Theo dõi trên

Nghĩ về giải truyện ngắn Bình Thuận mở rộng 2018

14/12/2018, 08:27 - Lượt đọc: 156

 Cảm xúc và trách nhiệm dưới chao đèn

BT- Các tiêu chí của cuộc thi giải truyện ngắn Bình Thuận mở rộng 2018, như quê hương, xây dựng, phát hiện… tất nhiên được đưa ra đầu tiên, nhưng các thành viên giám khảo đều hiểu và nhất trí với nhau cái tiêu chí cuối cùng của giải lần này là tìm ra truyện ngắn hay. Tính từ “hay” thật ra rất khó nói rạch ròi, nó còn tuỳ thuộc vào quan điểm thẩm mỹ, quan niệm về truyện ngắn và cả cái cách tiếp xúc, chạm được từng chất giọng. Đã nhiều lần tôi tham dự các cuộc hội thảo, các trại sáng tác, các nhà văn cũng thường đặt ra câu hỏi: “Thế nào là truyện ngắn hay?”. Trước hết truyện ngắn phải đúng là truyện ngắn, nó không phải là câu chuyện như nhiều người nhầm lẫn. Một truyện ngắn hay phải là một tác phẩm nghệ thuật, khi đọc thì xúc động, khi nghĩ thì sâu xa. Một truyện ngắn hay phải là một áng văn hàm súc chất chứa trong nó tính nhân văn cao cả và được viết với một giọng điệu riêng biệt. Một truyện ngắn hay phải là một phát hiện mới về con người và đời sống, nó tạo ra sự chấn động hoặc ám ảnh nơi người đọc…

                
Ảnh minh họa.

Một trong những yếu tố quan trọng để tạo nên một truyện ngắn hay đó là tính độc sáng của tác phẩm, phải tài thì mới độc sáng được, phải tài thì mới nhìn ra cái mới nơi đời sống quen thuộc và chạm được vào tâm hồn người đọc. Và đương nhiên truyện ngắn hay phải có tất cả những phẩm chất mà các ý kiến đã nêu trên đề cập đến. Với tinh thần đó, chúng tôi chờ đợi các tác phẩm dự thi từ mọi miền đất nước gửi về. Ban sơ khảo gồm có nhà văn Đỗ Kim Ngư, ông Nguyễn Văn Hóa - Trưởng ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Bình Thuận và tôi. Thật bất ngờ, sau ngày phát động không xa, chúng tôi đã nhận được những truyện ngắn rất mạnh, mỗi truyện đều có giọng điệu riêng và có sự đầu tư nghiêm túc, tôi đọc say sưa và đánh vào phía sau nhiều dấu cộng, nghĩa là hay, rất hay.

Truyện ngắn “Mặt nạ” của tác giả Đặng Ngọc Hùng chẳng hạn, một kỹ thuật truyện ngắn đạt đến độ nhuần nhuyễn, một đề tài nhân văn và hiện đại, một giọng điệu riêng biệt tạo thành dòng chảy nối nhau bởi ngồn ngộn chi tiết. Vị đắng đót, thói giả trá trộn lẫn trong nhau tạo ra một trường cảm xúc hiệu quả. Chuyện về người em trai và chiếc mặt nạ phòng độc, mặt nạ người trong truyện ngắn “Mặt nạ” đã tạo cho tôi sự hứng thú với mùa giải này ngay từ đầu.

Sau đó là một chặng chùng xuống. Có những truyện tôi phải cố đọc chậm đến lần thứ ba để cố vớt vát nhưng cuối cùng thì đành chịu, nó chưa thành truyện ngắn.

