Theo dõi trên

Mãi một tình yêu với đờn ca tài tử

10/04/2020, 10:03

BT- Năm 2015, tỉnh Bình Thuận có 4 nghệ nhân ưu tú (NNƯT) thuộc loại hình trình diễn dân gian lớp đầu tiên. NNƯT Đặng Ngọc Long, nghệ danh Đặng Long, quê xã Hàm Thắng, Hàm Thuận Bắc, có tên trong danh sách được phong tặng năm ấy.

                
      Một tiết mục đờn ca tài tử. Ảnh: Đình Hòa

Niềm đam mê tiếng đàn vọng cổ

NNƯT Đặng Ngọc Long mở đầu câu chuyện bằng việc kể lại niềm đam mê tiếng đàn vọng cổ của mình từ thời niên thiếu. Năm 1964, 15 tuổi, đang học lớp đệ ngũ (lớp 8 bây giờ) ở Trường trung học Phan Bội Châu, anh nghe được tiếng đàn vọng cổ. Tiếng đàn ngọt ngào của người thợ may tên Diễn, ở quê ngoại anh, Phú Long, Hàm Thuận, ngày ấy, đối với anh, sao có sức hút lạ kỳ! Tiếng đàn vọng cổ ấy đi vào lòng anh. Để rồi rất nhiều năm về sau, tiếng đàn ấy cùng những tiếng đàn khác của dân tộc lưu lại trong trái tim Đặng Ngọc Long mãi mãi.

Anh học đàn theo lối truyền ngón từ thầy Diễn, rồi sau đó với thầy Mười Đẹp (ở Phú Long), thầy Quý mù (ở Phan Thiết) từ năm 1964 đến 1968, và nhất là với thầy Bảy Trạch (ở Sài Gòn) vào năm 1968. Thầy Bảy Trạch dạy anh những bài cơ bản nhất, lối chơi cơ bản nhất của đờn ca tài tử.

Niềm đam mê điệu đàn, lời ca dân tộc đã thôi thúc anh tìm tòi tự học theo nhiều cách khác nhau, anh nghe những buổi đàn của những dàn nhạc dân tộc trên sóng phát thanh. Anh tìm mua sách hướng dẫn, anh tiếp tục kiên trì tự học, luyện đàn. Niềm đam mê điệu đàn, lời ca đã đưa anh đến, làm nhạc công cho các đoàn cải lương Dạ Kim Đô (Sài Gòn, 1968), đoàn cải lương thời đại Mỹ Uyên Chi (Sài Gòn, 1970), đoàn cải lương Trường Sơn (Sài Gòn, 1974), đoàn Văn Công thống nhất Bình Thuận (1975), đoàn ca múa nhạc Thuận Hải (1976), đoàn cải lương Tiền Giang 1 (1984), đoàn cải lương Nhạn Trắng, Thuận Hải (1987 – 1994).

Anh sôi nổi khi nói về loại hình nghệ thuật mình đam mê. Đờn ca tài tử với 20 bài bản tổ, thuộc 4 điệu: Nam (3 bài), Bắc (6 bài), nhạc lễ (7 bài), oán (4 bài). Mỗi bài bản tổ dài. Để đáp ứng với sân khấu, thu hút khán giả đến xem, nghe, những soạn giả đã sáng tác thêm những làn điệu mới, những bài bản nhỏ, dành cho những nghệ sĩ biểu diễn trên sân khấu cải lương, theo phong cách, ngữ điệu Nam bộ. Và trong rất nhiều năm, anh đã là nhạc công, đệm cho những vở cải lương. Bài bản của những vở diễn ấy, được phát triển từ 20 bản tổ của đờn ca tài tử Nam bộ. Ngón đàn của anh trên các loại nhạc cụ: guitar phím lõm, kìm, sến nhuần nhuyễn dần, ngọt ngào dần, theo năm tháng, theo những buổi diễn, những buổi kiên trì luyện tập thêm của anh.

Cán bộ quản lý văn hóa với phong trào đờn ca tài tử

Khi đoàn cải lương Nhạn Trắng của tỉnh Bình Thuận giải thể (1994), anh được ngành chuyên môn phân công về Phòng Văn hóa – Thông tin Phan Thiết, làm cán bộ quản lý văn hóa.

