Theo dõi trên

Lầu Ông Hoàng trong thơ một số tác giả

07/10/2019, 09:08

BT- Những công trình kiến trúc có giá trị, mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa, thường được nhắc đến trong ký ức của nhiều người, phần lớn tồn tại với thời gian. Song, có những công trình kiến trúc nổi tiếng, nay không còn hiện hữu nữa, vẫn được người đời sau nhớ đến. Lầu Ông Hoàng ở Phan Thiết là một trong số đó. Nhắc đến Lầu Ông Hoàng, người ta thường nghĩ về mối tình lãng mạn của Hàn Mặc Tử với người đẹp Mộng Cầm một thời.

                
Ảnh: Đình Hòa

Lầu Ông Hoàng trong cảm tác của người xưa

Tác giả Ngô Đình Miên, trong bài “Đường lên dốc đá”, đã viết: “Ông hoàng Ferdinand d’Orléans, Công tước De Montpensier, cháu nội của hoàng đế Pháp Louis Philippe I, vào năm 1910 qua Việt Nam du lịch, săn bắn. Nhìn thấy phong cảnh tại những ngọn đồi phía Đông Phan Thiết rất đẹp, đứng ở đây có thể phóng tầm mắt ra xa, thấy rõ những ngọn sóng lao xao, ông đã mua lại từ nhà cầm quyền Pháp ở Bình Thuận (Công sứ Garnier) quả đồi Bà Nài, chọn mảnh đất rộng ở độ cao 107 m cách mặt biển, gần tháp Chăm Phố Hài về hướng Tây chừng 600 m để xây dựng lâu đài, làm nơi nghỉ ngơi trong các kỳ săn bắn và du lịch sau này… Toàn bộ năm ngọn đồi quanh biệt thự của Công tước De Montpensier, sau đó được gọi chung là Lầu Ông Hoàng. Đây là nơi tạo nên huyền thoại về mối tình thơ lãng mạn Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm…”

“Cả khu vực xung quanh lâu đài về sau được mọi người gọi chung là Lầu Ông Hoàng. Sau 1945, lâu đài bị phá hủy… Thời gian vô tình làm hoang phế toàn bộ khu vực Lầu Ông Hoàng trong ký ức mọi người…”

Lầu Ông Hoàng, là ngôi biệt thự do Công tước De Montpensier cho xây dựng từ 21/2/1911, nay đã không còn nữa. Khác với tháp canh lô cốt như chúng ta thấy còn lại của ngày nay ở gần khu vực ấy.

Kiều nữ Mộng Cầm, người tình của thi sĩ Hàn Mặc Tử, có lẽ là một trong những người đầu tiên làm thơ về Lầu Ông Hoàng.

Bài “Vịnh Lầu Ông Hoàng” do Mộng Cầm viết năm 16 tuổi (1933) là một bài thơ đường luật thất ngôn bát cú:

“Nước nước, non non một cõi này,

Lâu đài ai dựng, tháp ai xây.

Sương dầm nắng dãi lờ gan đá,

Gió dập mưa dồn tủi phận cây.

Tuồng thế tang thương bao lớp sóng,

Cuộc đời thành bại mấy chòm mây.

Đường lên cõi phúc tìm đâu thấy,

Thấy cảnh đau lòng khách tỉnh say.”

Bài thơ đúng niêm, luật, vần, thanh điệu của một bài thơ Đường luật. Qua đó, người đọc hình dung dáng vẻ hùng vĩ, chắc chắn của công trình; cùng với những lớp sóng xa xa, với cảnh sắc nên thơ của cây xanh, dẫu trong mưa gió, nắng dãi, sương dầm.

Khác với khuôn thước của bài “Vịnh Lầu Ông Hoàng” của Mộng Cầm, hình ảnh Lầu Ông Hoàng trong thơ của Hàn Mặc Tử mang đậm nỗi đau của tình yêu da diết. Mà nỗi đau ấy, chàng thi sĩ tài hoa thấm thía, khi mình đã vướng bệnh hiểm nghèo:

“Rồi ngây dại nhờ thất tinh chỉ hướng,

Ta lang thang tìm tới chốn Lầu Trăng.

Lầu Ông Hoàng, người thiên hạ đồn vang;

Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết.

Ôi trời ôi! Là Phan Thiết! Phan Thiết!

Mà tang thương còn lại mảnh trăng rơi.

Trăng vàng ngọc, trăng ân tình, chưa phỉ;

Ta nhìn trăng, khôn xiết ngậm ngùi trăng”.

(Phan Thiết! Phan Thiết!)

Bao nhiêu là tình yêu thương của một chàng trai thi sĩ chỉ trong một dòng thơ “ Nơi đã khóc đã yêu thương da diết!”. Có lẽ, chính từ đây, những người yêu thơ Hàn Mặc Tử tìm đến với Lầu Ông Hoàng, đến để tìm lại khung cảnh cũ “Người thiên hạ đồn vang”, đến để tìm lại khung cảnh đã từng là nơi khơi nguồn của những dòng nước mắt của một thi sĩ tài hoa bạc mệnh với một người tình mà mình thật sự đắm say.

Lầu Ông Hoàng, những nét gợi nhớ của một số tác giả

Chuyện tình thơ ngày cũ, đã để lại nhiều lưu luyến cho những người thuộc thế hệ sau.

Nhà thơ Lê Nguyên Ngữ đã sáng tác Đêm trăng Lầu Ông Hoàng, trong đó, có những dòng thơ:

“Tôi đến Phú Hài, Lầu Ông Hoàng,

Bên kia dốc đá trăng vừa lên.