Bỗng tôi đọc đến “Lá thư bị bỏ quên”. Đọc đến lần thứ hai tôi mới xem lại tên Quách Thái Di, một cái tên rất lạ, tôi chưa từng nghe, địa chỉ lại ở Phan Thiết, Bình Thuận. Phát hiện mới khá nặng ký cho cuộc thi này chăng?! Tôi đọc lại bản thảo lần nữa và thêm tin vào phát hiện của mình. Chuyện đơn giản kể về lá thư trong đó có kèm kết quả xét nghiệm bệnh tình của người mẹ gửi cho đứa con gái duy nhất của mình. Do quá bận rộn và cũng không để ý đến lá thư có nét chữ viết địa chỉ nghuệch ngoạc, cô con gái làm ở một trung tâm triển lãm mỹ thuật này đã nhầm với những lá thư góp ý khác mà cho qua lá thư đẫm nước mắt của mẹ mình. Và khi cô bóc được lá thư định mệnh ấy ra thì tất cả đã quá muộn màng, mẹ cô đã nằm yên dưới mồ. Chuyện lấy nước mắt. Truyện viết súc tích.      

“Chiến kê” là tên một truyện ngắn ấn tượng với tôi. Các chi tiết truyện đắt, ngôn ngữ chọn lọc có sự pha trộn giữa ngôn ngữ miền Trung và Nam bộ, mạch truyện hợp lý. Trương Duy Vũ là tác giả ngoài tỉnh đầu tiên gây sự chú ý của tôi, tôi nghĩ tác giả này phải là một người gốc gác miền quê vì cái tình cảm gắn bó, hiểu sâu về vật, về cảnh tới mức ấy chỉ có thể là một người miền quê thứ thiệt.

Bất ngờ lớn là Vu Trầm, một tác giả thơ quen thuộc đột ngột chuyển sang viết văn. “Lì lợm” là truyện ngắn lấy bối cảnh núi Nhọn, sông Dinh thời hậu chiến, đọc là biết ngay Bình Thuận. Vu Trầm có điểm cộng đầu tiên về tiêu chí. Đọc hết truyện, gấp trang viết lại, thấy thương quá đỗi một vùng đất nghèo khổ với bao tàn tích chiến tranh để lại, nghĩ sâu xa hơn, con người Bình Thuận quả thật có một sức sống mãnh liệt. Qua những câu chuyện về cuộc đời của con bò khú ba chân “chúa tể một vùng” mang tên “Lì lợm” và cậu chủ của nó mà cả một vùng đất hiện lên sinh động, đau rát và cả ý nghĩa phản kháng chiến tranh cũng thể hiện ở tầng sâu xa. Hay!  Đọc hết truyện lần nữa thấy cái tình của tác giả chân thật vô cùng. Có văn! Viết có văn khó lắm. Lại thêm một số truyện hay làm cho tôi thích thú cứ đọc đi đọc lại mãi.

Lại thêm những tác giả cả trong và ngoài tỉnh, người được chỗ này thì mất chỗ kia, đề tài dễ gây sự cảm động nhưng mạch văn lỏng lẻo. Có những tác giả đọc xong chỉ thấy chữ, không thấy tình. Có những tác giả viết tốt nhưng vội vàng, thiếu đầu tư. Có những tác phẩm mạch truyện mạnh mẽ, sinh động, chặt chẽ đến hai phần truyện thì bị đuối, rất đáng tiếc…

Thế là vòng sơ khảo tạm ổn với 14 tác giả, 17 tác phẩm đã có được 2 phiếu trở lên. Tưởng không còn trông ngóng gì thêm nữa. Ngay ngày khóa sổ 30/11 (tính tới 0 giờ khuya đó thì mọi truyện ngắn gửi tới đều phạm quy), có thể nói vui là ngay “phút 90 của trận đá bóng”, Lương Văn Lễ mới chịu xuất hiện với truyện ngắn “Thật thà như tình yêu”. Đây là truyện ngắn viết khá có nghề, đạt đến độ tinh tế khi phân tích tâm lý nhân vật, có cái nhìn mới trên một đề tài cũ, có sự nới rộng tính nhân bản của con người. Ấn tượng khá đậm nét. Bỏ phiếu lần nữa. Số tác giả được nâng lên là 15. Số tác phẩm qua sơ khảo được sửa thành 18, tăng 1. 

