Theo dõi trên

La Gi đất xưa và chặng đường ngày mai

29/01/2018, 10:32 - Lượt đọc: 690

BT- Những ngày cuối năm 2017, người dân La Gi đón nhận kết quả công nhận đề án lên đô thị loại III sau quá trình từng bước phát triển của thị xã từ năm 2005. Cũng không ít những suy nghĩ để hình dung về mảnh đất này sẽ phát triển như thế nào cho tương xứng với đề án là đô thị hạt nhân trong tiểu vùng phía Nam của tỉnh Bình Thuận.

   

Nhưng ở góc độ giá trị lịch sử hình thành của một vùng đất bắt đầu cách đây trên trăm năm từ những vạn chài, xóm làng heo hút của cư dân tứ xứ mới cảm nhận được ý nghĩa di sản về nhân văn, về công sức khai phá của các thế hệ ở đây. Trước khi thành lập huyện Hàm Tân vào năm 1916, La Gi là tên gọi địa bàn dân cư tập trung đông nhất của mảnh đất này. Địa danh La Gi/ La Di xuất hiện với cư dân sinh sống bằng nghề nông, nghề chài lưới bên con sông Dinh, sông Maly/ sông Phan) và hai cửa tấn La Di và Maly có dịch trạm Thuận Phước (Phước Lộc), Thuận Trình (Tam Tân)... lúc này thuộc Tổng Đức Thắng, huyện Tuy Lý. Khi Phan Thiết trở thành thị xã, thủ phủ của tỉnh Bình Thuận vào năm Minh Mạng thứ 10 (1898) thì 18 năm sau thành lập huyện Hàm Tân với hai tổng Phong Điền và Phước Thắng, địa giới giữa hai tổng là dòng sông Dinh. Qua những biến động lịch sử dưới thời nhà Nguyễn rồi đến khi Pháp đô hộ đã đưa đẩy các đợt lưu dân đến đây lập nghiệp, hình thành một cộng đồng cư dân ngày càng nhiều và đồng cảnh ngộ tha phương nên cuộc sống hài hòa thấm đẫm tinh thần tụ nghĩa.

                
Ảnh: Đình Hồng

Không nói đến quãng thời gian 9 năm kháng chiến chống Pháp, La Gi nằm trong vùng căn cứ địa với bối cảnh vườn không nhà trống, dân cư sống tản mác tận rừng sâu. Những mái đình, dinh vạn cổ, những dinh thất bá hộ xưa đã bị xóa sạch. Cho đến khi kết thúc chiến tranh, chính quyền Việt Nam Cộng hòa tách một phần đất của tỉnh Bình Thuận, Long Khánh, Lâm Đồng thành lập tỉnh Bình Tuy và tồn tại suốt 20 năm cho đến ngày giải phóng mới có sự chuyển động đến tiến tới một đô thị. Địa danh La Gi được gọi theo địa lý hành chính với nhiều tên gọi khác nhau nhưng vẫn là địa bàn trung tâm, là tỉnh lỵ Bình Tuy, dù không phải là đơn vị hành chính thị xã vì lúc này chỉ có cấp xã Châu Thành Phước Hội, thuộc quận Hàm Tân, tức một phần đất La Gi ngày nay (thời đó cả miền Nam chỉ có 10 thị xã, còn lại chỉ có 3 cấp tỉnh, quận, ấp/ phường - Phan Thiết cũng gọi là xã Châu Thành Phan Thiết thuộc quận Hàm Thuận). Như xã Châu Thành Phước Hội (La Gi), thuộc quận Hàm Tân, nhưng trụ sở quận đặt tại xã Tân Hiệp (Tân Hải). Đơn vị hành chánh tỉnh lỵ được coi là xã Châu Thành, nhưng riêng các tỉnh miền Tây thì lại có quận Châu Thành...

Có thể nói, nhờ là địa bàn tỉnh lỵ, La Gi được xây dựng, phát triển cho mục đích chiến lược lúc đó đã tạo nên trung tâm kinh tế, thương mại và văn hóa của tỉnh. Các công trình xây dựng kiên cố có tác dụng cho nhu cầu xã hội sau này như chợ cá biển, đập Đá Dựng, cầu Tân Lý, đường nội thị, các cơ sở bệnh viện, trường học, nhà máy điện, nhà máy nước, trụ sở làm việc… à được duy trì, cải tạo đến ngày nay. Nhưng bước nhảy vọt của những năm sau này, nhiều công trình xây dựng mới khá quy mô đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đặc biệt nguồn lực kinh tế từ trong dân, doanh nghiệp đã phát huy, thu hút mạnh mẽ để có được diện mạo mới của La Gi ngày nay.

Từ thuở ban sơ lợi thế của La Gi là tiềm năng thiên nhiên với biển và rừng, tuy nhiên không coi đó là điều tất yếu, đương nhiên để có sự phát triển dễ dàng mà trong đó còn có động lực lớn từ sự khám phá, hoài bảo của con người. Với các di tích lịch sử cách mạng, văn hóa ở cấp trung ương và tỉnh hiện có như Dốc Ông Bằng, Dinh Thầy Thím, Hòn Bà, Đình vạn Phước Lộc, Vạn Tân Phú đã định hình từ giữa thế kỷ 19 về trước được phục dựng, càng in đậm dấu chân của một thế hệ trên bước đường khai phá, mở đất lập làng.

Triển vọng không xa khi thị xã La Gi đã đặt tầm nhìn và mục tiêu của một đô thị đi lên bằng các chương trình quy mô về cải tạo, xây dựng trọng điểm nền công nghiệp, mở rộng cảnh quan, đầu tư các dự án kinh tế và phát triển du lịch. Đồng nghĩa với yêu cầu chất lượng đời sống kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng được nâng cao hơn.       

P.CHÍNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
La Gi đất xưa và chặng đường ngày mai