May mắn ơi…
May mắn ơi…
BT- Mới tầm 3 giờ chiều. Mây đen, trời chuyển sầm tối. 3 đứa nhỏ vội chạy ào vào
quán, tránh cơn mưa như trút, trắng xóa mặt đường. Mỗi đứa nhanh chóng tiếp cận
một vị khách, chào mời “chú mua giúp con, cô mua giúp cháu, dì ơi, ông ơi…”. Bàn
tay bé nhỏ lấm lem chìa xấp vé ủ rủ với những dãy số gọi mời. Những cái lắc đầu
thờ ơ. Rồi cũng có người cảm thông mua giúp. Nhưng dường như tụi trẻ vẫn không
vơi được nỗi lo sắp hết giờ, đại lý “khóa sổ” không trả lại được, phải “ôm”.
“Bán được ít quá, tiền đâu đưa cho mẹ?”- Đứa lớn nói với 2 đứa nhỏ. Xong, cả 3
vội chạy ào qua những quán khác, dù cơn mưa vẫn đang nặng hạt…

Đêm. Ở cung đường ven sông, một bà lão lom khom rao bán sự may mắn cho ngày mai.
Cùng tìm kiếm mưu sinh như bà, còn có những người tật nguyền, khiếm khuyết khác
nữa. Có cả những người từ quê xa miền Trung, bươn chải về thành phố biển này
mong sao kiếm ít thu nhập để gửi về quê nghèo phụ giúp gia đình. Nếu ví xã hội
như một bức tranh muôn màu thì những người đi bán “sự may mắn” ấy là mảng màu
xam xám của cuộc sống. Họ thường có mặt ở những quán cơm từ thiện hay những nơi
phát quà cho người nghèo. Nhất là trong tháng bảy âm lịch này. Đôi khi là dăm ký
gạo, thực phẩm thiết yếu, có khi một ít tiền… Sự sẻ chia của cộng đồng, phần nào
tạo cho họ niềm vui, bớt nhọc nhằn trong hoàn cảnh sống hiện tại.
Nhưng “may mắn ơi, người đâu?”, trong tôi luôn thầm hỏi như vậy mỗi khi nghe
những câu chuyện kể từ họ, những người bán vé số, đi khắp mọi nẻo đường. Mỗi câu
chuyện là một phận người, đau đáu về một ngày mai. Chạnh lòng mong sao may mắn
mỉm cười với họ để cuộc sống của những “đôi chân mỏi” có được mảng màu sáng tươi
của niềm hạnh phúc.
Làm sao để những người già, trẻ em, người khuyết tật… không phải kiếm sống bằng
cái nghề bấp bênh này? Thật khó mà trả lời được. Thôi thì hãy giúp họ bằng cách
mà mình có thể. Một trái tim nhân ái, một tấm lòng bao dung sẽ còn mãi với thời
gian.
Quang TuẤn