Theo dõi trên

Nghệ sĩ đất - Hồ Thái Thiết

02/12/2016, 10:06 - Lượt đọc: 1,974

BT- Thật, những tác phẩm điêu khắc của anh, kể cả tượng đài, khi triển lãm hay ra mắt công chúng, đều được thể hiện bằng nhiều chất liệu khác nhau. Nhưng từ lúc đầu tiên, lúc manh nha, khởi thủy - là giai đoạn cực kỳ quan trọng - cho đến khi định hình và hoàn chỉnh tác phẩm. Tóm lại, từ phác thảo cho đến khi hoàn thành, anh hoàn toàn thao tác trên đất sét. Sau đó, công việc còn lại chỉ là vấn đề kỹ thuật: Anh sẽ dùng tác phẩm đất sét ấy, tạo “khuôn” âm bản. Rồi tùy theo nhu cầu để cho ra đời bằng những chất liệu: thạch cao, xi măng, đồng, composite, đất nung hay các chất liệu tổng hợp khác…

                
Anh Hồ Thái Thiết bên tác phẩm.

Gọi anh là “nghệ sĩ đất” là vậy. Vì cũng có những nghệ sĩ khác, thực hiện tác phẩm điêu khắc không theo cách trên, mà đục thẳng vào đá hay gỗ. Còn ở nghệ thuật sắp đặt hiện đại, người ta dùng những kim loại và đủ thứ phế liệu “quái dị” của thời đại công nghiệp, thì chất liệu đất sét có vẻ “cổ hủ”.

Gọi anh là “nghệ sĩ đất” vì ít thấy ai có một tình yêu với đất sét như anh. Anh bảo: “mỗi khi sờ vào cục đất sét mát lạnh mình lại quên đi mệt mỏi, buồn phiền. Lại muốn lao vào sáng tác. Lại muốn bóp bóp, nắn nắn”.

Anh là Hồ Thái Thiết, sinh ở làng Thanh Lương, xã Chí Công, Tuy Phong. Một vùng biển nghèo của Bình Thuận. Chính cái cảm thức ấu thơ của quê hương nghèo khó, khắc nghiệt, đầy nắng và gió, của một thời chiến tranh loạn lạc, một vùng đất cũng gần gũi với nền văn hóa Chămpa, u hoài, trầm mặc... tất cả, sau này đều thấp thoáng trong các tác phẩm của anh. Những nét khắc khoải, trầm buồn hay bi tráng ẩn hiện trong các nhân vật điêu khắc. Dù là Việt hay Chăm. Dù là tượng, phù điêu hay tượng đài. Ngay cả những tác phẩm có chủ đề hội hè, vui tươi, sôi động như: “Chợ tết”, “Ngẫu hứng”, “Âm vang ngày hội”, “Ngẫu hứng Baranưng”… cũng man mác một cảm giác bâng khuâng, sâu lắng.

Có nhà phê bình nhận xét: “Hồ Thái Thiết là một phong cách Chăm thứ thiệt”. Nghĩa là anh sở trường về đề tài Chăm. Điều ấy không sai. Nhưng theo tôi chưa đủ. Vùng đất Bình Thuận, Ninh Thuận có lẽ là nơi đậm nét nhất nền văn hóa Chăm. Nơi vẫn còn một bộ phận dân tộc Chăm sinh sống, với những phong tục, tập quán đặc thù, riêng biệt, hòa vào nền văn hóa đa dạng Việt Nam. Văn nghệ sĩ khi tiếp cận, khám phá một nền văn hóa phong phú và độc đáo như thế, như cá gặp nước, không lý do gì không khai thác để sáng tạo. Đó là lý do ở hai vùng đất này, có nhiều tác phẩm giá trị về chủ đề Chăm. Không chỉ mỹ thuật mà còn ở các loại hình nghệ thuật khác như âm nhạc, múa hay nhiếp ảnh…

Hồ Thái Thiết cũng thế. Từ nhỏ gần gũi với đồng bào Chăm. Lớn lên học chính quy mỹ thuật, chuyên ngành điêu khắc, có thời gian làm  bảo tồn bảo tàng. Có điều kiện tiếp xúc, nghiên cứu biết bao di tích, đền tháp, cổ vật, đồ gốm, phù điêu… Tóm lại, những vật thể của nền văn hóa Chăm, lại rất gần gũi với lĩnh vực điêu khắc của anh, nên đã thân thuộc và ngấm vào anh thành niềm đam mê, thành cảm hứng sáng tác. Cộng với tài năng, sự miệt mài cần cù, nên đã cho ra đời những tác phẩm đậm hồn vía Chăm, thì đó cũng là lẽ tự nhiên.

