Theo dõi trên

Mùa báo tết

30/11/2018, 10:21 - Lượt đọc: 324

BT- Cứ mỗi năm, dịp xuân về tết đến, giới làm báo, nhất là đối với báo viết đều “sôi lên” với không khí  làm báo xuân, báo tết, coi đây như một ấn phẩm đặc biệt chào mừng “Tết ta” tức ngày Tết Nguyên đán. Báo tết, có lẽ là một nét đẹp văn hóa chỉ có ở Việt Nam, mà các nước khác không có? Kể cả những nước có truyền thống và kỹ thuật tân tiến trong làm báo như Pháp, Anh, Mỹ... cũng chẳng hề có báo xuân, báo tết!

Báo tết ở Việt Nam theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển bắt đầu có từ Tết âm lịch năm 1918, tờ Báo Nam Phong cho ra một tuyển tập thơ văn như một thứ giai phẩm xuân, có thể xem đó là “thủy tổ các số báo xuân, báo tân niên, báo đặc biệt” ở Việt Nam (Thú chơi sách, Nhà xuất bản Mỹ Thuật, TP. Hồ Chí Minh, 1994, tr. 89). Nhưng theo nhà văn Sơn Nam được nhiều người đồng ý thì tờ báo xuân “đầu tiên” là  “báo Lục Tỉnh Tân Văn số ra ngày 27 tháng chạp năm Đinh Tỵ tức ngày 30/1/1908” là số báo xuân đầu tiên của báo chí Việt (Sơn Nam - báo xuân năm Mậu Thân 1908 - Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh số ra ngày 17/1/1986). Sơn Nam mô tả “số đầu năm không có gì lạ về hình thức trình bày. Báo đăng tải một bài Kỉnh hạ tân niên: “Sắc núi sông như cựu/ Tượng trời đất duy tân /Chúc lục châu quan sĩ quân dân/ Năm ngoái bởi mưa nhiều ướt át/ Thương những người động tác vô công/Chắc năm nay thuận võ điều phong/ Như non của chất, đầy đồng lúa vun/ Nước giàu dân đặng thung dung/ Non sông tấn bộ sánh cùng cõi Âu/ No say chung cả một bầu/ Lợi quyền bình đẳng đọc câu ấy hoài/ Danh vinh, phận quý lâu dài/ Tân Văn nhựt báo kính bài mừng chung/ Cung hỉ cung hỉ, phát tài phát tài… Ba ngày xuân xin kiếu, xin nghỉ một kỳ nhựt trình. Bổn quán đốn thủ”. Song về cách in ấn, kỹ thuật trình bày đúng nghĩa một tờ “giai phẩm Xuân” như bây giờ, phải kể đến tờ Phụ Nữ Tân Văn với sáng kiến trình bày một tờ báo xuân hấp dẫn, bắt mắt. Lần hồi các báo khác bắt chước làm theo (Sơn Nam - báo xuân trong tập Sài Gòn xưa & nay, Nhà xuất bản Trẻ và Tạp chí Xưa & Nay 1998).

Nhà nghiên cứu Thiện Mộc Lan cũng nhận định tương tự: “Phụ Nữ Tân Văn mở đầu về khuôn mẫu của tờ báo xuân với kỹ thuật trình bày tiên tiến. Nếu bạn có đọc qua Phụ Nữ Tân Văn xuân năm 1930 bạn sẽ thấy rõ” (Thiện Mộc Lan - Phụ Nữ Tân Văn phấn son tô điểm sơn hà - Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn và Công ty sách Thời Đại, 2010).

Sau Phụ Nữ Tân Văn, tờ Đông Tây của Hoàng Tích Chu ở Hà Nội ra “Tập văn mùa xuân” năm 1932. Đây có thể coi là tờ báo xuân “tiêu chuẩn” đầu tiên của làng báo phía Bắc ra đời. “Tập văn mùa xuân” dày 30 trang, được in tại nhà in Tân Dân, số 93 Hàng Bông, Hà Nội, bán giá 20 xu. Tiếp theo là đến các báo hiện có thời bấy giờ như: Phong Hóa, Ngày Nay, Thần Chung, Tiếng Dân, Tiểu thuyết thứ bảy...

