Theo dõi trên

Nguyễn Ðặng Nhật Sơn và những tác phẩm gò đồng

11/08/2017, 11:37 - Lượt đọc: 2,454

BT- Nguyễn Đặng Nhật Sơn là một trong số không nhiều họa sĩ trẻ Bình Thuận hiện nay. Anh theo đuổi một thể loại ít người làm - đó là gò nhôm, gò đồng và đã đưa đến người xem một số tác phẩm khá ấn tượng.

                
      
   Họa sĩ trẻ Nguyễn Đặng Nhật Sơn bên tác    phẩm "Đợi" tại Triển lãm mỹ thuật Bình Thuận 2016.

Năm 2016, tại Triển lãm mỹ thuật khu vực Đông Nam bộ tổ chức tại Lâm Đồng, tác phẩm gò đồng có tên “Đợi” của Nguyễn Đặng Nhật Sơn đã được Hội đồng nghệ thuật của Hội Mỹ thuật Việt Nam chọn giới thiệu để Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Trung ương xét giải thưởng. Đây là lần thứ hai anh tham gia cùng Hội Văn nghệ Bình Thuận và là lần thứ 6 Sơn có tranh dự Triển lãm mỹ thuật Đông Nam bộ.

Sinh năm 1982 tại Hàm Tiến, yêu thích vẽ từ nhỏ và đã theo học được vài khóa ởnthiếu nhi tỉnh với thầy Nguyên Đình. Sau này vào Trường Cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, Sơn theo học chuyên ngành điêu khắc, được các thầy dạy làm tượng, phù điêu và gò nhôm, gò đồng cùng một số môn học liên quan. Theo Nguyễn Đặng Nhật Sơn, để tạo ra một tác phẩm gò nhôm, gò đồng, trước tiên phải lên ý tưởng, phác thảo trên giấy, sau đó mới thể hiện trên nhôm hoặc đồng. Nguyên liệu được bán tại các cửa hàng vật dụng dành cho mỹ thuật ở thành phố Hồ Chí Minh. Một miếng đồng thường có bề ngang 60 cm, đối với loại 4 rem thì chiều dài tùy chọn, không giới hạn, còn loại 5 rem sẽ là 60 x 200 cm. Dụng cụ để thực hiện tác phẩm khá đơn giản, đó chỉ là búa, xì rô dẹt hoặc tròn.

Đối với thể loại này, hình khối là quan trọng nhất, do đó theo Sơn, giai đoạn đầu chấn nét phải chú ý cẩn thận, nếu sai thì chỉnh sửa ngay, còn đến khi thực hiện các công đoạn sau thì y như “bút sa gà chết”, đã gõ lên mặt đồng rồi thì sửa lại được cũng khó. Ở đây đòi hỏi sự tỉ mỉ của người làm bởi tác phẩm có những chi tiết nhỏ, thực hiện hết sức kiên trì và công phu. Một bố cục đẹp thì bao giờ mảng, khối cũng phải rõ ràng mảng chính làm cao lên, tạo ánh sáng nhiều hơn còn những chi tiết phụ chìm xuống phía sau.

Một công đoạn khác cũng đòi hỏi kỹ thuật không kém, đó là nung đồng để lấy độ sáng tối sau khi hoàn chỉnh phần gò. Nhiên liệu để nung đơn giản là những chiếc lốp xe máy, nhưng khi thực hiện là cả một vấn đề. Người nung phải quét nhớt lên mặt tấm đồng, canh lửa làm sao cho đồng vừa chín tới, nghĩa là ở mặt sau của tấm đồng nám đen là đạt. Tiếp đến lấy giẻ lau bóng mảng chính, để màu đen đậm nhạt khác nhau ở mảng phụ và xịt PU lên giữ màu cho tác phẩm.