Phải gọi anh là “một phong cách thuần Việt” mới đúng. Và những tác phẩm rất thành công của anh không phải lúc nào cũng lấy đề tài Chăm. “Trầu cau” là một ví dụ. Qua tác phẩm này cho thấy sự tìm tòi, bứt phá của anh về hình thức thể hiện. Nó hòa quyện tinh tế giữa tả thực (Réalism) và tượng trưng (Symbolism) cách điệu và khái quát cao độ. Rất hiện đại mà vẫn rất dân tộc. Sự giản dị của nó khiến tôi liên tưởng đến phong cách điêu khắc của Điềm Phùng Thị, của các trào lưu hiện đại như nghệ thuật sắp đặt (Installation Arts) nghệ thuật trình diễn (Performance Arts). Tuy nhiên, tôi cảm giác, các trào lưu trên cũng như điêu khắc Điềm Phùng Thị có vẻ “tây” quá. Còn ở “Trầu cau” trong cái hiện đại tôi vẫn cảm nhận cái gì đó mộc mạc, chân quê và rất Việt Nam. Tác phẩm đã đoạt giải A triển lãm khu vực của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Rồi “Chợ tết”, “Tình biển”, “Thiếu nữ và hoa sen”. Có hai tác phẩm bàng bạc chất thơ: “Thì thầm” và “Một nửa lời ru” và mới đây là “Biển động”. Tất cả đậm đà một phong cách thuần Việt.

Với đề tài Chăm, trong hai tác phẩm “Ngẫu hứng” và “Ngẫu hứng Baranưng”, tôi đặc biệt ấn tượng và thích thú với “Ngẫu hứng”. Cụm tượng thể hiện hai nhạc công Chăm, một ngồi, một đứng trong một tư thế, dáng điệu rất độc đáo. Tất cả được sắp xếp trong một bố cục hoàn hảo. Khỏe khoắn mà lả lướt, thô mộc mà mềm mại. Nó cho thấy sự tài hoa và tinh tế của tác giả: cách điệu đúng chỗ, khái quát hợp lý. Ta như cảm được cái khoảnh khắc ngẫu hứng, xuất thần và thăng hoa của hai nhân vật. Chọn cái tựa “Ngẫu hứng” quả là đắc địa. Tác phẩm cũng được tặng thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam.

Nói điêu khắc là phải nói đến tượng đài. Với tính chất quy mô, đồ sộ, hoành tráng và trường cửu. Tượng đài là nghệ thuật tổng hợp giữa kiến trúc xây dựng và điêu khắc. Xử lý không gian và môi trường cảnh quan. Tượng đài là nơi thử thách tài năng, bản lĩnh, bộc lộ sở trường, sở đoản, thể hiện “đẳng cấp” của người nghệ sĩ điêu khắc. Ở lĩnh vực này, Hồ Thái Thiết cũng có những công trình đáng ngưỡng mộ. Những tượng đài mang tính lịch sử. Đó là tượng đài “Chiến thắng dốc Hội Long” đặt ở quê hương xã Chí Công của anh. Tượng đài “Chiến thắng Ngã Hai” ở Hàm Thuận Nam. Tượng đài “Giao liên” ở Bưu điện Bình Thuận. Hai tượng đài ở Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh. Rồi mảng phù điêu lớn thể hiện một thời kỳ lịch sử ở xã Bình Thạnh, Tuy Phong.

Đặc biệt cụm tượng đài kỷ niệm ở Phan Rí Cửa, ghi lại tội ác giặc Pháp đã tàn sát 300 người, trong một cuộc chiến đấu của người dân bảo vệ quê hương. Tượng đài cao hơn 10 m, gồm bốn nhân vật. trong đó một thanh niên đang bồng xác mẹ, nằm rũ rượi trên đôi tay, mà khuôn mặt hằn nét đau thương và căm hờn. Một tượng đài đậm chất bi tráng.

