Theo dõi trên

Lửa phượng

17/05/2019, 09:10

BT- Tháng năm, lửa phượng bắt đầu cháy bùng lên đây đó, trong cái bùng lên náo nức đến kỳ lạ ấy có cả sự nôn nao, nuối tiếc và cả những chia tay, bùi ngùi.

Có gì pha với dòng nhựa cây đang chảy trong thân cành mềm dẻo kia mà bông phượng đầu cành đỏ rực lên như ngọn lửa?! Sao lại có sự sắp đặt, gắn kết rất duyên giữa màu lửa ấy với những chiếc áo trắng trên sân trường vậy?! 

Phượng, sắc màu đỏ thắm cống hiến vô tư cho cuộc đời.

 Phượng, sắc màu đỏ thắm tượng trưng cho mùa hè của tuổi học trò thần tiên.

 Sắc màu đỏ thắm của phượng tạo nên cái ấn tượng khó phai cho mốc thời gian thiêng liêng của người ắp đầy hành trang chữ nghĩa phải giã biệt những ngây thơ, trong trắng, mơ màng để bước vào gió bão cuộc đời.

Tôi nghĩ cái chính là ngọn lửa bên trong mỗi người vừa được đánh thức, vừa được thắp lên. Lửa phượng tuy rực trời vậy nhưng chỉ là những que diêm châm bùng lên ngọn lửa xao xuyến lớn hơn nhiều, cháy sâu hơn nhiều, âm ỉ hơn nhiều trong mỗi hồn người. Khó có thứ gì rọi soi được cái ánh đỏ rực của mình vào căn nhà quá khứ, làm cho những ô ngăn kỷ niệm dù xa xưa cách mấy cũng sống lại, rạo rực, xuyến xao, thiêu đốt như thế.

Tháng ba, tháng tư, học trò bây giờ gọi là “mùa dông bão” vì các tiết kiểm tra dồn dập, tối mặt tối mày, thâu đêm suốt sáng với bài vở, chương trình. Với học trò, một năm có đến 6 mùa, không chỉ xuân, hạ, thu, đông, học trò còn có thêm “mùa dông bão” và mùa thi.  Khi những búp phượng bắt đầu rạo rực trên cành cũng là khi mùa thi đến, những bận bịu tập trung cho ôn tập, cho học nhóm, cho quyết định chọn con đường dấn bước cả cuộc đời làm cho học trò quên đi xung quanh. Bỗng nhiên một trưa chang chang nắng, sân trường hừng hực nhiệt lực, gió nóng đến bỏng rát, gió lùa từng đàn lá khô cuống quýt trốn chạy như sóng biển trên sân trường, người ta nhìn lên và bàng hoàng trước bầu trời lửa. Cháy. Lửa phượng đã cháy. Đỏ. Đỏ rực rỡ. Không có thứ gì đỏ đến náo nức, đến nao lòng  như thế. Mùa hè đã thực sự đến rồi. Dăm trăm bước chân trên sân trường này nữa thôi tuổi học trò sẽ đi qua mãi mãi, một thoáng nữa thôi sân trường thương thuộc này sẽ không còn bóng dáng của đàn bướm trắng, bóng một tà áo trắng nào đó mơ màng xa xăm lạc bước thôi cũng không còn nữa. Không đơn giản là sự ngây thơ qua đi. Không đơn giản là ánh nắng trinh trong veo của ban mai khép lại. Cũng không hẳn là được hay mất, một điều gì đó như là sự thay đổi, như là sự lột xác của ve sầu, như là sự lột xác của con nhộng để trở thành cánh bướm rực rỡ chao lượn trong bầu trời rộng. Ngày mai, người ta sẽ bước vào quãng đời khác có tên là Người Lớn.