Từ năm 2007 đến nay, Nguyễn Đặng Nhật Sơn đã thực hiện hàng chục tác phẩm gò đồng, gò nhôm, nhưng anh thích nhất các tác phẩm Ký ức (gò nhôm), Gánh nợ đời và Đợi (gò đồng). Tác phẩm Ký ức sáng tác năm 2007, là tác phẩm đầu tay anh thực hiện khi còn học ở Đồng Nai. Hình tượng hai người nam - nữ đang tựa lưng vào nhau, phía sau là hình ảnh những con thuyền giấy và chim hạc đầy thơ mộng. Qua đó có thể hình dung một câu chuyện về hai người khi xưa đã từng yêu nhau, sau này có một lý do nào đó chia tay, rồi gặp nhau, ôn lại những chuyện xưa cũ.

Với tác phẩm Gánh nợ đời, anh đưa đến người xem những điều quen thuộc diễn ra trong cuộc sống hàng ngày, Sơn chia sẻ: “Thấy xung quanh mình có một số người chơi số đề, xóc dĩa, nhậu nhẹt say sưa… ít khi quan tâm tới con, cháu nên mình đã thực hiện tác phẩm này vào tháng 6/2015”. Bức gò đồng thể hiện một người già gánh một bên là trẻ em và một bên là những hột xúc xắc, chai rượu, cờ, những lô đề và 2 cái đầu tượng trưng cho cha mẹ của đứa trẻ. Ánh mặt trời buổi trưa rọi xuống cảnh một người già gánh những nợ đời, cho mọi người thấy được sự vất vả bà phải gánh chịu, qua đó thức tỉnh những ai đang ham mê rượu chè, cờ bạc. Còn về tác phẩm Đợi thì đó là một câu chuyện thời sự, nói về ô nhiễm môi trường qua vụ cá chết ở miền Trung, góp một tiếng nói bằng hình tượng nghệ thuật đối với vấn đề được nhiều người quan tâm.

Về các tác phẩm gò đồng của Nguyễn Đặng Nhật Sơn, nhà điêu khắc Hồ Thái Thiết nhận xét: “Những tác phẩm đã thể hiện sự tìm tòi, của tác giả, cùng với những đề tài gần gũi nên gây được những hiệu ứng tích cực trong sáng tạo”. Còn theo họa sĩ Đức Hòa - Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Bình Thuận thì qua những phù điêu do Sơn thực hiện, những nét chạm trổ gồ ghề, cao thấp tạo nên ngôn ngữ điêu khắc rất rõ nét, giúp người xem không nhàm chán.

Đầu tháng 7 vừa qua, anh đã được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật Bình Thuận. Tác phẩm mới nhất mà Sơn thực hiện đó là bức gò đồng “Lũ lụt”, kích thước 80cm x 120cm, thể hiện trận lũ với những ngôi nhà ngập trong nước và những khuôn mặt trông đợi sự cứu giúp. Sơn cho biết, từ lúc lên ý tưởng đến khi thực hiện xong mất khoảng 3 tuần. Tác phẩm này anh gởi tham gia Triển lãm mỹ thuật khu vực Đông Nam bộ năm 2017 sắp diễn ra.

Với Nguyễn Đặng Nhật Sơn, gò nhôm, gò đồng đã được anh xác định làm thể loại chính trong sáng tác của mình. Ở đó có biết bao suy nghĩ, sự tâm huyết, niềm say mê sáng tạo để cho ra đời những tác phẩm mới đưa đến mọi người. Đây cũng là thể loại hơi kén người xem hơn so với tranh bởi nó mang ý tưởng nhiều. Chúng ta mừng vui với những thành công bước đầu mà tác giả trẻ này đạt được, và mong rằng trong thời gian tới sẽ tiếp tục được chiêm ngưỡng những tác phẩm gò nhôm, gò đồng mới, đẹp và mang nhiều ý nghĩa cuộc sống quanh mình qua bàn tay cần mẫn, tài hoa của chàng họa sĩ trẻ của vùng đất Hàm Tiến, Phan Thiết.

THÀNH CHƯƠNG



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Lãnh đạo tỉnh chúc mừng Lễ Phục sinh năm 2024
BTO-Chiều 27/3, đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy đã đến thăm, chúc mừng Tòa Giám mục Phan Thiết và Giuse Đỗ Mạnh Hùng – Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam, Giám mục Giáo phận Phan Thiết nhân Lễ Phục sinh năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nguyễn Ðặng Nhật Sơn và những tác phẩm gò đồng