Theo dõi trên

Nghề truyền thống tất bật vào xuân

24/12/2019, 09:13

BT- Để chuẩn bị nguồn hàng cho Tết Nguyên đán, các gia đình còn giữ nghề đóng cốm, làm bánh tráng truyền thống lại tất bật chuẩn bị hàng hóa để kịp mang đến cho mọi người những sản phẩm đặc sắc của địa phương.

 Theo phong tục ngày tết ở Bình Thuận, các gia đình đều chuẩn bị sẵn nồi thịt kho măng cùng xấp bánh tráng đãi khách. Món bánh tráng cuốn măng đậm đà in sâu trong ký ức của mỗi người, để mỗi dịp tết đến xuân về, dù có xa bốn phương trời, người ta lại vin vào đó trở về với nguồn cội. Các làng nghề bánh tráng nổi tiếng trong tỉnh như Phú Long, Bắc Bình những ngày này người ra vào hối hả, tấp nập. Đa số các hộ làm nghề đã áp dụng phương thức sản xuất bằng máy ở tất cả các khâu, từ khuấy bột, tráng bánh, cắt bánh… thay vì sản xuất thủ công như trước, vì thế năng suất tăng cao.

Tranh thủ những ngày nắng, 8 công nhân tại cơ sở sản xuất bánh tráng Năm Huệ (Hàm Thắng, Hàm Thuận Bắc) liền tay phơi, sắp bánh, đóng gói. Mỗi ngày cơ sở làm hơn 300 kg bột, đến đầu tháng 12 âm lịch sẽ tăng lên 600 kg. Bà Nguyễn Thị Huệ - Chủ cơ sở cho biết: Ngoài thị trường có nhiều loại bánh tráng cho khách hàng lựa chọn, nhưng bánh tráng do người địa phương sản xuất vẫn được ưa chuộng hơn do còn giữ hương vị riêng. Với tỷ lệ pha chế giữa gạo, bột, mè hợp lý, cộng thêm phơi đủ nắng, không quá giòn, khiến chiếc bánh dai, thơm ngon. Từ những chiếc bánh được tráng bằng tay của 40 năm trước, cho đến nay sản xuất bằng máy, bà Huệ luôn ý thức an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất. Vì thế trước đây bà lấy gạo từ nhà trồng, bây giờ thì lấy ở Công ty Bột mì Đại Nam (Vĩnh Long). Những xấp bánh tráng mè mỏng cứ thế theo xe ra tới Ninh Thuận, Khánh Hòa, rồi ngược lên Lâm Đồng, Đồng Nai. Và 5 năm nay có mặt trên các kệ hàng của siêu thị Co.op mart Phan Thiết, La Gi.

Phải hơn 1 tuần nữa mới bắt tay vào sản xuất ồ ạt, theo như cách nói của ông Lê Tấn Cường - chủ cơ sở cốm Hòa Hiệp (KP3, phường Đức Thắng, TP. Phan Thiết), nhưng thời điểm này, tất cả các kho chứa nguyên liệu, giấy báo, thậm chí nhân công đều được thuê mướn, chuẩn bị sẵn để kịp đóng, xuất hàng. Theo ông Cường: Bên cạnh mâm ngũ quả, cặp bánh in thì trên bàn thờ gia tiên không thể thiếu những hộc cốm, đây là nét văn hóa riêng của vùng đất này.

Cốm hộc loại dẻo được đóng từ loại nếp trồng ở vùng đất Hàm Thuận Bắc, kết hợp với vị bùi của thơm, gừng, lại đóng chặt tay nên có thể chưng trong thời gian 3 tháng. Còn với cốm sấy là sự pha trộn giữa nổ, sữa và nước cốt dừa. Sau khi đóng hộc, cốm được đưa ra phơi nắng trong vòng 5 tiếng, rồi đưa vào lò sấy bằng than thay vì bằng điện để giữ hương vị của nguyên liệu, rồi mới bao các lớp giấy màu xanh, đỏ bên ngoài. Mỗi bịch có giá từ 18.000 - 28.000 đồng, tùy theo chất lượng cốm.

Chứng kiến những người thợ hối hả làm việc quên cả thời gian, chuẩn bị đủ số lượng hàng hóa, cũng như không quên an toàn vệ sinh, đảm bảo chất lượng sản phẩm, chúng tôi thấy dường như tết đã về chạm ngõ.

T.Anh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghề truyền thống tất bật vào xuân