Theo dõi trên

Nét đẹp của đình làng, dinh vạn ở Phan Thiết

21/11/2018, 15:48

BTO- Đình làng đã xuất hiện từ thế kỷ thứ II - III như một trạm dừng chân dọc đường nơi làng xã. Nhưng đình làng thật sự phát triển vào thời Hậu Lê (1428-1527) và trở thành nơi thờ tự Thành hoàng (Thần làng) và các vị thần khác. Trong dòng chảy lịch sử ấy, phủ Hàm Thuận xưa cũng lập nên các đình làng, dinh vạn để thờ tự những Tiền hiền có công lập ấp và thần Nam Hải phò trợ nghề biển. Trong các câu chuyện mà chúng tôi được nghe, xin kể lại 2 điểm di tích mà đến nay trải qua 2 thế kỷ xây dựng nhưng gần như vẫn giữ nguyên vẹn giá trị văn hóa lẫn kiến trúc, đó là đình làng Đức Thắng và dinh Vạn Thủy Tú.

Đình làng Đức Thắng

Theo tích xưa, vào năm Bính Tý (1816) nhân một lần Tả quân Lê Văn Duyệt kinh lý các tỉnh phía nam, lúc đi ngang qua Phan Thiết, ông Trần Chất người có vai vế trong làng Đức Thắng cùng dân làng ra phủ phục đầu ngựa dâng sớ xin được giải quyết tranh chấp và xin được xây cầu, lập chợ. Lê Văn Duyệt thấy vô cớ bị dừng xe, đã giận dữ khép tội ông Trần Chất là phạm thượng và cho quân chém đầu ông tại chỗ. Lúc về kinh, đọc lại tờ sớ và xét vô tội, nên Tả quân xin vua Gia Long phong cho ông Trần Chất là tiền hiền làng Đức Thắng. Cảm kích trước hành động dũng cảm vì dân của ông, dân làng Đức Thắng đã xây mộ, đắp bia ghi công đức và dựng đình thờ. Lúc đầu đình được dựng tạm bằng tranh tre, đến năm 1841 nhân dân góp công góp của xây dựng kiên cố và 7 năm sau(1847) công trình mới hoàn chỉnh. Trên nóc Đình làng vẫn còn dòng chữ Hán khắc ghi niên đại xây dựng “Tân Sửu chí Đinh Mùi”, tức từ năm 1841-1847.

 

Đình làng Đức Thắng sử dụng lối kiến trúc dân gian tứ trụ, các nóc đình hợp lại thành hình chữ Tam gồm đình chính thờ Thành hoàng, đình thờ Tiền hiền, hậu hiền và võ ca, tất cả đều lợp mái âm dương. Riêng đình chính có thêm phần cổ lầu và tập trung nơi đây nghệ thuật trang trí và đắp nổi những bức tranh dân gian, điển tích xưa. Nội thất đình bài trí nhiều khám thờ, liễn đối, bao lam gỗ được nghệ nhân sử dụng lối chạm lộng để thể hiện đề tài, tạo nên hình tượng “tứ linh”, cây cảnh, chim chóc sinh động.

Ở ngoại thất đình, đề tài trang trí tập trung ở cổ lầu và khoảng cổ diêm (khoảng hở giữa mái thượng và mái hạ) đầu hồi, hình ảnh long, phượng chiếm vị trí chủ đạo. Đình làng Đức Thắng là ngôi đình có quy mô và kiến trúc đồ sộ bậc nhất ở phủ Hàm Thuận cũ và khu vực Phan Thiết ngày nay. Triều Nguyễn từ đời Tự Đức đến Khải Định đã ban cho các vị thần ở đình 7 sắc thần viết trên giấy kim tiên màu vàng và đều đóng dấu đỏ của Triều đình “Sắc mạng chi bảo”.

Ông Nguyễn Tường Hưng – Phó Ban tế tự Đình làng Đức Thắng cho biết: Khi xưa đình làng phục vụ nhiều mục đích từ thờ tự, tế lễ, nhà hội đồng chung, nơi xử kiện, cũng là nơi vui chơi, sinh hoạt ca hát… Nếu gia đình có từ đường thờ cúng thì nhân dân Đức Thắng coi đình làng như một đại từ đường. Tuy nhiên, theo dòng chảy lịch sử, các chức năng của đình làng đã dần chuyển cho ủy ban, nhà văn hóa, nó gần như trở thành đền thờ, chỉ tập trung sinh hoạt vào 2 nghi lễ chính của làng là lễ tế xuân vào ngày ngày 15 – 16/2 âm lịch: cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, an cư lạc nghiệp và lễ tế thu vào ngày 16/9 âm lịch: trả ơn một năm ông bà đã phù hộ cho dân làng làm ăn suôn sẻ, thuận lợi. Đình làng đã được Bộ Văn hóa xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia ngày 3/8/1991, tuy nhiên hiện nay điểm di tích này vẫn chưa được nhiều du khách biết đến và người dân lui tới thường xuyên. Đáng buồn là một số cổ vật trưng bày trên nóc đình làng như cá hóa long, thanh long, lân, phụng… sống cùng làng gần 200 năm nhưng thời gian qua đã bị lấy trộm. Ban tế tự cũng mong có sự phối hợp với chính quyền địa phương để quảng bá, bảo vệ, giữ gìn và phát huy hết những giá trị tốt đẹp của ngôi đình. 