Mùa vàng bội thu

Qua vòng chung khảo. Đại diện Hội Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh là nhà văn Bích Ngân. Tôi là thành viên chung khảo thứ hai.

Có hai truyện được cả tôi và nhà văn Bích Ngân đánh giá là nổi trội nhất trong 18 tác phẩm vào chung khảo lần này là truyện “Mặt nạ” của Đặng Ngọc Hùng và truyện “Lì lợm” của Vu Trầm. Cả hai truyện đều được xem là truyện “đọc cảm động, nghĩ sâu xa, kỹ thuật nhuần nhuyễn”, ở góc nhìn này thì truyện kia hay hơn, ở góc nhìn khác thì ngược lại. Phải mất cả buổi chiều trao đổi đưa lên hạ xuống chúng tôi mới thống nhất chọn “Lì lợm” vì nó nặng tình và chân thật, không có chi tiết nào bị khiêng cưỡng. Nhà văn Bích Ngân nhận xét truyện này:  Truyện “Lì lợm” trội nổi hơn cả so với 18 truyện vào vòng chung khảo ở sự hài hòa giữa nội dung và hình thức thể hiện. Truyện viết chân thực, tạo được cảm xúc ở người đọc và ít nhiều ám ảnh về thân phận con người thời hậu chiến ở vùng đất có sông Dinh, núi Nhọn.

Như vậy giải nhì cũng đã được định đoạt với hai ứng viên nặng ký và đều trọn vẹn cả hai là “Mặt nạ” của tác giả Đặng Ngọc Hùng và “Chiến kê” của tác giả Trương Duy Vũ, một của tỉnh nhà và một là tác giả ngoài tỉnh (Trương Duy Vũ là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên đang dạy học tại TP. Hồ Chí Minh).

3 giải ba cũng ở tình trạng “dư chuẩn”“Lá thư bị bỏ quên” của Quách Thái Di, “Thật thà như tình yêu” của Lương Văn Lễ, “Người đàn bà quỷ ám” của Ngân Kim.

5 tác phẩm khuyến khích cũng nặng ký không kém. Có thể nói nếu không vì chất lượng cuộc thi quá mạnh như vậy thì 5 truyện ngắn này đều xứng đáng với giải cao hơn. Truyện ngắn “Sử làng” của tác giả Nguyễn Thành Tài viết có nghề, có văn với cái nhìn chân thật về lịch sử. Truyện ngắn “Khúc nhạc chiều” của tác giả Võ Nguyên rất cảm động, từ một chi tiết bàn tay mẹ trong bài tập làm văn đã tạo được tình cảm sâu sắc giữa hai thầy trò. “Thế chiến quốc” của tác giả Trần Vũ Minh với mạch văn tuôn chảy rất mạnh, khả năng tái hiện rất tốt. “Cầu mong chút bình yên” của Nguyễn Trung được viết bằng giọng văn sắc sảo. Và “Khỉ trắng” của tác giả Ngô Lạp khá thành công ở đề tài miền núi.

Có thể nói, giải truyện ngắn Bình Thuận mở rộng 2018 là một mùa vàng bội thu, một bất ngờ lớn.  Có hai phát hiện mới là hai cây bút văn xuôi đầy triển vọng của Bình Thuận: Vu Trầm và Quách Thái Di, đó cũng là thành công quan trọng của mùa giải năm nay. Chúc mừng 11 tác giả đạt giải cuộc thi Truyện ngắn Bình Thuận mở rộng 2018. Chúc mừng cuộc thi đã mang lại “mùa vàng bội thu” về văn chương cho tỉnh nhà. Chúc mừng sự khởi sắc của Hội Văn học Nghệ thuật Bình Thuận.

Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nghĩ về giải truyện ngắn Bình Thuận mở rộng 2018