ở đồng bằng? Dẫu thế nào, điều hiển hiện hôm nay cho ta biết tháp Chăm được xây dựng trên nhiều địa hình khá khác nhau: Trong thung lũng kín đáo, như Mỹ Sơn; cạnh sông lớn có: tháp Bằng An, Khương Mỹ, Bình Lâm, Thủ Thiện; giữa đồng bằng là Đồng Dương; trên ngọn đồi gần cửa biển: tháp Pô Nưgar; trên ngọn đồi ven sông, có: tháp Bánh Ít, tháp Nhạn;  trên ngọn đồi biệt lập: tháp Thốc Lốc, Pô Klong Girai, Pô Rômê; bên sườn núi: Pô Dam; trên bờ biển: tháp Mỹ Khánh…

Và tất cả đều tách biệt với khu dân cư.

Inrasara



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Katê năm nay biết thêm được gì?