Ở cương vị công tác mới này, anh có điều kiện đóng góp công sức cho hoạt động văn hóa cơ sở. Trong đó có hoạt động đờn ca tài tử. Anh cùng bạn bè, đồng nghiệp gầy dựng phong trào, nhen nhóm những đội nhóm đờn ca tài tử đầu tiên.

Năm 2000, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ ở quy mô cả nước, có 21 tỉnh, thành tham gia. Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Thuận cử đoàn tham dự. Anh được phân công dàn dựng tiết mục, biên tập, chỉ đạo nghệ thuật cho đoàn dự thi này. Sau đó, trong các năm 2003, 2005, VTV tiếp tục tổ chức liên hoan đờn ca tài tử Nam bộ quy mô cả nước. Anh tiếp tục được giao nhiệm vụ. Năm 2003, tỉnh ta đã có tài tử ca Hà Thu đạt giải ca hay, tài tử đờn Phú Cường đạt giải đàn hay. Năm 2005, đoàn tỉnh ta đạt giải 3 toàn đoàn, thêm giải phong cách, tài tử ca Ánh Tuyết đạt giải ca hay.

Năm 2005, Câu lạc bộ đờn ca tài tử tỉnh Bình Thuận được thành lập, sinh hoạt dưới sự chỉ đạo của Trung tâm Văn hóa tỉnh, nghệ nhân Đặng Long được bầu là Chủ nhiệm. Với vai trò này, anh đã phối hợp với các địa phương, các nhà hảo tâm, các tổ chức hình thành các đội nhóm đờn ca tài tử các địa phương trong tỉnh theo hướng xã hội hóa, giúp cho phong trào được hình thành, hoạt động.

Tại 4 lần tỉnh Bình Thuận tổ chức hội thi đờn ca tài tử vào các năm 2004, 2006, 2009 và 2016, nghệ nhân Đặng Long được mời dự với vai trò giám khảo. Anh cũng được mời làm thành viên trong Ban giám khảo cuộc thi: “Vận động sáng tác, viết lời mới bài bản nhạc tài tử Nam bộ, vọng cổ, chặp cải lương” của tỉnh ta, ở các năm 2006, 2019. Khi trước đó, anh đã từng sáng tác nhiều chặp cải lương, bài vọng cổ, bài bản tài tử cho các đội nhóm biểu diễn, dự thi ở tỉnh, toàn quốc. Hai bài do anh sáng tác: “Dục Thanh nhớ Bác” (vọng cổ, viết chung với tác giả Ngô Minh Tiến) và “Hào khí Dục Thanh” (bài bản tài tử) được chọn in vào tập sách “Bác Hồ với quê hương Bình Thuận” do Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh sưu tầm, tuyển chọn từ các tác phẩm văn thơ, nhạc của nhiều tác giả, nhà xuất bản Thanh Niên xuất bản năm 2010.

Ở 2 lần Festival đờn ca tài tử quốc gia: Lần 1, tổ chức tại Bạc Liêu năm 2014; lần 2, tổ chức tại Bình Dương năm 2017, nghệ nhân Đặng Long được giao nhiệm vụ sáng tác, biên tập, dàn dựng và chỉ đạo nghệ thuật cho đoàn nghệ thuật đờn ca tài tử Bình Thuận. Năm 2014, đoàn Bình Thuận đạt huy chương vàng đồng đội; năm 2017, đạt huy chương bạc đồng đội.

Người thầy của nhiều thế hệ nghệ nhân đờn ca tài tử

Như một cái duyên với nghề, đã có nhiều người tìm đến anh để học. Từ năm 1984 đến nay, đã có hàng trăm học trò học đờn, ca với anh, thuộc nhiều tỉnh khác nhau: Bình Thuận, Tiền Giang, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, TP. Hồ Chí Minh. Anh đã từng dạy  cho 4 lớp đờn ca tài tử do Trung tâm Văn hóa tỉnh tổ chức, tại Phan Thiết, Tuy Phong, Đức Linh; 1 lớp tại Bà Rịa - Vũng Tàu; mỗi lớp có từ 30 - 50 học viên.

