Theo dõi trên

Mương Mán không chỉ có ga hỏa xa

01/07/2018, 07:59 - Lượt đọc: 2,508

BT - Nhạc sĩ Huy Sô tấu lại bằng miệng bài nhạc kèn “Xung kích tiểu khúc” do ông sáng tác, ông nói ngày đó giặc sợ tiếng kèn này lắm, trong những trận đánh ác liệt mà ông và đồng chí, đồng đội từng tham gia ở khắp các vùng trong tỉnh ông đều thổi lên giai điệu xung trận hào hùng này bằng chiếc đồng gắn bó với cuộc đời ông. Những địa danh được ông nhắc tới như một phần máu thịt của chính mình, các ký ức sống động về sông Quao, Ngã Hai, Mương Mán chợt hiện về nơi ánh mắt xa xăm của một người đã trải qua cả hai cuộc kháng chiến ác liệt. Một câu nói của ông khá ấn tượng với chúng tôi: “Mương Mán không chỉ có ga hỏa xa!” là một gợi ý để chúng tôi tìm về Mương Mán và viết bài báo này. Quả là như vậy thật! Khi đi về tìm hiểu, từ những gì được chép thành lịch sử đến những tầng vỉa truyền thống lấp lánh nhưng ẩn sâu của con người nơi đây, Mương Mán quả là một vùng đất kiên cường của Bình Thuận.

Vùng đất hình cánh bướm

Nhìn từ trên cao, xã Mương Mán như một cánh bướm lớn đang bay mà thân bướm là dòng sông Cái uốn cong (sông này chảy về hòa với dòng Cà Ty) chia đôi không gian xã thành hai cánh Bắc và Nam. Tuy cái tên Mương Mán có đã từ lâu nhưng xã Mương Mán ngày nay là đơn vị hành chính mới thành lập vào năm 1983, nằm cách quốc lộ 1A khoảng 7 km, cách Phan Thiết 12 km về phía Tây.

Có lẽ mọi người theo một thói quen cũ nói tới Mương Mán là nghĩ ngay đến ga Mương Mán. Thói quen gắn một một vùng đất với điểm nhấn quan trọng là tên một ga hỏa xa này cũng có cái lý của nó. Ga Mương Mán có từ thời Pháp mở đường sắt Bắc Nam đầu thế kỷ XX, theo suy đoán của chúng tôi, có thể là giai đoạn 1905 đến 1912 vì nhiều sách cũ ghi chép đây là thời kỳ sở Hỏa xa Sài Gòn thi công xong đoạn Sài Gòn – Nha Trang. Trong khi đó xã Mương Mán chỉ mới thành lập sau này. Theo Quyết định số 140-HĐBT, ngày 28/11/1983 của Hội đồng Bộ trưởng về việc phân vạch địa giới một số xã thuộc tỉnh Thuận Hải, xã Mương Mán thuộc huyện Hàm Thuận Nam được thành lập trên cơ sở chia xã Hàm Thạnh thành hai xã lấy tên là Hàm Thạnh và Mương Mán.

Và ngày 28/10/2011, Tổng cục Đường sắt Việt Nam chính thức đổi tên ga Mương Mán thành ga Bình Thuận.

         

Thật ra trong cả hai thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vùng đất này vẫn được gọi là Mương Mán. Cùng với Ngã Hai, Mương Mán là một trong những điểm nóng, là nơi diễn ra nhiều trận chiến khốc liệt. Từ năm 1953, khu vực Mương Mán, Ngã Hai đã có khoảng 40 đảng viên, riêng Mương mán có tới 46 đội viên du kích mật và 781 quần chúng cơ sở. Trận tập kích tiêu diệt tiểu khu Mương Mán là chiến công vang dội (diệt và làm thương vong hơn 300 tên địch, bắt sống 12 tù binh, trong đó có 2 lính Pháp và 1 trùm mật thám, thu trên 100 súng các loại trong đó có nhiều cối 60 li và 81 li). Những đoàn xe trâu được huy động chở vũ khí và chiến lợi phẩm đi trên đường cái lúc bấy giờ như một hình ảnh biểu tượng của chiến thắng trong cuộc chiến.

Ông Nguyễn Anh Phong, Bí thư Đảng ủy xã Mương Mán, rót thêm trà vào ly mời chúng tôi, đoạn ông nói tiếp: “Mương Mán là một xã mới thành lập nhưng vùng đất Mương Mán này là nơi có bề dày truyền thống cách mạng. Nơi đây có tới 69 liệt sĩ và 11 người mẹ được Nhà nước phong tặng, truy tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam anh hùng”.

