Theo dõi trên

Làm gì để vực dậy thư viện cấp huyện?

25/08/2019, 08:40 - Lượt đọc: 336

Nhiều thư viện từng bị xóa sổ

Thư viện là thiết chế văn hóa cùng với hệ thống giáo dục và đào tạo phục vụ chính sách đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài và nâng cao dân trí cho xã hội. Vì vậy, sau ngày giải phóng Bình Thuận (từ năm 1977 đến năm 1990) thư viện cấp huyện đã được xây dựng ở hầu hết các địa bàn trong toàn tỉnh; mỗi thư viện có vốn sách từ 15 đến 20 ngàn bản và phát huy hiệu quả phục vụ đưa văn hóa cách mạng thay cho văn hoá chế độ cũ; dùng sách, báo chuyển tải tư tưởng chính trị, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến người dân. Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, một số cơ quan, đơn vị được sắp xếp và định hình theo chức năng, nhiệm vụ thì thư viện cấp huyện cũng được sắp xếp lại, nằm trong hoạt động chung của Trung tâm văn hoá, thể thao cấp huyện. Từ đó, thư viện cấp huyện dậm chân tại chỗ, có thư viện đã đi những bước lùi, lùi đến mức phải "xoá sổ" thư viện, như: Thư viện huyện Hàm Thuận Bắc, huyện Tuy Phong, huyện Tánh Linh, thành phố Phan Thiết. Những thư viện còn lại mặc dù có hoạt động, nhưng sách, báo, trang thiết bị không được bổ sung, thay đổi dẫn đến mục nát, hư hỏng.

Trang thiết bị, phòng đọc thư viện La Gi cũ kỹ, xuống cấp.

Sau năm 2000, khi Pháp lệnh Thư viện ra đời, hệ thống thư viện công cộng từ trung ương đến cơ sở được quy định cụ thể hơn, trong đó thư viện cấp huyện là một thiết chế văn hoá trong bộ máy các đơn vị sự nghiệp cấp huyện. Từ đó, thư viện dần dần được khôi phục ở 10 huyện, thị xã, thành phố, nhưng chưa có huyện nào có trụ sở thư viện riêng mà bố trí chung trong Trung tâm văn hoá, thể thao huyện. Mặc dù được khôi phục, là một bộ phận thuộc Trung tâm văn hoá, thể thao cấp huyện, nhưng thư viện cấp huyện vẫn chưa phát huy vai trò phục vụ nhu cầu đọc sách báo cho nhân dân, chuyển tải tri thức và đường lối, chủ trương chính sách, pháp luật của Đảng và nhà nước đến với xã hội; hệ thống thư viện vẫn trong điều kiện khó khăn mọi mặt từ vốn sách, trang thiết bị đến con người. Đến nay, vốn sách bình quân khoảng 8.000 bản/huyện, kinh phí bổ sung sách hàng năm 10 triệu/huyện và mỗi thư viện huyện có từ 1 đến 2 nhân viên.

Đẩy mạnh "văn hóa đọc"

Hiện nay, Chính phủ và tỉnh Bình Thuận đã ban hành các chính sách liên quan trực tiếp đến lĩnh vực thư viện, như: Quyết định số 329/QĐ-TTg ngày 15/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 208/QĐ-TTg, ngày 27/01/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án: “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ”; kế hoạch số 2409 /KH-UBND ngày 28 tháng 6 năm 2017 của UBND tỉnh về phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Thư viện huyện Hàm Tân không có giá để sách.

Trong đó, đề ra mục tiêu vốn sách trong hệ thống thư viện công cộng cả nước đến năm 2020 đạt chỉ tiêu 1 bản sách/người và tỉnh Bình Thuận đạt 0,5 bản sách/người; một người đọc 4 - 5 quyển sách/năm (vốn sách trong các Thư viện công cộng tỉnh Bình Thuận khoảng 320.000 bản, đạt 0,26 bản sách/người). Các chính sách từ trung ương đến địa phương đều thể hiện quan điểm luôn đặt sự nghiệp thư viện ngang tầm với sự nghiệp giáo dục và đào tạo để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế trên nền tảng tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Vì vậy, trong thời gian qua, nhằm khắc phục khó khăn về vốn sách cho thư viện cấp huyện, hàng năm Thư viện tỉnh luôn hỗ trợ vốn sách cho thư viện cấp huyện từ 1.000 - 2.000 bản sách/thư viện để tăng cường vốn sách cho thư viện huyện phục vụ người đọc; tổ chức tập huấn cập nhật kiến thức chuyên môn, tin học để nhân viên thư viện tiếp cận với kiến thức mới trong tổ chức hoạt động chuyên môn tại địa phương; cài đặt và chuyển giao phần mềm quản lý thư viện ứng dụng công nghệ thông tin cho thư viện cấp huyện...Song, việc làm đó chỉ là giải pháp tạm thời không đảm bảo tiềm lực để đáp ứng cho những chủ trương lớn của quốc gia cũng như những mục tiêu mà UBND tỉnh đặt ra. Vì thế, về lâu dài cần có một giải pháp tổng thể để vực dậy thư viện cấp huyện bao gồm các mặt như: Trụ sở, trang thiết bị chuyên dùng, nhân sự, vốn sách...Trong đó, cần phải có trụ sở thư viện huyện độc lập với đủ các phòng chuyên môn (kho sách, phòng đọc sách và phòng làm việc của cán bộ thư viện). Mỗi thư viện cấp huyện ít nhất có 2 người để xử lý về chuyên môn và tổ chức các hoạt động khác. Hàng năm vốn sách bổ sung cho mỗi thư viện từ 1.500 - 2.000 bản/năm. Mặt khác, trang bị các thiết bị chuyên dùng như: giá sách, tủ mục lục, bàn-ghế, máy vi tính và phần mềm quản lý để ứng dụng công nghệ thông tin cho thư viện.
Ngày nay khi các phương tiện thông tin phát triển mạnh mẽ, song sách, báo vẫn là phương tiện chuyển tải tri thức đến với con người một cách cơ bản nhất, được nhiều người sử dụng và thư viện là nơi tổ chức đảm bảo sử dụng sách báo hợp lí, tiết kiệm. Vì vậy, cần một giải pháp tổng thể để vực dậy thư viện cấp huyện, tạo tiền đề cho loại hình  "văn hóa đọc" trở thành món ăn tinh thần trong công đồng.

 Nguyễn Thái Ngọc Hân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Làm gì để vực dậy thư viện cấp huyện?