 Một đặc điểm rất đáng ghi nhớ trong cuộc đời hoạt động đờn ca tài tử của anh: Học trò của anh, có người đã là nghệ sĩ nhân dân (Thanh Ngân, TP. Hồ Chí Minh, học ca với anh từ năm 1984), và rất nhiều người đã là NNƯT. Có thể kể: NNƯT Tám Nùng (Lê Văn Nùng), ở Tuy Phong; NNƯT Phú Cường (Nguyễn Phú Cường) ở Tuy Phong; NNƯT Bảy Đờn (Huỳnh Văn Bảy), ở Hàm Thuận Bắc; NNƯT Thanh Kính (Phan Thanh Kính) ở Tây Hòa, Phú Yên; NNƯT Nguyễn Văn Vương, ở Tuy Phong; NNƯT Tám Thọ (Châu Văn Thọ), ở Tuy Phong; đặc biệt, NNƯT Lương Hồng Huệ, ở Phan Thiết, được phong tặng năm 35 tuổi, thuộc lứa NNƯT trẻ nhất nước (năm 2019); cùng tài tử ca Hà Thu (Phan Thị Thu), ở Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh; tài tử ca Ánh Tuyết ở Phan Thiết... Ngoài ra, anh còn dạy đờn qua mạng xã hội, bằng cách gởi các clip đờn giúp người học dễ hiểu và học nhanh hơn…

Sử dụng thành thạo các nhạc cụ guitar, kìm, sến, anh chú trọng trong hướng dẫn học trò tính năng từng nhạc cụ để diễn tấu cho đúng, đồng thời nắm vững tính chất, nội dung, xướng âm chuẩn lòng bản để diễn tấu, diễn xướng đúng với cái hồn, cái gốc của từng loại bài bản. Khi hòa tấu nhạc cụ có kẻ tung, người hứng ăn ý với nhau để tạo ra cuộc hòa đờn thú vị, có chất lượng. Về ca, anh dạy học trò ca đúng tính chất bài bản. Những buổi sinh hoạt đờn ca tài tử, tiếng đàn nương theo lời ca, hòa quyện với nhau, khi khoan, khi nhặt, lúc cao, lúc trầm, thành những buổi sinh hoạt thú vị của những người có chung niềm đam mê.

Danh hiệu cao quý NNƯT được Chủ tịch nước tặng năm 2015 là sự ghi nhận của Nhà nước về công sức, trí tuệ, tài năng của Đặng Ngọc Long, người đã liên tục đóng góp cho loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử. Tập sách ảnh “Đờn ca tài tử- Lời tự tình của dân tộc, quê hương” của nhiếp ảnh gia Nguyễn Á, xuất bản năm 2015, đã ghi lại những hình ảnh về NNƯT Đặng Long với những lời ngợi ca; cùng giới thiệu những NNƯT khác của cả nước. Một số chương trình của các Đài VTV, HTV, Bình Dương, Bình Thuận cũng đã có sự giới thiệu về anh.

Trước đây, Bình Thuận chúng ta chỉ là vùng lan tỏa của loại hình nghệ thuật đờn ca tài tử. Thì nay, anh chị em nghệ nhân đờn ca tài tử các tỉnh, thành bạn đã nhìn về hoạt động đờn ca tài tử Bình Thuận với sự trân trọng. Điều đó có được từ sự đầu tư của ngành văn hóa - thể thao - du lịch và lãnh đạo tỉnh nhà, từ những nỗ lực của anh chị em trong câu lạc bộ, các đội nhóm đờn ca tài tử của toàn tỉnh.

NNƯT Đặng Ngọc Long luôn mong mỏi rằng: Các cơ quan chức năng tiếp tục tạo điều kiện, đầu tư, động viên, tổ chức những hoạt động, góp phần nâng cao trình độ của những người có cùng niềm đam mê, để đờn ca tài tử tiếp tục là một loại hình nghệ thuật mang tính giải trí cộng đồng, để bà con người Bình Thuận tiếp tục tìm đến, thưởng thức, học hỏi, tập luyện và trao đổi cùng nhau.

Minh Trí



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mãi một tình yêu với đờn ca tài tử