BT- Có lẽ trên đời không người phụ nữ nào lại không muốn mình đẹp và cũng chẳng có người nào không biết làm đẹp. Tôi biết thế nhưng không hiểu tại sao nhiều khi tôi vẫn hay thắc mắc phải chăng mẹ tôi là ngoại lệ? Mẹ không biết làm đẹp như những người khác hay sao?

Những năm còn học cấp ba, tôi để ý thấy rằng mẹ chỉ mặc mỗi chiếc áo bà ba nâu đã sờn màu. Trên vai áo có một miếng vá và cả phía sau cũng thế. Hồi ấy chỉ có hai mẹ con ở nhà vì bố và anh chị đi làm thuê ở xa nên tôi hay để ý đến mẹ như thế. Chiếc áo ấy bây giờ không còn nữa nhưng trong ký ức tôi vẫn còn nhớ như in về nó. Hồi ấy, đôi bàn chân trần của mẹ cũng vì nặng việc đồng áng mà nứt nẻ khá nhiều. Những vết nứt chạy dài ra phía sau gót chân, ăn dần lên ngang mắt cá; còn phía trước ở những kẽ hở giữa các ngón chân mẹ lở loét, nhầy nhậy vì phải suốt ngày nhúng chân dưới nước. Ngày qua tháng lại mẹ vẫn cứ vậy nên da mặt mẹ trở nên đen đuốc chứ không còn ngâm đen như nhiều người khác. Khuôn mặt mẹ khô rang như chính cái nắng, cái gió của vùng đất duyên hải ven biển Nam Trung bộ này. Khô đến mức có nhiều lần tôi thấy mẹ ngồi gỡ một vài miếng da bóc lên trên hai gò má của mẹ. Mỗi lần thấy thế tôi lại thắt lòng một nỗi đau và thương mẹ. Những ngày tháng ấy, đôi bàn tay mẹ cũng thô ráp, gầy gò, những đường gân xanh nổi lên dọc mu bàn tay và cánh tay mẹ khiến đôi bàn tay vốn đã gầy lại càng trở nên khô khốc hơn lúc nào hết.

Có những buổi trưa đi học về, tôi thấy mẹ còn tranh thủ sau giờ làm mướn,  đội chiếc nón lá không còn lành, lội xuống con mương đầu làng bắt mấy con cua về nấu canh rau lang cho bữa trưa của hai mẹ con. Cùng chiếc nón lá rách vành và thủng chóp, mẹ lội bì bõm dưới nước đạp cả mấy bụi gai mắc cỡ (trinh nữ) như thể không còn thời gian cho cuộc sống. Những bữa cơm vội, vội không phải vì không có thời gian để ăn, mà nói đúng hơn là vì chẳng có gì để mà ăn nhiều, ăn lâu của hai mẹ con trong những tháng ngày ấy cho đến bây giờ nó vẫn còn len lỏi đâu đó trong nỗi ám ảnh của cuộc đời tôi. Những nồi canh cua rau lang lỏng bỏng nước, chén cơm gạo nở khô khốc nuốt chẳng buồn trôi, chén nước mắm đôi khi mẹ làm bằng muối… mãi là những ký ức không thể nào quên được của tôi về mẹ. Khó khăn là thế, vậy mà hồi đó tôi chẳng thấy mẹ than vãn lấy một lời. Tôi thấy mẹ mạnh mẽ hơn bất kỳ ai. Trong mỗi bữa ăn mẹ luôn cười, một nụ cười đẹp đến ngây ngất dù mẹ chẳng phải là người nổi tiếng gì. Mẹ thường nói với tôi trong những bữa ăn: “Sống trên đời quý nhất là ở chỗ trao nhau một nụ cười”. Có lẽ vậy mà mẹ hay cười với mọi người thì phải?

Năm tháng cứ đi qua, bây giờ gia đình tôi ổn định, mẹ tôi đã ngoài bảy mươi tuổi. Tuổi cao cùng với gánh nặng của cuộc đời đã lấy đi của mẹ nhiều thứ như sức khỏe, sự nhanh nhẹn và cả sự bền bỉ của một người nông dân. Duy chỉ có một điều không ai có thể, không vật gì có thể lấy đi được của mẹ đó là nụ cười mẹ dành cho tôi. Vẫn mãi là nụ cười ấy nhân từ, đôn hậu. Bây giờ trưởng thành, đi nhiều, gặp gỡ nhiều, tôi mới hiểu được phần nào câu nói của mẹ: “Sống trên đời quý nhất là ở chỗ trao nhau một nụ cười”. 

Có lẽ trên đời không người phụ nữ nào lại không muốn mình đẹp và cũng chẳng có người nào không biết làm đẹp. Mẹ tôi hẳn cũng là người muốn mình đẹp, hẳn cũng là người biết làm đẹp như bao người khác. Có điều, với mẹ suốt cả cuộc đời không có điều kiện để làm đẹp. Có lẽ vì hồi trẻ thì quá khó khăn, còn khi gia đình ổn định rồi thì cái tuổi chẳng còn đủ trẻ để làm đẹp nữa. Nhưng với tôi dù có vật đổi sao dời thế nào cũng chẳng thể thay đổi được một điều trong mắt tôi mẹ là người đẹp nhất. Mẹ đẹp bởi tấm lòng của một người phụ nữ tảo tần, lam lũ, giàu sự hi sinh, nhẫn nại vì chồng vì con.

Chẳng thể đủ ngôn từ để con nói hết lời biết ơn về mẹ. Cảm ơn đời đã cho con được làm con của mẹ.

Trần Minh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mẹ tôi