Không thể liệt kê hết vô số tác phẩm lớn nhỏ của anh. Bởi chính anh cũng không nhớ hết. Trong quá trình sáng tác, anh cũng đã “ẵm” về nhiều giải thưởng, từ trung ương đến địa phương. Đến nay anh đã được 10 giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam, ủy ban tỉnh, Hội Văn học Nghệ thuật, trong đó đã 2 lần được giải Dục Thanh của Bình Thuận.

Có thể nói, anh là một điêu khắc gia đúng nghĩa và hiếm hoi của quê hương Bình Thuận. Điêu khắc gia đúng nghĩa, theo tôi phải có khả năng làm tượng đài, thực hiện được những công trình lớn, quy mô và đồ sộ. Biết tính anh tếu táo, khôi hài, tôi hay đùa: “Anh thuộc dạng động vật quý hiếm của quê hương Bình Thuận. Xứng đáng đưa vào sách đỏ”.

Tài năng và nổi tiếng là vậy, nhưng trong cuộc sống, anh hiền hòa và khiêm cung, ân cần với mọi người. Cuộc sống anh cũng trải qua bao thăng trầm, bĩ cực. Nhưng trong hoàn cảnh nào, thấy anh vẫn lạc quan, thanh thản. Đằng sau sự hài hước, hóm hỉnh, hay đùa tếu là một tính cách thâm trầm, tế nhị và hồn hậu. Ở anh còn có một đức tính nữa mà tôi hơi bị lạ, đó là một tình yêu với… đất sét.

Có một kỷ niệm ngộ và vui trong cái chuyện yêu đất sét của anh. Trong chuyến đi trại sáng tác Tam Đảo gần đây, đoàn phải đi máy bay. Hành lý quy định mỗi người chỉ được 7 kg. Vậy mà anh đã mang theo một một cục đất sét hết 4 kg. Đối với giới điêu khắc, với tính đặc thù nghề nghiệp, khi đi trại sáng tác chủ yếu để nạp năng lượng, tìm cảm hứng hoặc làm phác thảo trên giấy. Không thể và cũng không nhất thiết phải mang theo vật liệu, đồ nghề lỉnh kỉnh như thế, nhất là mang lên máy bay. Hơn nữa anh cũng đã chuẩn bị trước và đã chụp ảnh một số phác thảo hoàn chỉnh để nộp trại. Ở phi trường, an ninh sân bay ngạc nhiên khi phát hiện trong hành lý anh một “vật lạ”, bọc nylon cẩn thận. Chất nổ chăng? Một loại ma túy mới chăng? Họ chất vấn. Báo hại anh phải ra sức giải thích. Rồi khi biết chắc đó chỉ là đất sét, có vẻ họ vẫn chưa hết nghi ngại, băn khoăn. Chắc họ nghĩ: Lão này mang theo đất sét để làm cái quái gì? Rồi thời gian ở Tam Đảo, với cục đất sét nhỏ bé ấy, anh lại loay hoay với các phác thảo, thể hiện các ý tưởng vừa chợt hiện đến, lại nắn nắn, bóp bóp. Xong cái này, nhồi đất lại, tạo ra cái khác. Để rồi một tác phẩm mới được định hình là “Biển động”.

Anh, giờ cũng sắp bước qua ngưỡng cửa cổ lai hy, nhưng có vẻ vẫn còn sung sức trên con đường sáng tạo phía trước, vẫn đam mê và luôn tìm tòi. Lần gặp mới đây, thấy anh đang thể nghiệm một hình thức mới: đó là kỹ thuật “gò đồng”. Anh cũng tâm sự, chia sẻ những ý tưởng, những dự định, những tác phẩm thai nghén. Tôi tin điều đó. Và trước khi các tác phẩm ấy ra đời, với những chất liệu khác nhau. Tôi lại thấy anh, hồn nhiên như một cậu bé nhà quê mê đất, thích nghịch đất, vui đùa với đất, để thỏa mãn niềm vui được sáng tác. Được sờ tay vào cái mát mát, lạnh lạnh của đất và được nắn nắn, bóp bóp.

Lương Minh Vũ



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghệ sĩ đất - Hồ Thái Thiết