Theo dõi trên

Kinh Duy Trịnh - người gìn giữ và lan tỏa vẻ đẹp văn hóa Chăm

08/11/2017, 10:28

BT- “Cống hiến thiết thực bằng cách biên soạn, giảng dạy ngôn ngữ của dân tộc mình cho các thế hệ học sinh là một hạnh phúc lớn lao”. Đó là tâm sự của Kinh Duy Trịnh, người thầy giáo dân tộc Chăm hiện ở xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong.

                
Kinh Duy Trịnh.

Trong thời gian dạy bậc tiểu học, thầy giáo Trịnh được Bộ Giáo dục và Đào tạo mời vào Ban biên soạn tiếng Chăm. Ban biên soạn đã cho ra đời bộ sách giáo khoa gồm 15 quyển: 5 quyển tiếng Chăm dành cho học sinh từ lớp một đến lớp năm, 5 quyển dành cho giáo viên và 5 quyển vở bài tập. Bộ sách này được chính thức dùng giảng dạy trong các trường tiểu học ở các vùng đồng bào Chăm sinh sống.

Các thế hệ học sinh Chăm hôm nay may mắn hơn lớp cha anh. Các em được học ngôn ngữ của dân tộc mình một cách bài bản dưới mái trường, có thầy cô giảng dạy, có sách giáo khoa… Trước kia, để biết đọc, biết viết chữ Chăm, chỉ có những gia đình khá giả mới mời “thầy” về nhà dạy cho con em họ và trả công bằng lúa, khoảng nửa tấn lúa cho mỗi “học trò” để được đọc thông viết thạo.

Về hưu, thầy giáo Trịnh có nhiều thời gian hơn cho công việc sưu tầm, dịch thuật các văn bản chữ Chăm cổ. Đó là những trang sách cổ trên lá buông, những bản sách chép tay của ông nội thầy giáo Trịnh truyền lại hay anh lặn lội trong các làng Chăm ở Bình Thuận và Ninh Thuận xin được những trang sách cổ của những người già, hay anh nài nỉ mượn của những người khó tính, rồi cặm cụi chép tay lại (vào thời photocopy chưa phổ biến).

Trong tủ sách của mình, thầy giáo Trịnh có hàng trăm văn bản tiếng Chăm cổ viết về thiên văn, sự tích đền tháp, phong tục, truyện cổ tích, ca dao, tục ngữ, thi ca… Dù những trang sách chép tay này mực đã phai màu, đôi chỗ bị mối mọt gặm nhấm nhưng được anh nâng niu, quý trọng vì đó là một phần linh hồn của dân tộc anh.

Hàng ngày, thầy giáo Trịnh dán mắt vào kính lúp cần mẫn sao chép các văn bản Chăm cổ mủn nát theo thời gian, đối chiếu chữ nghĩa với mấy quyển tự điển dày cộm rồi dịch ra tiếng Việt; gặp những từ quá khó anh phải đi tìm các cụ già để học hỏi thêm cho bản dịch được chuẩn xác.

                
Bìa sách Truyện cổ Chăm của Kinh Duy Trịnh.

Không chỉ tham gia biên soạn các bộ sách giáo khoa tiếng Chăm, vào tháng 10 vừa qua, Nhà xuất bản Kim Đồng đã xuất bản tập truyện cổ Chăm của Kinh Duy Trịnh. Sách gồm 25 truyện, khổ 17 x 24 cm, dày 108 trang, số lượng 2.000 bản, giá bìa 85.000 đồng. Truyện cổ Chăm là một quyển sách in rất đẹp với nhiều hình vẽ minh họa sống động của họa sĩ Tôn Nữ Thị Bích Trâm, xứng đáng có mặt trong tủ sách của các gia đình yêu trẻ.

Kinh Duy Trịnh chia sẻ: “Các chuyện cổ Chăm tôi chọn dịch là những thông điệp rất gần gũi với trẻ em về trí thông minh, lòng dũng cảm, đức tính thật thà, tinh thần đoàn kết, ca ngợi tính cần cù siêng năng, trân trọng tình cảm gia đình… biết tránh xa tính tham lam, thói nuốt lời, lòng bội bạc…”.

Tác phẩm đầu tay Truyện cổ Chăm này là một phần nhỏ trong số văn bản Chăm cổ mà thầy giáo Kinh Duy Trịnh đang chuyển ngữ, nhằm gìn giữ và lan tỏa vẻ đẹp văn hóa Chăm.           

HỒ VIỆT KHUÊ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kinh Duy Trịnh - người gìn giữ và lan tỏa vẻ đẹp văn hóa Chăm