Dinh Vạn Thủy Tú

Một địa điểm di tích cũng thuộc phường Đức Thắng nữa là Vạn Thủy Tú. Vạn được thiết lập vào năm Nhâm Ngọ (1762), gồm 3 nóc nhà cổ và lớn theo thứ tự: võ ca, chính điện và nhà thờ tiền hiền bố trí theo dạng hình chữ Tam, mặt chính trở về hướng đông. Lúc mới xây dựng cửa dinh sát ngay bờ biển, ngày nay biển đã lùi xa hơn 100m.Dinh vạn đã được Nhà nước xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia vào năm 1996.

Đến tham quan, sau khi mua vé vào cửa, du khách sẽ được hướng dẫn thăm phòng trưng bày cốt ông Nam Hải - nơi lưu giữ bộ xương cá ông khổng lồ với chiều dài 22m, nặng 65 tấn, được phục dựng gần như nguyên vẹn.

Đi tiếp vào bên trong là chính điện đặt khám thờ thần Nam Hải với pho tượng cổ bằng đất nung rất lớn, sau lưng tượng vẽ một chữ “Thần”. Gian bên hữu thờ bà Thủy thần, bên tả thờ Tổ nghề biển cùng với những pho tượng cổ bằng đất nung. Hàng chục bức hoành phi, liễn đối có niên đại nửa cuối thế kỷ XVIII chạm nổi, nội dung ca ngợi các vị thần Nam Hải và các bậc tiền bối đã phò trợ cho ngư dân làm ăn yên ổn. Nhiều bao lam, thành vọng khắc bằng kỹ thuật chạm lộng phủ xuống các khám thờ mềm mại như những bức lụa.Nhà Tiền hiền đặt 3 khám thờ các vị tiền hiền, hậu hiền của làng ngư. Diện tích còn lại để trống dùng làm nơi nhóm họp của ngư dân trong các kỳ tế lễ.

Điểm khác biệt với ngôi đình ở đây là khoảng giữa (tiếp nối) vách sau chánh điện với vách tường trước của nhà thờ Tiền hiền được xây rộng ra và bao kính làm thành ngôi tẩm để chứa nhiều bộ xương Ông từ ngày lập vạn Thủy Tú. Những tẩm bên cạnh chứa gần 100 bộ xương khác, có bộ xương rất lớn và quá nửa có niên đại hơn 100 năm. Nhà võ ca trước đình thờ thần có cấu trúc như nhà võ ca của những ngôi đình thường thấy, nhưng trang trí bên trong rộng và thoáng cho phù hợp với lễ hội cầu ngư và những lễ nghi, tín ngưỡng dân gian của nghề biển. Phía trước có khoảng đất rộng để mai táng cá Ông bị dạt từ ngoài biển vào, mỗi lần mai táng xong sau 3 năm mới “thượng cốt nhập tẩm”.

Ở Dinh Vạn Thủy Tú còn có một chuông đồng cổ, với hình dáng, kiểu cách đúc lạ, khác hẳn các chuông đồng khác ở các đình, chùatrong tỉnh. Chiếc chuông này được đúc vào thời Tự Đức do ngư dân của vạn đóng góp. Trên thân chuông khắc chìm nhiều phong cảnh và dòng chữ Hán ghi niên đại.

Theo ông Huỳnh Giác – Vạn trưởng Vạn Thủy Tú: Dinh Vạn Thủy Tú được ngư dân vùng biển coi như nơi tôn thờ Thủy tổ nghề biển, có quy mô đồ sộ, trang nghiêm trong vùng. Chưa có nơi nào có lượng sắc phong nhiều như ở đây. Riêng đời vua Thiệu Trị (1841 - 1847) đã cấp 10 sắc thần và hiện các sắc thần này đều được bảo quản tốt. Hàng năm có 3 lễ chính vào ngày 20 – 21 âm lịch là lễ tế xuân đầu năm, 20 – 21/4 âm lịch lễ cầu ngư đầu mùa, 20- 21/6 âm lịch lễ cầu ngư chính mùa và 3 năm sẽ tổ chức đáo lễ một lần. Ở kỳ đáo lễ này, bà con tổ chức các nghi thức cúng tế trang trọng, có phần hát bội, hát bả trạo, các trò chơi dân gian… Hiện số lượng thanh niên trai tráng trong làng theo nghiệp biển không còn nhiều, thêm vào đó đời sống của ngư dân còn khó khăn nên các dịp tế lễ tuy vẫn giữ được những nét trang nghiêm nhưng không còn đông vui như ngày xưa.

Thục Anh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nét đẹp của đình làng, dinh vạn ở Phan Thiết