Theo dõi trên

Lễ chùa đầu năm – cầu mong may mắn

20/02/2017, 10:10

BT - Đi lễ chùa đầu năm nhằm cầu mong sức khỏe, an lành cho bản thân và gia đình là một truyền thống tốt đẹp được nhiều người Việt gìn giữ.

Đã thành thông lệ, cứ đến độ rằm tháng giêng là chị Mười, ở xã Phước Thể, lại cùng gia đình đi lễ chùa Cổ Thạch (Bình Thạnh – Tuy Phong). Một ít bánh kẹo, trái cây được dâng cúng với tấm lòng thành của cư dân miền biển, cầu mong năm Đinh Dậu biển êm, sóng lặng để ngư dân làm ăn được mùa, chồng con mạnh khỏe, gia đạo bình an, hạnh phúc.

         
   

      

         Người dân đến viếng    và tham quan chùa Cổ Thạch tại Tuy Phong.

Còn với gia đình bà Lê Hải Bình (TP.HCM) không chỉ cầu an cho gia đình, đi lễ chùa đầu năm còn là một truyền thống được duy trì từ nhiều thế hệ. Đối với bà, lễ phật đầu năm vừa mang tính văn hóa, bản sắc của người Việt, lại được cảm nhận không gian yên tĩnh trong bầu không khí trong lành của các vùng nông thôn. Vì vậy nhiều năm qua, mỗi độ tết đến là gia đình bà Bình lại đưa nhau về những ngôi chùa ở nhiều địa phương. Đây là lần thứ 3 bà đưa gia đình về chùa Cổ Thạch vì không gian chùa rộng, lại có bờ biển dài đẹp, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi tương đối tốt.

Không riêng gì bà Bình hay chị Mười mà đại đa số người Việt đều xem việc lễ chùa đầu năm là một truyền thống tốt đẹp. Phụ nữ thì đến cầu an, đàn ông thì cầu sự sung túc, tài vận. Trẻ con được cha mẹ dắt theo, chỉ bảo, cũng đến khấn hương, cầu cho mình mau ăn chóng lớn. Nhỉnh hơn đôi chút, các bạn thanh, thiếu niên cầu học giỏi, đỗ đạt trong các kỳ thi; còn nhiều thanh niên thì cầu mong công việc ổn định, phát triển… Tất cả thể hiện khát vọng về một cuộc sống hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình, thể hiện sự tôn kính, tưởng nhớ đến những người có công với đất nước, khai khẩn đất hoang lập nên các làng, xóm…

Theo tiến trình mở mang bờ cõi, giao thoa văn hóa mà hiện cách thức đi lễ chùa ở hai miền Nam – Bắc cũng có những điểm khác nhau. Người miền Bắc đi lễ chùa phải có mâm lễ với nhiều hoa quả, tiền, vàng mã và sớ có ghi những điều cầu mong của gia chủ được viết bằng chữ nho, lời khấn phải có vần, có điệu, người đọc lời khấn gần giống với đọc thơ. Người miền Nam thì đơn giản hơn khi chỉ với một ít hoa quả, lời khấn cũng ngắn gọn, nghĩ gì khấn đó. Tuy có sự khác nhau về cách hành lễ nhưng tựu chung lại, người dân đều đến chùa với tâm niệm trong sáng, muốn trút đi nỗi lo toan của cuộc sống bộn bề, muốn được chậm rãi đôi phút để cầu mong những điều may mắn.

Tại tỉnh ta, rất nhiều đền chùa nổi tiếng đã trở thành những điểm đến thân quen của người bản địa và du khách gần xa như: Cổ Thạch, Linh Sơn tự (Tuy Phong), Tà Cú (Hàm Thuận Nam), Dinh Thầy Thím (La Gi)… Để những ngày đầu năm được vui vẻ, rộn ràng hơn, nhiều hoạt động thể thao như hội thi việt dã, thi leo núi, vượt đồi cát thường xuyên được tổ chức để tạo sân chơi lành mạnh cho người dân và thu hút du khách đến tham quan, thưởng ngoạn, góp phần tạo nên những ngày xuân ý nghĩa.

CHÍ BÌNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lễ chùa đầu năm – cầu mong may mắn