Lửa phượng đâu chỉ dành riêng cho tuổi học trò, cả những người tóc bạc cũng náo nức, cũng bồi hồi, cũng thương nhớ đến lặng người khi một mình chạm với đỏ, với lửa, khi một sáng tình cờ bị đốt cháy bởi hoài niệm, bởi quá khứ, bởi những thứ, những chuyện cũ rích cũ rơ nhưng càng cố quên thì lại càng nhớ đến trĩu ngực, đến bần thần, đến ngẩn ngơ. Tôi nhớ hồi còn trẻ lắm, trong một sáng tôi rời trường cấp ba Hàm Tân để đi học xa, lúc bấy giờ đã vào năm học mới, mùa phượng không còn nữa nhưng cái cây phượng mồ côi ở cạnh trường với một cành đầy lửa còn sót lại đã thiêu cháy tâm hồn tôi như thế nào. Sự cô độc, bơ vơ nhưng phải nói là rất mạnh mẽ của một thanh niên quyết đi xa tự sống, tự mình lập nghiệp đã đột nhiên bị bén ngọn lửa phượng ấy mà cháy rã, mà tan nát trong phút giây. Ánh mắt phượng đỏ rực nhìn tôi thôi miên. Tôi biết, tôi hiểu, tôi cảm nhận rõ ràng mình đang mất đi một thứ gì đó quý báu vô cùng, một thứ gì đó mà dù sau này mình có đổi bất cứ thứ gì cũng không thể có lại được. Tôi bần thần đứng lặng. Tôi bần thần ngoái nhìn lại sân trường với sự tiếc nuối vô cùng. Tôi đã mất tuổi học trò. Tôi đã mất một khúc đoạn tuổi người đẹp nhất. Ước gì tôi được vô tư để đi ngang qua những bông phượng sót năm đó mà chưa bị bén lửa để phỏng rộp cả tâm hồn và ngày nay vết sẹo ấy vẫn còn, nó không bao giờ lành lặn trở lại. Có những thứ đã chết thì không chết được lần nữa.

Trong bất cứ cuộc ra đi nào nạn nhân đầu tiên chính là trái tim mình. Đừng bao giờ bảo một người sớm bỏ trường ra đi là không biết cái giá học phí trả bằng nước mắt của trường đời. Nước mắt của tiếc nuối. Nước mắt của chia xa. Nước mắt của những non nớt, những trăn trở, những suy tư đau rát và nước mắt của những gục xuống đứng lên liên tục trong quãng đời tiếp theo vừa học vừa làm. Những giọt nước mắt ấy bắt đầu tròn đầy, lăn ra, ràn rụa kể từ mùa phượng cuối cùng. Chính vì vậy mà lửa phượng thiêu đốt. Chính vì vậy mà lửa phượng bùi ngùi. Chính vì vậy mà lửa phượng xao xuyến.

Trong ký ức thời niên thiếu của mình, tôi không sao quên được mùa hè năm Nhâm Tý, 1972, anh trai tôi và các bạn của anh ấy mang về nhà tôi một cành phượng đỏ rực cắm vào cái vỏ đạn 175 li màu đồng, họ quây quần bên cái bàn có bình hoa lửa đó. Tháng trước, các anh ấy vừa thi xong tú tài, có gì đó mà họ trò chuyện với nhau thâu đêm, ánh mắt người nào cũng buồn buồn. Hôm sau, má tôi đã ngất đi khi có một chiếc xe GMC trờ tới trước nhà và tất cả các anh đều bị bắt quân dịch. Họ bị đưa đi học 3 tháng ở quân trường Lam Sơn và sau đó là bị chở thẳng tới các chiến trường ác liệt. Tôi nghe má nói anh trai tôi tự bắn hủy hoại tay phải của mình trong một phiên gác ở tiền đồn, má phải mang tiền đi lo cho anh khỏi bị ra tòa án binh. Các bạn của anh, những người có mặt bên cái bình hoa phượng năm trước, tất cả đều không trở về được nữa, họ đã vĩnh viễn nằm lại trên chiến trường. Cành phượng năm đó không chỉ là lửa phượng của mùa hè cuối cùng mà còn là lửa phượng biểu tượng của sự chia biệt, vĩnh biệt, của chết chóc, của đạn bom chiến tranh khốc liệt mà giờ đây chúng ta hay nhắc lại bằng cái tên “mùa hè đỏ lửa”.

Viết đến đây đột nhiên tôi chợt nhớ tới một tứ truyện: Có bầy khỉ nhỏ nhặt được một bông phượng đỏ rực, tưởng là lửa nên chúng mang lá khô, cành củi mục chất thành đống, đặt bông phượng đỏ vào giữa và thay nhau thổi. Trời đang lạnh lẽo, bầy khỉ cần một đống lửa để sưởi ấm. Chúng thổi mãi mà “ngọn lửa” vẫn không bùng lên. Đến sáng hôm sau, thú vật trong rừng thấy bầy khỉ đã chết cóng quanh đống củi.

Lửa phượng dễ gây ảo giác, dễ kích thích trí tưởng tượng nhưng lửa phượng không tự cháy được. Phượng chỉ là lửa với người có tâm trạng mà thôi.

Tháng năm, lửa phượng cháy bùng lên đây đó, có một người lầm lũi ngang qua, ngang qua, ngang qua.

Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về chống khai thác IUU
BTO- Ban Bí thư Trung ương Đảng vừa tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW, ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) và phát triển thủy sản bền vững. Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư khóa XIII, Trưởng ban Tổ chức Trung ương chủ trì hội nghị.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Lửa phượng