Nhớ xưa thi sĩ Hàn Mặc Tử,

Phan Thiết bài thơ tỏa sáng trăng!

Đồi phía Tây và biển phía Đông,

Mênh mông trăng sáng, đêm Mộng Cầm.

Bài thơ bên dốc, nghe đời lạnh,

Lạnh Phú Hài xa, sương trắng sông!”

Nhớ về thi sĩ tài hoa ngày trước, nhớ về Lầu Ông Hoàng một thời vang danh, không thể thiếu ánh trăng nay!

Lên thăm lại khung cảnh khu vực xung quanh ngôi biệt thự cũ, khu vực Lầu Ông Hoàng, với Tháp Chăm Pô Sah Inư trầm mặc, nhà thơ Đỗ Quang Vinh đã viết nên Lên Lầu Ông Hoàng nhớ Hàn Mặc Tử:

“Trăng nghiêng tháp cổ đêm rằm,

Nhớ xưa, Hàn với Mộng Cầm qua đây.

Lối mòn hoang dại cỏ cây,

Thuyền ngư phủ quyện khói mây lưng trời”.

Vẫn ánh trăng, và lối mòn của cỏ cây, và xa xa, thuyền ngư phủ, Đỗ Quang Vinh đã sử dụng thể thơ lục bát, thể thơ anh thường dùng, để viết về nỗi nhớ người thơ của ngày xưa mà anh từng ngưỡng vọng.

Một nhà thơ nữ, Nguyễn Thị Liên Tâm, nhớ về Hàn Mặc Tử, đã gởi đến bạn đọc bài Bến trăng Hàn Mặc Tử:

“Sương đêm rớt nhẹ vào đêm,

Giăng giăng mê mải trước thềm lầu trăng.

 Ai đang mơ bóng chị Hằng,

Cho ta nhập cõi tình nhân trễ tràng.

Bước chân tìm bến đò ngang,

“Chơi trăng” mùa hạ, ngỡ ngàng mùa thu.”

Vẫn lầu trăng trong ký ức, song với Nguyễn Thị Liên Tâm, tác giả đi tìm một bến đò, dạo khúc tri âm, tìm về dư hương ngày cũ.

Cũng lầu trăng ấy, Thùy Linh đã nhớ về cảnh cũ, nhớ đến thi sĩ tài hoa với buổi chiều buồn trong Lầu trăng năm cũ:

“Người đi năm tháng xa xăm,

Chợt về trong buổi chiều thăm thẳm buồn.

Bước chân theo lối cỏ mòn,

Hàng dương rũ bóng, chiều buông cuối đồi.

Bỗng dưng ta thấy bồi hồi,

Đâu Hàn Mặc Tử một thời xa xưa”.

Tác giả Xuân Hoàng, trong bài thơ Nhớ về Phan Thiết, đã làm cùng một thể thơ với Vịnh Lầu Ông Hoàng của Mộng Cầm, song lời thơ đã mới mẻ hơn, tuy cùng niêm luật cũ, song ý thơ đã thoáng đạt hơn rất nhiều, gợi nhiều cảm xúc:

“Đi tìm dấu vết tháng năm in

Phan Thiết chiều nay sóng biển im

Mỏm núi đá xây thành vững chắc

Tháp Chàm rêu đóng, giấc triền miên

Lầu Ông Hoàng cũ nằm phơi dấu

Lô cốt đồi cao đứng lặng yên

Từng bước theo chân dòng lịch sử

Gặp toàn nỗi nhớ ở trong quên”.

Một tác giả khác, Đinh Đình Chiến, cũng đã có những vần thơ nhớ về Hàn Mặc Tử trong bài Về Phan Thiết, nhớ Hàn Mặc Tử. Tác giả nhớ về thi nhân ngày cũ, Hàn Mặc Tử với bài thơ Phan Thiết! Phan Thiết! Người thơ của ngày xưa đau đáu nỗi đau đời, đau cho cuộc tình không trọn vẹn, nay đã vào cõi vĩnh hằng. Song, với tác giả Đinh Đình Chiến, biển quanh đấy, vẫn thức từng đêm, như để tạ lỗi cho cuộc tình dang dở:

“Mộng Cầm hỡi – “Ôi trời ôi!Phan Thiết!

Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu”…

Hồn theo trăng đi vào cõi thiên thu

Biển vẫn thức hằng đêm quì tạ tội.”

 Chỉ lướt qua vài bài thơ của vài tác giả, để thấy, người yêu thơ, người làm thơ ngày nay vẫn xúc động trước mối tình thơ đã đi vào nhung nhớ của bao người: Hàn Mặc Tử - Mộng Cầm. Và mối tình thơ ấy, đẹp và cũng thật buồn, chưa bao giờ tách rời với Lầu Ông Hoàng, Lầu Trăng. Ngày nay, ngôi biệt thự ấy không còn nữa. Nhưng hoài vọng về ngôi lầu trăng ấy, phải chăng, là nhớ mãi về mối tình của một thi sĩ tài hoa với một người đẹp trên bối cảnh của một công trình kiến trúc xưa. Và bạn yêu thơ Hàn và du khách đến với Phan Thiết, Bình Thuận đâu dễ gì quên địa danh nổi tiếng này, dẫu ngôi lầu trăng ấy, giờ chỉ còn trong hoài niệm.

Minh Trí



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lầu Ông Hoàng trong thơ một số tác giả