Theo dõi trên

Nặng tình… mỹ nghệ xứ Phan!

16/01/2020, 08:31

BT- Năm mới đến cũng không hẳn toàn trải hoa hồng. Sẽ tiếp tục có những gian nan thử thách. Tận lòng với những giá trị mà mình cho xứng đáng là ước muốn không chỉ của nghệ nhân Duy Lân…

                
Nghệ nhân Duy Lân với các tác phẩm mỹ nghệ.

 Món quà từ biển

Khi thời gian càng dần về cuối năm, xứ biển Phan Thiết se lạnh vào mỗi sáng sớm, đêm về. Quanh chân cầu Lê Hồng Phong - địa điểm năm nào tết đến, xuân về cũng lung linh, rực rỡ sắc màu pháo hoa trên bầu trời. Đó là trung tâm thị thành, đông người, sầm uất. Vậy nhưng, cách đó ít bước chân - tấm bảng hiệu “Mỹ nghệ Duy Lân” vẫn khiêm tốn ẩn mình bên căn nhà nhỏ, sát bờ sông Cà Ty. Ở đó, ông Nguyễn Duy Lân (SN 1943), dù đã ngoài bảy mươi xuân, hơn 40 năm gắn bó với nghề mỹ nghệ, vẫn một mình lẻ bóng kiên nhẫn, tỉ mỉ gọt giũa nên những tác phẩm điêu khắc hút hồn trên vỏ sò, vỏ ốc. Có lẽ với ông, việc đắm mình, thả hồn vào những chiếc vỏ ấy, biến chúng trở thành những mặt hàng lưu niệm đẹp mê hồn, là cách ông chọn để kiếm sống và thỏa đam mê…

Không phải ngẫu nhiên, dịp xuân này tôi mới tìm hiểu và biết về mỹ nghệ nói chung và mỹ nghệ Duy Lân nói riêng. Bởi trước đó, ấn tượng với tôi là sản phẩm mỹ nghệ từ vỏ sò, ốc đã được trưng bày trang trọng ở một gian hàng tại hội chợ triển lãm Nông nghiệp - Thương mại các tỉnh Đông Nam bộ, diễn ra tại Bình Thuận năm 2019. Trên kệ trưng bày, những món quà lưu niệm chứa chan hồn quê xứ biển được tạo nên từ những nguyên liệu sẵn có, đặc trưng của Phan Thiết như vỏ dừa, vỏ sò, ốc. Những sản phẩm giản dị, nhỏ nhắn như hộp đựng tăm, vòng đeo tay, cành hoa, dĩa dừa, ốc tù và trắng… Chỉ từ 15.000 - 35.000 đồng, mọi người có thể mua một sản phẩm đơn giản nhất. Dù giản đơn, nhưng các sản phẩm này là bao tâm huyết, mồ hôi của nghệ nhân Duy Lân - cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ duy nhất còn lại của TP. Phan Thiết.

Chiều cuối năm, tôi có dịp ghé qua thăm cơ sở mỹ nghệ Duy Lân. Công việc của ông, ai lướt qua sẽ nghĩ khá nhẹ nhàng, nhàn nhã. Ấy vậy mà ngồi trò chuyện chỉ chừng nửa tiếng đồng hồ, tôi thấy bàn tay ông dường như không ngưng nghỉ. Thi thoảng, có những đoàn khách Tây, hay từ TP. Hồ Chí Minh ghé chọn mua, đánh dấu cuộc hành trình đến xứ Phan. Các sản phẩm mỹ nghệ sò, ốc được nghệ nhân mua ở vựa tại xã Tiến Thành, sau đó thực hiện một cách tỉ mỉ, qua nhiều công đoạn. Trước tiên, vỏ sò, vỏ ốc sẽ được ngâm để tẩy sạch mùi. Bằng các máy móc, dụng cụ chuyên dụng, chúng sẽ được cưa, gọt, mài, khắc chữ, tạo hình cho sản phẩm, sau đó đánh bóng. Để có được những sản phẩm mỹ nghệ sắc sảo, ông Lân phải khéo léo kết hợp các loại ốc lại với nhau thật hài hòa, cân đối. Đặc biệt, tận dụng tối đa những mảnh cắt để tạo thành một sản phẩm mới như vòng đeo tay cực kỳ ấn tượng.

