Theo dõi trên

La Gi một thời xe lam

03/05/2019, 08:28

BT- Ngày xưa, mỗi lần từ Tân An muốn đi đây đi đó người dân thường ra bến xe Duy Từ để đón xe lam, bến xe nằm đối diện với phường Tân An của thị xã La Gi bây giờ. Từ đây, người dân có thể ngồi xe lam lên 46, xuống chợ cá biển, đi Tân Hải, Sơn Mỹ…

Xe lam là loại xe 3 bánh, tay lái giống xe gắn máy, số và ga nằm ở hai tay cầm. Xe lam bắt nguồn từ tên gọi của dòng sản phẩm Lambretta của Ý, xe có hình dáng giống như xe tuktuk bên Thái Lan, phía cabin dành cho tài xế, phía sau là thùng xe chở khách, thùng xe có hai băng ghế bằng gỗ được bọc nhựa, mỗi băng ghế ngồi 5, 6 người. Từ thập niên 60, xe lam là phương tiện giao thông công cộng phổ biến ở miền Nam, thành phố Biên Hòa được mệnh danh là “thủ phủ” xe lam với số lượng lên đến hàng ngàn chiếc. La Gi hồi ấy là tỉnh lỵ của tỉnh Bình Tuy, tuy mới thành lập nhưng dân cư đông đúc, nhu cầu đi lại của người dân, nhất là học sinh rất cao, vì vậy số lượng xe lam cứ mỗi ngày một tăng. Để sắm được một chiếc xe lam không phải dễ dàng gì, phải có 30 cây vàng mới mua được một chiếc xe. Nhưng khi đã sắm được xe thì công việc làm ăn rất phát đạt, bởi vậy người ta mới nói, nghề xe lam rất dễ làm giàu, một người làm nuôi cả gia đình khỏe như không.

Ngày ấy bà con ở xứ đạo Tân Tạo, ấp Phước Thành có số người sắm xe lam nhiều nhất. Những cái tên như Lê Sanh, Đặng Đình Cường, Lê Hội, Nguyễn Khôi, Phan Tám… đều gắn liền với nhiều năm tháng lái xe lam. Khách xe lam thường xuyên là học sinh, giáo viên từ La Gi lên Trường trung học Bình Tuy (nay là Lý Thường Kiệt) và ngược lại. Bà con buôn bán hải sản từ chợ cá biển về chợ Tỉnh, chợ quê (chợ Duy Từ ở Tân An, nay là trụ sở UBND phường xưa còn gọi là chợ Tỉnh). Xe lam mỗi chuyến chở 12 người, 10 người ngồi sau, 2 người ngồi trước, nhưng khi có khách đông thì số lượng có thể cao hơn, gặp học sinh thì trên mui xe chúng cũng leo lên ngồi.

Đi xe lam có nhiều cái thú của nó, xe nhỏ, hai băng ghế đối diện nhau, khách tha hồ ngồi tán chuyện. Tiếng máy nổ của xe lam thì không thể lẫn lộn vào đâu, từ xa mà nghe tiếng “bành bạch, bành bạch”, đích thị là xe lam.

Ấn tượng về những chuyến xe này, nhạc sĩ Vinh Sử đã viết ca khúc “Chuyến xe lam chiều” rất được nhiều người ưa thích: “…Trên chuyến xe lam đông người chiều nay/Nghe từng cô đơn nỗi niềm chua cay/Còn đâu một chuyến xe lam/Ngày nao mộng ước vô vàn/Nay kỷ niệm em một mình mang”.

NGÔ VĂN TUẤN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
La Gi một thời xe lam