Theo dõi trên

Nghệ sĩ Nguyễn Văn Bửu: Một người con của đất Bình Thuận

08/06/2018, 08:49

BT- Một sáng đầu tháng 6/2018, chúng tôi tìm đến thăm nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Bửu tại quán cà phê Ảnh đối diện với Trung tâm Thương mại Thanh Hà, TP. Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận. Quán cà phê của gia đình ông trở thành nơi gặp gỡ trao đổi chuyện nghề của giới nghệ sĩ từ Bình Thuận ra, từ Khánh Hòa vào giao lưu chia sẻ kinh nghiệm sáng tác. Suốt một đời cầm máy ảnh của nghệ sĩ Nguyễn Văn Bửu là hành trình  “rong chơi” với ánh sáng, với cái đẹp giữa thế giới nhân sinh.

                
Khinh khí cầu ở khu du lịch Mũi Né.    

Người con xứ biển La Gi

Ít ai ngờ nghệ sĩ Nguyễn Văn Bửu - người giữ lửa phong trào sáng tác ảnh nghệ thuật tỉnh Ninh Thuận hiện nay là người con của xứ biển La Gi. Thời trai trẻ ông theo học nghề nhiếp ảnh tại Salon Hồng Anh trên đường Gia Long (nay là đường Nguyễn Huệ, Phan Thiêt). Trong suốt 60 năm cầm máy, tuy bước vào độ tuổi của những người “xưa nay hiếm” nhưng sức sáng tạo của ông vẫn tràn đầy theo dòng chảy nhịp sống đời thường. Có lúc ông cùng bạn nghề lặn lội ra các tỉnh phía Bắc “bấm máy” khoảnh khắc sương sớm huyền ảo núi đồi Sa Pa. Khi lên Đắk Lắk thu vào ống kính lễ hội cồng chiêng đồng vọng thao thức núi rừng đại ngàn Tây Nguyên. Có lúc ông xuôi về các tỉnh miền Tây Nam bộ với nhịp sống đời thường trên những chiếc xe lôi đạp, xe lôi đẩy tại thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang. Hoặc trở về quê hương Bình Thuận bấm máy ghi lại khoảnh khắc đẹp các làng biển La Gàn, Mũi Né, La Gi…

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Bửu thiên về nét đẹp phong cảnh và “đặc tả” chân dung con người các miền quê thuần phác, đôn hậu. Cái nhìn đen láy hồn nhiên của trẻ thơ; chiều về trên bản làng vùng cao; vết chân chim thời gian hằn sâu trên khuôn mặt già làng dân tộc Chăm; nắng sớm trên Đầm Nại; đồi cát thơ mộng Nam Cương in dấu chân trần thiếu nữ Chăm tươi thắm xiêm y; Tháp Poklong Garai chói ngời sắc đỏ trong mùa Lễ hội Ka Tê. Chúng tôi tìm đến ông không chỉ thưởng ngoạn các tác phẩm ảnh nghệ thuật đặc sắc mà vì lòng yêu quý và kính trọng ông, kính trọng một người thầy tận tâm truyền lửa cho các thế hệ học trò đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh. Điều chúng tôi lấy làm thú vị là được ông thân tình cho xem những tác phẩm ảnh nghệ thuật, cho ngắm nghía những chiếc máy ảnh cổ hơn nửa thế kỷ cùng ông đồng hành trên những nẻo đường phiêu bạt của người nghệ sĩ giữa thế giới nhân sinh. Hành trình cuộc “rong chơi” của Nghệ sĩ Nguyễn Văn Bửu được ông thu vào “ống kính” với tất cả tâm hồn đam mê cái đẹp, sáng tạo nghệ thuật bằng chất liệu ánh sáng.

                
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Bửu.    

 Trên đất người

Không chỉ ở Việt Nam, bước chân nghệ sĩ Nguyễn Văn Bửu đã hai lần lữ hành sang đất nước Capuchia và cũng đã từng đến với các danh lam thắng cảnh của nước bạn Lào, Myanmar. Có lẽ ông là nghệ sĩ nhiếp ảnh đầu tiên ở Ninh Thuận đã nhiều lần đến chiêm ngưỡng đền tháp ngàn năm tuổi kỳ vĩ trên đất nước Chùa Tháp và các hoạt động tín ngưỡng tâm linh, sinh hoạt đời thường của người dân Lào, Myanmar. Riêng hai cuộc “rong chơi” về đất nước Chùa Tháp, theo ông là những chuyến đi cho thỏa lòng ấp ủ ước mong một lần đặt chân đến xứ sở đền Angkor kỳ vĩ được UNESCO công nhận là một trong bảy kỳ quan thế giới. Sau những chuyến đi và bấm máy, ông lưu vào thẻ nhớ hàng ngàn bức ảnh độc đáo về tập quán sinh hoạt, phong cảnh thiên nhiên, đền tháp nước bạn Campuchia.

