Theo dõi trên

Không gian di sản văn hóa Bình Thuận – Gia Lai

24/12/2019, 14:15

BTO- Kỷ niệm 74 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23/11/1945 – 23/11/2019), sáng 15/11, Bảo tàng tỉnh phối hợp với Bảo tàng tỉnh Gia Lai tổ chức triển lãm chuyên đề “Di sản văn hóa tỉnh Gia Lai và di sản văn hóa Chăm Bình Thuận”.

Khu trưng bày hình ảnh và hiện vật được bố trí ở 2 sảnh riêng biệt tại Tháp Pô Sah Inư, nhưng không quá xa nhau đã tạo thuận lợi cho du khách và học sinh di chuyển, tìm hiểu sự khác biệt cũng như nét giao thoa rất thú vị của đồng bào dân tộc thiểu số ở một nơi là vùng núi, nơi là đồng bằng. Cụ thể tại khu vực triển lãm di sản văn hóa Chăm được phân thành 2 phần cụ thể. Trong đó phần triển lãm ảnh kết hợp trưng bày hiện vật đã giới thiệu được những nét khái quát về người Chăm và di sản văn hóa Chăm Bình Thuận. Nét đẹp trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo, lễ hội thông qua trang phục khi biểu diễn nhạc cụ truyền thống, phụ nữ ngồi dệt thổ cẩm, lễ cưới; hình ảnh các đền tháp, phế tích tháp qua các đợt khai quật khảo cổ, thành lũy; hình ảnh 4 di tích Chăm được xếp hạng cấp quốc gia gồm tháp Pô Sah Inư, tháp Po Dam, đền thờ vua Po Nít, đền thờ vua Po Klong Mơh Nai và 3 di tích xếp hạng cấp tỉnh; lễ hội Katê, Rija Nưgar, Rija Prong, Ramưwan. Hay các nghề thủ công truyền thống như dệt thổ cẩm, làm gốm ở thôn Bình Đức, xã Phan Hiệp (Bắc Bình). Hình ảnh của bộ sưu tập di sản Hoàng tộc Chăm tại xã Phan Thanh. Bên cạnh đó là việc trưng bày các vật dụng cụ thể, vẫn được bà con sử dụng trong sản xuất và sinh hoạt hàng ngày là những mủng, vò, hũ, lò đổ bánh…

 

Riêng không gian trưng bày văn hóa Gia Lai, tuy số lượng hình ảnh và hiện vật ít hơn, nhưng phần nào khắc họa được những nét đặc trưng của một địa danh hào hùng trong chiến tranh và hiện đang vươn mình trên vùng đất đỏ Tây Nguyên. Đến thời điểm này, Gia Lai là nơi duy nhất ở nước ta được các nhà khảo cổ tìm thấy một hệ thống các di tích thời kỳ đá cũ, có niên đại cách ngày nay trên dưới 80 vạn năm.

Cư dân tại chỗ ở Gia Lai là dân tộc Ba-na, Gia-rai còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa đặc sắc. Trong đó không gian văn hóa cồng chiềng là di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO vinh danh, Sử thi Ba-na và lễ hội cầu mưa của Yang Pơtao Apui đã được ghi vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Điểm đặc biệt là tại Gia Lai có một bức phù điêu Phật Champa Tây Nguyên, đây là bảo vật quốc gia đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh này. Điều này cho thấy từ thời xa xưa cư dân hai vùng đất đã có sự giao thương qua lại với nhau. Vì thế việc hợp tác, giới thiệu những di sản văn hóa của 2 tỉnh trong dịp này rất có ý nghĩa, không chỉ giúp giáo dục thế hệ trẻ niềm tự hào dân tộc, ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, mà còn là cơ hội để quảng bá những giá trị lịch sử, vùng đất, con người của hai địa phương đến với du khách một cách chân thực, gần gũi nhất. Triển lãm mở cửa phục vụ khách tham quan đến ngày 15/12, tại tháp Pô Sah Inu, phường Phú Hài, TP. Phan Thiết

Thùy Linh. Clip Ngọc Lân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không gian di sản văn hóa Bình Thuận – Gia Lai