Theo dõi trên

Lá thư viết muộn

07/05/2020, 08:51

BT- Trong dịch Covid – 19, người ta nhận ra rất rõ rằng ba mẹ - con cái là hậu phương tiếp thêm sức mạnh cho những người trên tuyến đầu; có khi đơn giản chỉ vài dòng viết vội trên lá thư như câu chuyện dưới đây.

                       
      
      
   Bác sĩ Lê Văn Quân (Trung tâm Kiểm soát    bệnh tật tỉnh) và trích một đoạn thư chia sẻ của Minh Hoài.

Thời điểm dịch Covid-19 xảy ra, TP. Phan Thiết là tâm dịch. Thế là những người ở tuyến đầu, ngày đêm thường trực. Có những người ở hẳn khu cách ly, có những người chỉ dành ít ỏi thời gian ghé về nhà, chóng vánh. Chẳng kịp nói với nhau đôi ba câu. Về chỉ để biết, gia đình bình yên, rồi đi.

“Mới có 3 ngày, 3 ngày thôi. Ba ốm thấy rõ. Trưa ba về vội vàng. Có lúc vì mệt, ba chợp mắt cũng chập chờn. Điện thoại tới liên tục cũng chẳng thể ngủ được. Thế là ba lại đi. Chiều muộn, ba về. Tranh thủ tắm rửa, rồi lại tranh thủ đi. Vội vội vàng vàng, lúc nào điện thoại cũng gọi tới liên tục. Cách ly không? Nhiễm ra sao rồi? Còn khả năng tăng không?... Minh Hoài – bắt đầu những lời ấy, trên trang cá nhân của mình dành cho bác sĩ Lê Văn Quân (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh). Lê Hương Minh Hoài chia sẻ: “Viết chỉ để động viên ba, vì chưa bao giờ thấy ba cực thế, dồn dập đến thế. Thấy thương ba, nhưng chỉ biết thinh lặng mà ủng hộ”. Có đôi khi vì thương quá nhiều, vì hiểu quá nhiều công việc của ba, nên thinh lặng cũng là cách động viên để ba an tâm hơn, với công việc gắn bó cả hành trình dài từ thời tuổi trẻ.

Có lần bác sĩ Quân về khoe với cả nhà:  “Mọi người đem mì tôm, chả lụa, đồ ăn lên cho nhiều lắm. Ba ăn cùng anh em trên đó, đông nên cũng vui lắm”. Vừa nói vừa cười giòn tan, thế mà chỉ cần điện thoại tới, ba lại căng thẳng. Ba bình tĩnh khuyên mọi người trong ê kíp, động viên tinh thần đồng nghiệp về hướng giải quyết, cứ cẩn thận mà làm.

Minh Hoài kể: Thời điểm tâm dịch, nhưng người dân còn khá chủ quan. Minh Hoài hỏi: Ba có sợ không, có dễ lây nhiễm không khi hàng ngày phải tiếp xúc với hàng trăm người có nguy cơ lây nhiễm cao như vậy? Bác sĩ Quân từ tốn:  “Cả ba và các đồng nghiệp đều có khả năng bị nhiễm. Thay vì sợ, ba luôn cố gắng nhắc nhở cẩn thận hơn, tỉ mỉ gấp ngàn lần, không để xảy ra sai sót nhỏ. Ba sợ, thì anh em sao dám xông pha”. Cơn đại dịch đáng sợ, nhưng không có nghĩa là chúng ta không thể vượt qua. Bằng chứng là sau những nỗ lực, Bình Thuận đã có những ngày bình yên.

Minh Hoài cho biết: “Dù em là con gái nhưng cũng hay tâm sự với ba. Lúc tâm điểm của dịch chỉ biết động viên ba. Nói thì không biết nói thế nào, nên em mượn mạng xã hội để tâm sự cùng ba. Hy vọng ba có thêm động lực cùng với các cô chú vượt qua”. Minh Hoài viết: “Đêm nay, mình lại chờ cửa ba, chắc 12 giờ khuya ba mới về được tới nhà như bao ngày. Thương ba nhiều lắm! Hy vọng mọi người vững vàng hơn, đồng lòng hơn để mọi cố gắng là không hoài phí. Để rồi chúng ta có thể tự hào nhìn lại và khẳng định rằng Bình Thuận đã hoàn toàn khống chế được dịch bệnh”.

Lá thư ngắn viết cho ba, nhưng đã nhận được hàng trăm lượt chia sẻ của cộng đồng mạng, cùng những lời sẻ chia với gia đình của bác sĩ Quân. Riêng Minh Hoài, còn rất trẻ, với công việc tại shop hoa Wedding Planner nhưng đã dành sự thấu hiểu về công việc thầm lặng của những y, bác sĩ tuyến đầu. Có lẽ, tình cảm gia đình đã giúp cho cô gái trẻ hiểu hơn về giá trị của hạnh phúc, của yêu thương. Đôi khi hạnh phúc không chỉ từ những gì cao cả, nó bắt đầu từ những điều giản dị.

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lá thư viết muộn