Theo dõi trên

Một vùng đất, một địa chỉ: Thăm Hàn Thư quán

25/08/2017, 09:30

BT- Tại xã Gia An, huyện Tánh Linh có một người làm thơ năm nay gần bước vào tuổi bảy mươi. Không chỉ thể hiện tâm hồn của mình qua những vần thơ mà ông còn khéo léo tạo nên những đồ vật và sắp đặt, trưng bày nhiều hiện vật mang tính nghệ thuật tại nơi ở của mình, đưa đến nét thi vị cho khách ghé thăm.

                
Nhà thơ Dương Ngọc Việt bên “Hàn Thư quán”.

Khuôn viên nhà của ông Dương Ngọc Việt, một người làm thơ, khá rộng, được chia làm hai khu, một bên dùng làm nhà trọ, một bên ông dành riêng làm vườn và căn phòng nhỏ đặt tên là “Hàn Thư quán”...  Chủ nhân của Hàn Thư quán cho hay: “Mình có khá đông anh em bạn bè, từ sự gợi ý của họ cũng như muốn tạo cho mình một không gian nghệ thuật để tiếp khách và viết nên mình mới làm “Hàn Thư quán””.

Trong số những hiện vật ở Hàn Thư quán có khá nhiều tác phẩm lũa được ông dụng công làm theo ý mình, như ông giải thích: “Cái thì nói về chất độc dioxin, cái thì mang hơi ấm tình phụ tử, cái lại mang nét suy tư với dáng người trầm ngâm”… Ông tự nhận mình làm tay ngang, không theo khuôn mẫu nào mà chỉ theo cách nghĩ, cách hiểu của mình. Nhìn những hiện vật và trò chuyện cùng ông, chúng tôi được thấy tất cả sự chân thành của một người yêu thơ ca, sinh ra, lớn lên ở vùng đất núi Ấn, sông Trà, hiện đang sống và sáng tác tại miền đất của núi Ông, thác Bà và hồ Biển Lạc mênh mông. Một con người hiền hậu, chân thành với niềm yêu thơ vô bờ bến đang ngày đêm suy nghĩ những ý thơ mới về quê hương, về cuộc đời.

Tại sân nhà, ông khắc hai câu đối về quê cũ và quê mới như sau: Núi Ấn sông Trà từ buổi chia xa vời vợi nhớ/Thác Bà, Biển Lạc chuỗi ngày gắn bó ngút ngàn thương. Với ông đây là nơi đã gắn bó tự lâu lắm rồi và miền quê này đã giúp ông ổn định cuộc sống gia đình, nuôi nấng hồn thơ ngày một thăng hoa và thấm đẫm tình bạn văn chương.

 Dương Ngọc Việt kể: Năm 1989, khi đang làm nhân viên kiểm lâm ở tỉnh Nghĩa Bình (cũ), cuộc sống khó khăn nên ông xin nghỉ, và với sự giúp đỡ của một người bà con, gia đình đã vào lập nghiệp ở Gia An, Tánh Linh.  Ở quê ông có chiếc máy ảnh và có lúc làm nghề này nên sau khi tạm ổn định chỗ ở  thì ông lấy nghề ảnh để nuôi gia đình.

                
Một góc “Hàn Thư quán” của Dương Ngọc Việt.

Cơm áo gạo tiền đè nặng, khiến Dương Ngọc Việt quên đi những bài thơ đã viết và được đăng báo từ mấy năm trước. Dương Ngọc Việt trở lại với thơ khi bước vào tuổi ngũ thập. Lần này thì không có gì ngăn cản ông được nữa. Vẫn là những lời thơ chân chất, mộc mạc nhưng giờ đây cảm xúc dạt dào hơn. Những ký ức đan xen hiện tại, đôi khi là một bóng hình xưa cũ, khi thì những câu thơ thấm đượm nghĩa tình với quê mới Tánh Linh, và có khi là những triết lý nhân sinh. Cách đây 10 năm - năm 2007, ông  xuất bản tập đầu tay “Tình khúc cho em” với nhiều bài thơ về quê hương, cuộc sống và tình yêu. Đa phần trong số đó được sáng tác tại Hàn Thư quán này.

Trong bài thơ được lấy là tựa đề chung cho cả tập, Dương Ngọc Việt đã có những dòng thơ tình tha thiết: Em dâng anh những đồi cao nhung nhớ/Những trũng bùn ướt lạnh đến xương da/Em dâng cả mảnh tình thơ đẹp nhất/Anh khắc vào đời hát vọng đến người xa…Về đề tài này, ông còn có những bài thơ khác như Tuyệt tình ca, Vọng tiếng em yêu, Qua cầu nhớ thương, Dáng thơ…

Viết về quê mới Tánh Linh, ngoài bài thơ Mời em về Gia An được nhạc sĩ Quang Đẩu phổ nhạc mà người dân nơi đây rất thích, Dương Ngọc Việt còn có nhiều bài thơ khác như Tâm sự xuân về, Về với quê em, Cảm tác thác Bà… đã in trong tập thơ Tình khúc cho em, cùng một số sáng tác mới về đề tài này. Qua những vần thơ, người đọc nhận ra một tình yêu thiết tha của ông với miền quê thứ hai, như trong bài Tâm sự với quê hương, ông đã viết: Con vẫn biết nơi sinh con là nguồn cội/Và lớn lên trong gió núi ruộng đồng/Nay con sống trên miền đất mới/Dưới trời xanh bát ngát Tánh Linh…

Ông Nam Hưng - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ huyện Tánh Linh cho biết, Hàn Thư quán của Dương Ngọc Việt thường được chi hội lấy làm nơi tổ chức những đêm thơ giới thiệu tác phẩm cũng như sinh hoạt. Một địa chỉ đầy thi vị và ấm cúng của văn nghệ sĩ Tánh Linh”. Quả đúng vậy, nhiều văn nghệ sĩ nơi xa như từ TP. Hồ Chí Minh, Phan Thiết hay bạn văn lân cận cũng thường xuyên ghé thăm nơi này và trò chuyện văn chương cùng chủ nhân.

Rời Hàn Thư quán của Dương Ngọc Việt, chúng tôi trở ra trên con đường nhỏ, ngoảnh lại phía sau vẫn thấy bóng ông đứng vẫy tay chào. Bất chợt những làn gió từ dòng La Ngà thổi lại mát lành, vẳng đưa những câu hát từ nhà ai vọng tới, một khúc ca thấm đẫm tình đất, tình người do chính nhà thơ của nơi này viết nên: Anh đưa em về thăm khắp đất lành/Hương ngào ngạt vụ mùa đồng tự túc/La Ngà đó dòng xanh trôi uốn khúc/Đêm đẹp trời trăng mọc giữa dòng sông…

THIÊN THANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Một vùng đất, một địa chỉ: Thăm Hàn Thư quán