Cuộc đời những mẹ là những tấm gương sáng về đức hy sinh, về sự tận hiến đối với lý tưởng cách mạng và sự nghiệp giải phóng dân tộc, là niềm tự hào lớn lao của quê hương Mương Mán: Mẹ Đoàn Thị Dậu, mẹ Nguyễn Thị Thành, mẹ Nguyễn Thị Nhung, mẹ Lê Thị Ba, mẹ Nguyễn Thị Mười, mẹ Nguyễn Thị Thê, mẹ Lê Thị Hoài, mẹ Võ Thị Tình, mẹ Trần Thị Mai, mẹ Nguyễn Thị Út, mẹ Lê Thị Bé. Mỗi cái tên được vinh danh ấy đều chất chứa trong đó không chỉ lòng căm thù giặc và ý chí kiên cường mà còn chứa biết bao nước mắt tiễn đưa, nước mắt trông đợi và cả nước mắt đớn đau. 

Những bà mẹ anh hùng và những người con bất khuất

Mỗi cuộc đời Mẹ Việt Nam anh hùng đều gắn với những trang sử vàng của quê hương, là niềm tự hào xứng đáng được trân trọng nhưng vì giới hạn của một bài báo, chúng tôi không nói hết được, xin phép được nêu vài trường hợp:

Mẹ Đoàn Thị Dậu (SN 1920). Mẹ sớm giác ngộ cách mạng, 17 tuổi đã xung phong vào đội dân công hỏa tuyến, 18 tuổi lấy chồng và trở thành một đường dây liên lạc quan trọng cho cách mạng.

Mẹ lần lượt sinh 7 người con, 5 trai, 2 gái. Chồng mẹ là ông Lê Văn Liêm, cũng là người tham gia trong đội dân công hỏa tuyến, đã giúp mẹ rất nhiều trong việc chăm sóc gia đình để mẹ yên tâm hoạt động. Các con của mẹ lần lượt lớn khôn trong tình yêu thương của cha mẹ. Nhưng sóng gió bão bùng chợt ập đến gia đình mẹ. Khuya hôm đó, mẹ gánh một gánh đầy thuốc men, thực phẩm tiếp tế vào căn cứ, mặc dù đã phủ rơm và phân mắm lên trên để đánh lừa nhưng cái mũi lê ác nghiệt xăm vào bên hông thúng đã phát hiện bên trong hai chiếc thúng ấy có gì. Mẹ bị lính Pháp bắt ngay trạm gác đầu làng. Ở tù trong lao xá Phan Thiết một thời gian, mẹ được thả ra và hoạt động trở lại. Mẹ Dậu bị bắt lần thứ hai trong một tình huống buộc phải ra mặt cản đường để cho hai cán bộ chạy thoát. Lần này mẹ bị đày thẳng đến nhà lao Nha Trang, nơi dành cho những tù chính trị nguy hiểm. Nơi đây, mẹ nếm đủ các đòn tra tấn: biệt giam, đánh đập, dội nước, trấn nước, treo ngược... Với màn trấn nước, tức cho người vào thùng phuy nước, một người nắm đầu nhận xuống, người kia dùng đòn gõ mạnh vào thùng, khiến tai mẹ bị vỡ màng nhĩ, điếc đặc một thời gian, sau mới phục hồi lại được. Bị tra tấn khủng khiếp như vậy nhưng mẹ Dậu vẫn kiên cường không khai một lời.

Các con của mẹ trưởng thành lần lượt nhập ngũ tham gia lực lượng kháng chiến chống Mỹ. Người con cả Lê Văn Kỷ (SN 1938), năm 23 tuổi là một thanh niên khỏe mạnh, đang là lao động chính của gia đình nhưng vì cách mạng đang cần nên anh tình nguyện thoát ly lên căn cứ gia nhập vào lực lượng kháng chiến. Sau hơn 5 năm tung hoành ngang dọc trên địa bàn Hàm Thạnh, anh Kỷ hy sinh trong một trận đánh vào năm 1966. Người anh ngã xuống, người em lại tiếp bước, tháng 10/1966, anh Lê Văn Thi trở thành một du kích quân thiện nghệ. Trên đường truy kích địch tại Hàm Thạnh, bị phản công, anh đã hy sinh. Trong đợt Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, anh Lê Văn Ân, biên chế Tiểu đoàn 482, trong khi đang cùng đồng đội tấn công vào thành phố Phan Thiết thì trúng đạn hy sinh. Anh Lê Văn Đấu là một người lính trinh sát rất nhanh nhạy đã bị phục kích tử thương trong khi đang bám địch tại địa bàn núi Cu Nhí vào ngày 6/3/1971. Người con thứ năm của mẹ là anh Lê Văn Sáu, Trung đội trưởng trung đội Trinh sát thuộc Tiểu đoàn 840, là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã ngã xuống trong khi đang làm nhiệm vụ.

Năm con trai ra đi và cả năm đều không quay về. Nước mắt mẹ đã cạn. Sự hy sinh của mẹ đã chạm tới tận cùng nỗi đau. Ngày 12/7/1994, mẹ Đoàn Thị Dậu được Nhà nước tặng thưởng Huân chương độc lập hạng I và được phong tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam anh hùng. Những ngày cuối đời mẹ sống ở thôn Đại Thành, xã Mương Mán với người con gái út Lê Thị Tám, một cựu nữ du kích.