Báo tết thời trước thường ra từ khoảng sau ngày đưa ông Táo, 23 tháng chạp cho đến 28 tháng chạp. Khác với bây giờ, báo tết được ra sớm trước tết cả tháng có khi tháng rưỡi, người xem... được xem sớm và lai rai đến trước 23 tháng chạp, các báo nghỉ tết nên nhiều khi trở thành nhạt, không còn thú vị trong “ba ngày tết” nữa, đó cũng là điều đáng nên suy nghĩ?

Ở miền Nam trước 1975, báo tết thường gọi chung là giai phẩm xuân, tất cả các báo ngày, đặc san như: Tuần báo, Bán nguyệt san, Nguyệt san đều có ấn phẩm xuân. Đặc biệt là các trường học từ trung học đến đại học đều có các “Giai phẩm xuân” do thầy cô và sinh viên, học sinh của trường thực hiện rất phong phú, đa dạng. Các ấn phẩm này được bán trong nội bộ hay sang các trường bạn bán, hoặc giao lưu. Tiền thu được đem vào quỹ “Cây mùa xuân” giúp đỡ các bạn học sinh nghèo, đồng bào nghèo vui xuân đón tết, rất thiết thực và nghĩa tình. Nhiều trường đại học như: Văn Khoa, Vạn Hạnh, Sư Phạm và các trường trung học lớn ở Sài Gòn như Petrus Ký, Gia Long, Chu Văn An, Trưng Vương... có những giai phẩm xuân rất đặc sắc và chất lượng không thua kém gì các báo.

Về mặt hình thức báo tết hiện nay có kỹ thuật in ấn tân tiến, trên giấy láng tốt, trông rất thu hút và hấp dẫn, nội dung phần lớn vẫn bám theo các báo truyền thống trước, có thêm thư chúc tết của Chủ tịch nước hoặc người đứng đầu tỉnh, thủ trưởng cơ quan... Có nhiều báo chỉ cần vài bài “đinh” cho cái tết, còn lại chủ yếu vui tươi, phấn khởi là được. Có báo lại yêu cầu chất lượng cao, chặt chẽ, tránh... tiếng chê của độc giả trong ngày đầu năm mới. Người viết bài hiện nay, ngoài những cây viết chuyên nghiệp có tên tuổi, còn có đội ngũ đông đảo cộng tác viên khắp 63 tỉnh, thành, chuẩn bị bài tết từ những ngày đầu của mùa thu chớm tí hơi sương lạnh đã tưởng tượng ra cả một khung cảnh tết thật vui vầy và nhiều cảm xúc? Những báo lớn, có số phát hành cao, có chế độ trả nhuận bút rất cao cho các cây viết lão thành, có uy tín, hoặc cộng tác viên lâu năm, xem như món quà “lì xì” đầu năm của tòa soạn! Nhiều người viết ở mức độ kha khá, chịu “chăm chỉ cày bừa” trên những trang báo tết đa dạng, đủ thể loại và gửi bài cho... nhiều tờ báo. Nếu được chọn đăng, tiền nhuận bút cũng đủ cho một cái tết tươm tất, đàng hoàng. Do đó, mùa báo tết, cũng là mùa... viết báo tết và thu hoạch “lộc tết” của những người sống về nghề viết báo.

Mùa báo tết thực sự hết... sôi động, ngóng chờ thường chấm dứt vào trước ngày đưa ông Táo về trời. Người muốn sưu tầm, tìm mua báo tết đã góp gom thật nhiều báo tết, dư sức đọc cho đến ngày hạ nêu vẫn chưa hết, và tiếp tục cho một mùa báo mới ở năm sau.

TRẦN HOÀNG VY



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mùa báo tết