                       
Các tác phẩm mỹ nghệ.

 Nghề… khó truyền

Vỏ ốc biển ở vùng biển Phan Thiết vốn rất phong phú, đa dạng về chủng loại, vùng nguyên liệu dồi dào một thời. Đó cũng chính là lý do và là cơ duyên khiến ông tìm đến lập nghiệp, sinh sống trên mảnh đất xứ Phan này. Ông Lân, có lẽ ai gặp cũng dễ cảm nhận được nét thanh thoát, đậm chất nghệ sĩ.  Nhìn xa xăm vào dòng người phía trước, nhớ về một thời đưa đẩy ông gắn với nghề. Cảm giác tiếc nuối và lo lắng, nếu một mai ông không còn đủ sức khỏe, mắt không còn nhìn thấy rõ để theo nghề. Khi đó, ai sẽ nối nghiệp ông, để nghề mỹ nghệ này không bị mai một?

Ông Lân nhớ lại: “Nơi tôi sinh ra ở Quảng Bình. Tôi tốt nghiệp Trường Kỹ thuật Phú Thọ, chuyên về điêu khắc. Bởi lòng đam mê nghệ thuật, sau này tôi phát triển thành nghề mỹ nghệ. Chuyện gia đình dang dở, tôi có người bà con sinh sống ở Bình Thuận, nên đã bén duyên đến lập nghiệp ở Phan Thiết từ năm 2002”. Những năm trước, nguồn nguyên liệu vỏ sò, ốc vô cùng phong phú, đa dạng, giá rẻ. Để có nguyên liệu chế tác, chỉ cần ra bờ biển thu lượm về. Vậy mà giờ đây, lượng vỏ sò, ốc đạt kích cỡ lớn không còn nhiều, phải đi mua lại ở các vựa với giá khá đắt.

“Với tâm huyết truyền lại nghề cho những người kế cận, tôi đã mở một cơ sở dạy nghề thủ công mỹ nghệ tại địa bàn phường Đức Long, do Trung tâm Khuyến công tỉnh hỗ trợ kinh phí. Tuy vậy, chỉ tồn tại được 1 năm, toàn bộ cơ ngơi đều bị triều cường cuốn ra biển”- ông Lân chia sẻ. Học viên mỗi người một nơi, một phần bởi nghề này rất kén chọn người học. Ngoài đam mê là chuyện thu nhập hàng ngày, tâm lý lao động trẻ thích đi đây đi đó chứ không thích ngồi một chỗ. Ngay cả bản thân ông Lân, tuy đã có tuổi, nhưng vì nỗi lo cơm áo gạo tiền, cũng phải nhận thêm công việc thiết kế, kiến trúc cho các quán cà phê sân vườn trên địa bàn Phan Thiết.

Mong muốn được truyền nghề và phải chi có được một ki-ốt đàng hoàng để trưng bày những “đứa con” tinh thần, phục vụ du khách thì tốt biết bao. Hơn thế nữa là làm sao sản phẩm xuất xứ từ Phan Thiết, Bình Thuận đến được với nhiều du khách nước ngoài nhằm góp phần quảng bá du lịch, tiềm năng và nét đẹp của Phan Thiết, thông qua các mặt hàng thủ công mỹ nghệ. Trót nặng tình với mỹ nghệ xứ Phan, âu cũng là cái duyên!

    
      Ông Đặng Thanh Tấn - Chủ tịch Hội Nông dân TP. Phan Thiết cho biết: Định   hướng của Hội Nông dân thành phố trong thời gian tới, là ưu tiên phát   triển các ngành nghề chế biến thủ công mỹ nghệ, phục vụ du lịch. Trong   đó, có mặt hàng sản xuất, chế biến thủ công mỹ nghệ của cơ sở Duy Lân.

Kiều Hằng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nặng tình… mỹ nghệ xứ Phan!