Theo dõi trên

Móc võng bằng ngà - kỷ vật kháng chiến giá trị

27/04/2018, 11:07

BTO- Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, nhưng ký ức về một thời gian khổ, hy sinh, hào hùng không bao giờ phai trong tâm khảm của mỗi người lính. Để tìm lại và lưu giữ những ký ức cho thế hệ mai sau, hàng năm Bảo tàng Bình Thuận liên tục tổ chức các đợt sưu tầm hiện vật kháng chiến trên địa bàn toàn tỉnh.

Nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau, số lượng hiện vật kháng chiến sưu tầm được ngày càng ít và hiếm. Cho nên, những cán bộ sưu tầm như chúng tôi phải cố gắng rất nhiều mới có được những hiện vật, đặc biệt là hiện vật có giá trị lịch sử liên quan cuộc sống, chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tỉnh nhà trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Qua nắm bắt thông tin, chúng tôi tìm đến nhà cô Nguyễn Thị Hạnh ở Khu dân cư Kênh Bàu, Phường Xuân An, TP Phan Thiết, chủ nhân của cặp móc võng bằng ngà voi.

Cô Hạnh cho biết, cô sinh năm 1946, quê gốc ở Lương Sơn - Bắc Bình, tham gia kháng chiền từ năm 1965, làm văn thư đánh máy ở huyện Hòa Đa, đến năm 1968 chuyển công tác lên Tỉnh ủy Bình Thuận. Năm 1974 thì chuyển về trường Đảng khu 6. Sau giải phóng, cô công tác tại liên đoàn lao động Lâm Đồng và đến năm 1993 chuyển về công tác tại bảo hiểm xã hội Bình Thuận, năm 2002 về hưu.

Thực ra, thời mới giải phóng cô cũng giữ nhiều đồ vật để làm kỷ niệm, nhưng rồi do nhiều lần chuyển nhà nên dần thất lạc hết, duy có cặp móc võng nó đặc biệt nên cô rất quý, giữ gìn cẩn thận nên mới còn đến bây giờ. Nay tuổi đã cao, sợ con cháu làm thất lạc nên cô tặng lại cặp móc võng cho Bảo tàng Bình Thuận lưu giữ làm hiện vật.

Cặp móc võng làm bằng ngà voi là của một người bạn tặng khi cô đang công tác ở Tỉnh ủy Bình Thuận, lúc này căn cứ Tỉnh ủy đóng ở rừng Sa Lôn (nay thuộc địa bàn xã Đông Giang, huyện Hàm Thuận Bắc).

 Được biết trong thời kháng chiến, một trong những bài học đầu tiên của người lính là học cách mắc võng. Để tránh bị ướt võng khi trời mưa, ban đầu bồ đội ta dùng cọc phụ, trước khi buộc dây võng vào cây phải quấn qua cọc phụ để nước chảy theo cọc phụ, không chảy vào võng. Nhưng cách này vừa mất thời gian lại không tiện. Bằng trí sáng tạo của mình, bộ đội chế tạo ra móc võng để thay thế cho việc đóng cọc phụ. Theo đó, nước mưa theo dây võng gặp móc võng sẽ chảy xuống không làm ướt võng. Vì sự tiện ích đó, móc võng là một trong những bảo bối cá nhân không thể thiếu của người lính Trường Sơn. Móc võng có thể được làm từ nhiều vật liệu khác nhau như mãnh bom, sừng trâu, ngà voi.

Không riêng gì móc võng, thời đó do điều kiện khó khăn, các nhu yếu phẩm, quân trang, quân dụng luôn thiếu thốn. Để khắc phục, bộ đội ta còn chế tạo ra nhiều vật dụng khác nhau từ các mãnh bom, vỏ đạn hay bằng ngà voi để dùng hoặc tặng cho đồng đội làm kỷ niệm như là: đèn ló thụt, lược, dao cạo, kẹp rút dép… Do vậy, các món đồ trên thường được làm rất cầu kỳ, tỉ mỉ. Đôi khi có những cái không đơn thuần là vật dụng mà còn là tác phẩm nghệ thuật được tạo bởi bàn tay khéo léo của người lính.

Mong rằng qua bài viết này, các cô, các chú đã từng tham gia kháng chiến, còn giữ những hiện vật liên quan đến kháng chiến xin tặng lại cho Bảo tàng lưu giữ  để tránh bị thất lạc. Vì rằng, đằng sau mỗi kỷ vật là những câu chuyện xúc động về một thời bom đạn oanh liệt mà hào hùng. Đó cũng là một phần của lịch sử.

Trịnh Xuân Hùng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Móc võng bằng ngà - kỷ vật kháng chiến giá trị