Có một ngôi nhà tình nghĩa do tỉnh cấp tại xã Mương Mán vào năm 1996, đó là nhà của Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Ba. Nghĩa cử đó biểu hiện sự biết ơn của Đảng và Nhà nước đối với người mẹ có 4 con là liệt sĩ, một cơ sở cách mạng trung kiên, một phụ nữ được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng II và phong tặng danh hiệu cao quý Mẹ Việt Nam anh hùng.

Mẹ Lê Thị Ba (SN 1920) trong một gia đình nông dân ở xã Hàm Liêm, Hàm Thuận Bắc. Lớn lên, lập gia đình với một cán bộ nằm vùng, mẹ trải qua 9 lần vượt cạn nhưng chỉ nuôi đến tuổi trưởng thành 6 người con.

Năm 1962, con trai cả Nguyễn Văn Vận (SN 1941) thoát ly vào bộ đội. Năm 1967, hai con trai thứ Nguyễn Văn Chương (SN 1944) và Nguyễn Văn Xê (SN 1950) tiếp tục theo con đường của người anh, lên đường chiến đấu vì lý tưởng cách mạng. Năm 1968, con gái Nguyễn Thị Bốn, lúc bấy giờ mới 15 tuổi cũng theo truyền thống gia đình thoát ly lên căn cứ. Lần lượt tiễn các con ra đi trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, mẹ bùi ngùi, nước mắt lưng tròng nhưng vì lòng căm thù giặc, vì lý tưởng cách mạng, mẹ sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả những đứa con mang nặng đẻ đau mà mẹ đã dồn hết vào đó tình yêu thương tha thiết.

Cùng với nỗi đau của cả dân tộc, mẹ kiệt sức, tưởng không còn đứng dậy nổi nữa khi nghe các hung tin báo về liên tiếp.

Ngày 29/1/1968, anh Nguyễn Văn Chương hy sinh tại Nổng Cà Tang, xã Hàm Phú trong một trận tập kích vào nơi đóng quân của địch.

Ngày 23/11/1970, trong trận đánh tại căng Ê-sê-pic Phan Thiết, anh Nguyễn Văn Xê đã nằm lại mãi mãi.

Một ngày gần giáp tết năm 1972, tin đưa về từ đường 20 thuộc địa phận Lâm Đồng, anh Nguyễn Văn Vận hy sinh trong khi đang dọn đường chuẩn bị cho một trận đánh lớn của ta.

Ngày 15/12/1973, đang sản xuất tại bệnh xá kháng chiến H50, chị Nguyễn Thị Bốn bị trúng một loạt rốc- két từ máy bay địch. Năm đó, chị Bốn vừa tròn 20 tuổi, là một tiểu đội phó tích cực, kiên cường.

Vậy là bốn người con mà mẹ tiễn đưa ngày nào, giờ vĩnh viễn không còn ai trở về, những giọt máu, những người con kiên cường mẹ đã thật sự cống hiến hết cho cách mạng. Những đêm dài chờ đợi con về đã không còn nữa, mẹ Lê Thị Ba mãi mãi là một tượng đài nước mắt của xã Mương Mán.

Có trường hợp mẹ Nguyễn Thị Thành (SN 1911) chỉ có một người con duy nhất là anh Lê Văn Mẹo cũng đã tận hiến cho sự nghiệp cách mạng. Anh Mẹo đi bộ đội tháng 3/1965, thuộc Tiểu đoàn 186, chức vụ tiểu đội phó. Anh Mẹo hy sinh anh dũng trong cuộc Tổng nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968. Vợ anh Mẹo là cơ sở cách mạng trong lúc đang trên đường tiếp tế lương thực, thực phẩm cho cách mạng thì bị bắn chết. Mẹ Nguyễn Thị Thành được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng vào ngày 24/4/1995...

Cùng uống trà và ôn lại những trang sử hào hùng của Mương Mán, tôi hiểu ra một điều sâu sắc: Cuộc đời như hồ nước, nếu biết lắng nỗi đau vào đáy tim như nước thì con người sẽ tìm được thứ quý giá là sự bình yên trong tâm hồn. Thế nhưng có những nỗi đau lại chính di sản để lại cho con cháu đời sau, đó là nỗi đau của sự quật cường, bất khuất, di sản ấy phải luôn được gìn giữ trân trọng… Trên cái nền những suy nghĩ sâu lắng ấy tôi cứ mãi nghe tiếng kèn hào hùng trong “Xung kích tiểu khúc” của nhạc sĩ Huy Sô văng vẳng. Tôi nhận ra Mương Mán giàu có về di sản biết bao, đúng là “Mương Mán không chỉ có ga hỏa xa”.

N.T.H



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Mương Mán không chỉ có ga hỏa xa