Theo dõi trên

Nghe giáo sư Hoàng Chí Bảo kể chuyện Bác Hồ

24/05/2018, 09:14

BT- Giáo sư Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, thành viên Hội đồng Lý luận Trung ương, với hơn 40 năm nghiên cứu về cuộc đời, tư tưởng, sự nghiệp của Bác Hồ, đã có nhiều chuyên đề và kể nhiều câu chuyện về Bác. Mỗi chuyên đề hay câu chuyện về Bác đều mang một cảm xúc khác nhau, khiến cho người nghe vô cùng xúc động. Trong tư liệu về Hồ Chí Minh dưới dạng chuyện kể mà giáo sư nghiên cứu, có đến hàng vạn tư liệu, từ thời thơ ấu, thời niên thiếu, khi Người trưởng thành là một thanh niên sống có lý tưởng đến khi trở thành lãnh tụ, thành danh nhân. Đó là tiểu sử của Bác Hồ nhưng thật chi tiết trên các lĩnh vực của đời sống, về hoạt động cách mạng, đến những sinh hoạt đời thường cho đến những năm tháng cuối đời Bác viết di chúc, đó còn là những nguồn tư liệu mới và quý về Bác Hồ.

Mở đầu là quãng đời tuổi thơ của Bác với nhiều gian khổ, 10 tuổi, Người đã mồ côi mẹ. Mẹ Bác, bà Hoàng Thị Loan mới 33 tuổi đã mất. Cái chết của mẹ làm Bác đau đớn suốt đời. Mẹ Bác mất ở ngoại ô thành phố Huế, người mẹ đã sinh thành cho Tổ quốc một người con vĩ đại. Bố của Bác là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, một ông quan thanh liêm, cương trực trong triều đình nhà Nguyễn. Sau đó là một cuộc ra đi tìm đường cứu nước. Chuyến đi dài 30 năm trong thế kỷ XX, đi qua gần 40 nước khác nhau trên thế giới, làm đủ mọi nghề để sống, để tồn tại, để tranh đấu. Cuộc đời của Bác vô cùng gian lao sóng gió, người ta gọi Bác là người chiến sĩ vô sản hóa đầu tiên trong lịch sử Đảng ta là như vậy. 21 tuổi, Bác có mặt ở khắp các châu lục: châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ. Chỉ bằng con đường tự học, Bác làm cho thế giới kinh ngạc về trí tuệ mẫn tiệp, sự uyên bác về mọi phương diện. Hồ Chí Minh đã tiếp thu văn hóa Đông Tây – hai nền văn hóa lớn của nhân loại – tinh hoa rực rỡ nhất để làm giàu trí tuệ của mình và làm cho dân tộc Việt Nam rạng danh trên thế giới.

Do đi nhiều nước và muốn tìm hiểu văn hóa, tư tưởng của các nước, nên về ngoại ngữ, chúng ta đã từng nghe Bác Hồ biết nhiều thứ tiếng, nhưng theo nghiên cứu của giáo sư Hoàng Chí Bảo, thì sau Ăng-ghen, người đứng đầu trong số các lãnh tụ của thế giới – làm chủ 35 thứ tiếng, còn Bác Hồ của chúng ta – Người làm chủ 29 ngoại ngữ. Bác biết 29 thứ tiếng là không kể tiếng dân tộc thiểu số. Khi Bác đến Sơn La vào những ngày sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, Bác nói chuyện với đồng bào Sơn La toàn bằng tiếng Thái (Bác học tiếng Thái khi còn ở Thái Lan) bằng ngôn ngữ của chính họ, nên có sức thuyết phục lớn.

Trong chiến khu Việt Bắc, một lần Bác mời đoàn điện ảnh Xô Viết làm phim về kháng chiến để thế giới ủng hộ chúng ta, để mở đường liên lạc với thế giới khi chúng ta đang bị cô lập ở núi rừng Việt Bắc. Lúc này không ai biết tiếng Nga để dịch nên Bác phải đứng ra dịch. Tiếng Nga Bác đọc rất chuẩn xác và tinh tế đến mức người Nga thực thụ phải kinh ngạc. Trong những ngoại ngữ thì tiếng Hán ngấm vào máu thịt của Bác. Bác làm thơ tiếng Hán như tiếng Việt. Năm 1960 đúng dịp Đại hội Đảng Bác mời Tổng thống một nước ở châu Phi sang thăm Việt Nam. Bạn đã thông báo cho ta là ông Tổng thống này nói tiếng Pháp (châu Phi là thuộc địa của Pháp) nói nhanh và khó dịch lắm, cho nên phải tìm người phiên dịch giỏi mới có thể giúp Bác tiếp khách được. Thời bấy giờ tìm được người giỏi ngoại ngữ không phải dễ, nhất là tiếng Pháp, cuối cùng Bộ Ngoại giao cũng thu xếp được. Cẩn thận như vậy mà đến lúc ông Tổng thống sang Việt Nam mới có mươi phút đầu, người phiên dịch mồ hôi vã ra như tắm, căng thẳng không dịch được. Bác thấy một là dịch không thoát ý, hai nữa là dịch không chính xác, Bác nhìn người phiên dịch vất vả Bác thương lắm, Bác nói nhỏ: “Thôi chú nghỉ đi để Bác giúp cho”. Bác dịch suốt từ đầu đến cuối, kể cả bữa tiệc tiễn Tổng thống về nước…

