Theo dõi trên

Người nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ qua truyện cổ Chăm

17/04/2020, 14:00

BT- Giữa tháng ba, Tuy Phong đang hạn nặng. Nắng thiêu. Gió quật. Đồng khô. Rồi dịch Covid-19. Nhưng nhờ vậy tôi mới được gặp Kinh Duy Trịnh (ảnh) ở nhà anh tại thôn Lạc Trị, xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong.

  

Kinh Duy Trịnh nghỉ hưu sau nhiều năm thân thương với tiếng trẻ ê a đọc bài, người thầy trở về với mấy sào ruộng của gia đình, vụ này đồng khô hạn nên anh chỉ trỉa đậu thay vì trồng lúa. Ở một góc vườn nhà anh, đàn gà mấy trăm con đang rào rào mổ thóc, tiếng mổ gấp gáp đối nghịch với tiếng mổ cò rời rạc trên bàn phím của bàn tay người nông dân gắn bó với ruộng quê từ ngày tóc còn để chỏm. Trên chiếc bàn nhỏ và tràn sang cả chiếc giường kế bên là bao nhiêu giấy: những tài liệu soạn thảo sách giáo khoa tiếng Chăm cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Thầy Trịnh và vài người khác đang chờ chấm dứt dịch bệnh là lên đường theo lệnh Bộ Giáo dục – Đào tạo triệu tập để soạn thảo bộ sách giáo khoa tiếng Chăm cải cách, thay thế bộ sách giáo khoa mà anh tham gia biên soạn 10 năm trước.

Nhiều việc như thế nhưng Kinh Duy Trịnh không xao nhãng thú đam mê và hơn thế, một trách nhiệm của mình đối với các thệ hệ mai sau của dân tộc anh: sưu tầm, nghiên cứu và dịch thuật những văn bản Chăm cổ ra tiếng Việt, trong đó thành công bước đầu của anh là 2 quyển Truyện cổ Chăm (tập 1 và tập 2, in 4.000 cuốn) đã được Nhà xuất bản Kim Đồng cho ra mắt bạn đọc trên cả nước vào quý 4/2017 và quý 4/2019.

Đến với dân tộc Chăm, mọi người quen đến với các ngôi đền – tháp gội nắng mưa nhiều thế kỷ, những điệu múa đầy bản sắc và nghi thức cúng kính trong các lễ hội Kate và Ramưwan… nhưng còn kho tàng văn học dân gian Chăm chưa được nhiều người biết đến. Nếu “biên soạn bộ sách giáo khoa tiếng Chăm và giảng dạy ngôn ngữ của dân tộc mình cho các thế hệ học sinh là một hạnh phúc lớn lao” như Trịnh tâm sự, thì các hoạt động điền dã, sưu tầm những văn bản Chăm cổ ghi trên lá buông, những văn bản Chăm cổ chép tay lưu truyền trong các tủ sách gia đình hay cất kỹ dưới đáy rương, rồi chăm chú rà soát từng nét chữ nhạt nhòa màu mực trên các trang giấy mỏng đôi chỗ đã mục nát qua chiếc kính lúp, mới thấy được sự kiên trì của người ngược dòng thời gian nghiên cứu về một ngôn ngữ mà đồng bào anh không còn nhiều người đọc và viết được nữa. Và đó cũng là một hạnh phúc lớn khác của anh.

Để chuyển ngữ chính xác một từ Chăm cổ sang tiếng Việt, Trịnh phải tra cứu qua nhiều quyển từ điển và qua các già làng còn hiếm hoi am hiểu. Anh buộc mình phải khẩn trương vì thời gian cướp dần các già làng, hủy hoại những văn bản nhiều năm tuổi cũng như sự vô tình của con người. Trịnh kể có lần anh tiếc ngẩn ngơ khi biết tin một gia đình ở đảo Phú Quý đã thả trôi trên biển một rương sách tiếng Chăm vì khi người cha qua đời mà các con không đọc được chữ của ông bà.

Với Truyện cổ Chăm tập 1 gồm 25 truyện và Truyện cổ Chăm tập 2 gồm 14 truyện, tác giả Kinh Duy Trịnh chào đón các bạn nhỏ đến với thế giới cổ tích thần tiên với những con hổ, con khỉ, con rắn, con thỏ, con kiến… biết nói tiếng người. Các em sẽ gặp các vị thần linh, các cô gái xinh đẹp, các chàng trai tài ba, đức độ và cả kẻ nói dối, người ác độc. Những câu chuyện hấp dẫn vốn rất dồi dào trong kho tàng văn hóa Chăm được Trịnh chọn lọc, kể lại một cách dễ hiểu, gần gũi với trẻ em về tình cảm gia đình, trí thông minh, lòng dũng cảm, ca ngợi tính cần cù siêng năng, biết yêu thương mọi người…

Bài học giáo dục cho trẻ lan tỏa nhẹ nhàng qua 2 tập truyện cổ Chăm càng làm cho trẻ thích thú để không nửa chừng buông sách. Góp phần thành công cho 2 tập sách của Kinh Duy Trịnh là họa sĩ Tôn Nữ Thị Bích Trâm đã chăm chút từng hình vẽ minh họa sinh động, hấp dẫn với những con vật, các vị thần, các chàng trai cô gái Chăm phù hợp với bản sắc văn hóa của họ.

Kinh Duy Trịnh tâm sự: “Với Truyện cổ Chăm, hy vọng các em không chỉ nhận những bài học tốt đẹp, mà còn bước vào thế giới cổ tích lấp lánh điều kỳ diệu, nuôi dưỡng trái tim nhân hậu, giàu thương yêu”. Các em ở đây không chỉ là các em người Chăm, mà Kinh Duy Trịnh muốn gửi đến tất cả trẻ em của các dân tộc trên trái đất này.

Kinh Duy Trịnh là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Bình Thuận sinh hoạt tại Chi Hội VHNT Tuy Phong, rất cẩn trọng trong nghiên cứu văn hóa Chăm, dịch thuật các văn bản Chăm cổ ra tiếng Việt. Anh còn nhiều tập bản thảo sẽ cho ra mắt bạn đọc như: Truyện cổ Chăm (tập 3); Các đền – tháp – miếu Chăm ở Bình Thuận; thành ngữ - tục ngữ - ca dao Chăm ở Bình Thuận… Những tập bản thảo của Kinh Duy Trịnh là truyện cổ với những bài học nhân văn sâu sắc cho các em hay giới thiệu những công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo, ghi chép những câu nói dân gian mộc mạc ngày một lãng quên trong đời sống… đều đã được anh biên soạn với tất cả tấm lòng quý trọng và nâng niu gìn giữ vì đó là một phần linh hồn của dân tộc anh.

QUỲNH LIÊN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Người nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ qua truyện cổ Chăm