Giữa năm 2015, nghệ sĩ Nguyễn Văn Bửu làm cuộc “rong chơi” sang tận xứ sở Triệu Voi để chụp ảnh lễ hội té nước là phong tục độc đáo của người Lào được diễn ra vào dịp Tết năm mới, trung tuần tháng 4 dương lịch hàng năm. Ông cho biết quan niệm của người Lào là chỉ có nước mới đem lại sự sống và nước sẽ gột rửa hết mọi ưu phiền xấu xa để hồi sinh, đem đến sự sạch sẽ, thanh khiết. Vào ngày đầu tiên của Tết năm mới, người Lào thường quét dọn nhà cửa sạch sẽ, chuẩn bị nước thơm và hoa, sau đó, rước tượng Phật ra một gian riêng và mở cửa để mọi người có thể vào tắm Phật. Mọi người còn té nước vào các nhà sư, chùa và cây cối xung quanh chùa. Để tỏ lòng tôn kính, người trẻ tuổi té nước những người lớn tuổi để chúc sống lâu và thịnh vượng; bạn bè té nước vào nhau. Không chỉ té nước vào người, người ta còn té nước vào nhà cửa, đồ thờ cúng, súc vật và công cụ sản xuất. Người Lào tin rằng nước sẽ giúp gột rửa điều xấu xa, bệnh tật và cầu chúc năm mới sống lâu, mạnh khỏe. Ông say mê ghi vào ống kính lễ hội té nước tại cố đô Luang Prabang thể hiện nét đặc trưng với các hoạt động: Thỉnh tượng Phật vàng, dâng lễ cúng Phật, mua sắm lễ vật, diễu hành đường phố, té nước…

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Văn Bửu vừa làm cuộc “rong chơi” sang tận xứ sở Chùa Vàng. Ông chia sẻ, Myanmar là quốc gia có diện tích tự nhiên lớn nhất vùng Đông Nam Á, khoảng 670 triệu km2 và dân số trên 50 triệu người. Myanmar tín ngưỡng Phật giáo với nhiều chùa tháp nguy nga, tráng lệ thu hút đông đảo du khách đến tham quan. Đặc biệt ngôi chùa Shwedagon Zeli - Daw toạ lạc uy nghi trên ngọn đồi Shinguttara thuộc Yangon. Ngôi chùa này còn được gọi là Chùa Vàng (Golden Pagoda), nơi có ngôi tháp trung tâm dát vàng, chung quanh là quần thể gồm hàng trăm ngôi chùa mái cong, lộng lẫy với những tượng Phật bằng vàng ròng, ngọc quý, đồng đen mạ vàng được điêu khắc và chạm trổ cực kỳ tinh xảo. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất trên thế giới với khoảng 2.500 năm tuổi. Phụ nữ và trẻ em Myanmar thường trang điểm bằng một loại bột kem màu vàng nhạt được hòa từ cây thanakha mài với nước, bôi lên má và trán, có tác dụng chống nắng và dưỡng da, trông thật độc đáo và ngộ nghĩnh. Từ ngôi Chùa Vàng đến hình ảnh phụ nữ, trẻ em và các hoạt động tín ngưỡng tâm linh, nhịp sống đời thường của người dân Myanmar được nghệ sĩ Nguyễn Văn Bửu thu vào ống kính với góc nhìn sắc màu tươi mới, ánh sáng lung linh…

Trong cuộc đời sáng tạo nghệ thuật ánh sáng của mình, nghệ sĩ Nguyễn Văn Bửu có nhiều tác phẩm nhiếp ảnh triển lãm trong nước và quốc tế. Trong đó có các tác phẩm tiêu biểu là Hoài niệm triển lãm tại Cộng hòa Áo năm 2000; Mẹ Raglai triển lãm tại Cộng hòa Séc năm 2000; Chị em triển lãm tại Hoa Kỳ năm 2010. “Nghệ thuật nhiếp ảnh và lòng đam mê cái đẹp đã thấm sâu vào máu thịt từ thời trai trẻ ở xứ biển La Gi tới giờ nên còn sức khỏe là tôi còn “rong chơi” bấm máy cùng bạn bè. Qua đó vừa tạo niềm vui trong cuộc sống vừa góp phần “giữ lửa” phong trào sáng tác nhiếp ảnh trên quê hương hai tỉnh Bình Thuận - Ninh Thuận thân yêu”, ông cười hồn hậu chia sẻ.

Thái Sơn Ngọc



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghệ sĩ Nguyễn Văn Bửu: Một người con của đất Bình Thuận