Về tên của Bác: Trong nhiều mẫu chuyện giáo sư Hoàng Chí Bảo kể về cuộc đời Bác, Bác dùng rất nhiều bút danh, bí danh, rất nhiều tên khác nhau. Cho đến bây giờ các nhà nghiên cứu thống kê số liệu mới nhất, Bác có 175 bút danh và bí danh khác nhau. Riêng sự nghiệp báo chí, Bác viết hàng nghìn bài báo cho báo Đảng (chưa kể báo chí trong nước và quốc tế), Bác đã dùng 88 bút danh khác nhau, những bút danh Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh… đã đi vào lịch sử rất quen thuộc. Bác còn là một nhà thơ, một nghệ sĩ, cho nên Bác dùng rất nhiều tên của con gái làm bí danh cho mình: Thu Hương, Phong Lan, Thu Lan, Diệu Hương… Các nhà nghiên cứu bây giờ mới thấy Bác Hồ có cả một cuộc sống gần như huyền thoại. Một lãnh tụ trở thành huyền thoại từ khi còn sống – đây là hiện tượng rất hiếm của lịch sử.

Giáo sư Hoàng Chí Bảo kể: Lúc sinh thời Bác ưa hai loài hoa: Hoa hồng đỏ và hoa huệ. Hoa hồng đỏ là tượng trưng cho màu đỏ của cách mạng thắng lợi, Bác là con người lạc quan, không bao giờ mất niềm tin. Hoa hồng đỏ Bác vẫn dùng để tiếp khách quốc tế trong các ngày lễ, hội. Hoa huệ, màu trắng tinh khiết, ban đêm tỏa hương thơm thánh thiện, là hoa tang, hoa để thờ ông bà cha mẹ, người thân đã khuất. Lúc sinh thời, trong phòng làm việc của Bác luôn có một bình hoa hồng và một bình hoa huệ. Khi là Chủ tịch nước, đọc Tuyên ngôn Độc lập năm 1945, trong Tết Bính Tuất năm 1946, Bác cải trang, đội khăn xếp, mặc áo the, quần nâu áo vải, khoác tay nải trên vai ra chợ Đồng Xuân, Bác mua mấy bông huệ về thắp hương cho mẹ. Hoa huệ cũng gắn với một kỷ niệm rất riêng tư của Bác. Tên loài hoa trùng với tên của một người con gái xinh đẹp đó là Lê Thị Huệ – người yêu của Bác hồi 20 tuổi (đây là mối tình thầm lặng không ai nói với ai một câu nào, kể cả khi Bác bước chân xuống bến cảng Nhà Rồng).

Ở Phan Thiết, từ những năm 1978 – 1982, sau khi phục dựng xong Khu di tích Dục Thanh, trong khuôn viên có một khu chuyên trồng bông huệ để đơm ở bàn thờ Bác, sau này không còn trồng nữa. Nhưng từ đó đến nay trên bàn thờ Bác Hồ ở Bảo tàng Hồ Chí Minh không phải chỉ có những ngày lễ, tết mà bất cứ lúc nào cũng có một bình bông huệ.

Ngoài những câu chuyện của giáo sư Hoàng Chí Bảo kể về Bác Hồ, còn nhiều nhà nghiên cứu, nhà thơ, nhà văn, thư ký của Bác, trong đó có nhà văn Sơn Tùng với khối lượng tác phẩm văn học khoảng 40 đầu sách, hơn 20 đầu sách viết về Bác Hồ nhưng không bao giờ viết về Bác hết được, bởi như ông đã nói “chuyện Bác Hồ dẫu trăm năm vẫn không thấu ngọn nguồn”.

Trên đây là những tư liệu trích từ trong các chuyên đề, câu chuyện của giáo sư Hoàng Chí Bảo kể về Bác Hồ, nội dung của nó đã góp phần làm lan tỏa các giá trị văn hóa Hồ Chí Minh đến với người dân. Thiết nghĩ, việc tìm hiểu, nghiên cứu về Bác Hồ là công việc của nhiều người, nhiều thế hệ, mỗi người từ một góc nhìn khác nhau sẽ làm sáng tỏ, phong phú hơn về thân thế, sự nghiệp của Bác, đưa các giá trị văn hóa Hồ Chí Minh đến với mọi người dân trong nước và bạn bè quốc tế. 

NguyỄn Xuân Lý



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghe giáo sư Hoàng Chí Bảo kể chuyện Bác Hồ