Theo dõi trên

“Nhớ ngày Giỗ tổ mùng mười tháng ba”

11/04/2019, 09:17

BT- Mùng mười tháng ba âm lịch hàng năm gần như đã trở thành “điểm hẹn” tâm linh trong mỗi người dân nước Việt, hướng về cội nguồn, tổ tiên, trong đó có người dân Bình Thuận…

 Sẵn sàng cho ngày lễ

Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày lễ, chúng tôi đến thăm Đền thờ Hùng Vương tại thị trấn Phan Rí Cửa, Tuy Phong. Tiếp chúng tôi là ông Trần Quang Đổi, Trưởng Ban quản lý, dẫn chúng tôi đi thăm khắp đền, vừa đi vừa kể cho chúng tôi nghe công tác chuẩn bị:  “Cách đây vài hôm mấy em mà đến là thấy không khí làm việc vui lắm”. Chỉ cho chúng tôi xem 9 bộ bàn vừa đóng mới để đồ thờ, 2 đôn để cho đơn vị Phan Thiết và Hàm Thuận Nam để vật phẩm cũng đều mới đóng còn thơm mùi gỗ. 24 bộ đồ mới cho người khênh 6 kiệu mặc được xếp ngay ngắn trong tủ kính. “Năm nay được sự quan tâm của các cấp nên khâu chuẩn bị bài bản lắm. Trong đền còn được lắp thêm quạt hút khói nhang. Ngoài sân sẽ có mái vòm che mát tránh cái nắng nóng mùa này ở đây. Sát tới ngày chúng tôi sẽ cho trải thảm đỏ hết trong đền sẽ tạo thêm phần đẹp, trang nghiêm…” - ông Đổi phấn khởi nói thêm.

Còn ông Phan Quốc Minh  - Phó Ban quản lý đền, kể: “Từ lâu người dân Phan Rí Cửa và vài xã gần đây  tổ chức lễ hội Giỗ tổ các vua Hùng hàng năm tại Đền thờ Hùng Vương theo cách thức riêng và coi đó là một phần quan trọng trong đời sống tâm linh của cộng đồng. Bà nội tôi đã mất tính ra giờ cụ 125 tuổi, lúc còn sống hay kể chuyện này lắm vì không chỉ mùng 10 tháng 3 mà ngày rằm, mùng 1 hàng tháng cụ với nhiều người dân hay vào đền thắp nhang”. Các lễ hội trước đó chỉ mang tính chất riêng lẻ theo tập tục của người dân nơi đây, cách thức biểu hiện của lễ hội chưa phù hợp với tập tục và tín ngưỡng thờ vua Hùng Vương. Vì thế Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch phối hợp UBND huyện Tuy Phong tổ chức, nghiên cứu, phục dựng lễ hội tại Đền thờ Hùng Vương, thị trấn Phan Rí Cửa cho xứng tầm với lễ hội chung của tỉnh. Năm nay là năm thứ 2, Phan Rí Cửa tổ chức lễ hội theo chỉ đạo của tỉnh và huyện.  

Trang trọng, có ý nghĩa

Theo ông Hồ Công Tiền, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuy Phong: “Hiện tại, tất cả khâu nội dung, công tác chỉnh trang cơ sở vật chất, sân lễ… chuẩn bị cho lễ hội đã xong. Năm nay có nhiều cái mới hơn năm ngoái”. Ngay phía bên ngoài đền thiết kế 2 màn hình lớn tường thuật trực tiếp cho người dân theo dõi. Theo chỉ đạo, lễ hội phải thiết thực hướng về cội nguồn, tổ tiên, có sức thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân và các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo ở các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về tham gia, thành kính dâng hương tri ân công đức các vua Hùng có công dựng nước và các bậc tiền nhân có công giữ nước. Đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần và niềm mong mỏi của nhân dân; góp phần giáo dục truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tình yêu quê hương, đất nước cho các thế hệ người dân trong tỉnh, nhất là thế hệ trẻ. Tổ chức phần lễ phải trang nghiêm, gây ấn tượng sâu sắc. Tổ chức phần hội phải bảo đảm vui tươi, an toàn, tiết kiệm, có tính giáo dục cao, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết, gắn bó, hòa hợp giữa các cộng đồng dân cư, các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Phần hội gồm các hoạt động tuyên truyền, văn nghệ, thể thao, tổ chức các trò chơi dân gian như: Tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên hệ thống phát thanh, truyền hình, trang thông tin điện tử của huyện, đài truyền thanh các xã, thị trấn. Tuyên truyền trực quan thông qua băng rôn, pa nô, cờ phướn trên địa bàn toàn huyện (tập trung nhiều ở thị trấn Phan Rí Cửa); treo cờ Tổ quốc tại các cơ quan, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, hộ gia đình trên địa bàn thị trấn Phan Rí Cửa… Chương trình biểu diễn ca múa nhạc của Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh tại Trung tâm Văn hóa - Thể dục, Thể thao Phan Rí Cửa. Tổ chức trao học bổng và tìm hiểu về lịch sử dân tộc. Tổ chức các môn thể thao: Giải bóng đá Cúp Hùng Vương, bóng bàn, cờ tướng, cầu lông, các trò chơi dân gian, thi gói và nấu bánh chưng, bánh dày…

Với sự chuẩn bị chu đáo như trên, hy vọng vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch tới đây sẽ thu hút không chỉ người dân địa phương mà còn cả du khách, bởi  đó không chỉ là ngày hội của cả dân tộc - ngày để chúng ta, mỗi người dân Việt khẳng định sức mạnh giống nòi và sức trường tồn mãnh liệt của văn hóa dân tộc.

    
    Từ 6 giờ   30 - 7 giờ 30 phút ngày 14/4/2019 (nhằm ngày mùng 10 tháng 3 năm Kỷ   Hợi): Các đoàn rước kiệu rước từ nơi xuất phát về trước Đền thờ Hùng   Vương. Sau đó được bố trí lần lượt theo thứ tự từng đoàn rước vào an vị   bài vị lên các khám thờ và thỉnh kiệu nghinh liệt sĩ, tiền hiền vào   trong chính. Lộ trình của các đoàn rước: Kiệu Miếu Hải Tân đi theo đường   Nguyễn Trường Tộ về đền; Kiệu Vạn Tả Tân đi theo đường Lê Lợi về đền;    Kiệu Miếu Thanh Tu đi theo đường Trần Hưng Đạo về đền;  Kiệu Vạn Nam Phú   đi theo đường Quang Trung về đền;  Kiệu Vạn Nam Thuận Thanh theo đường   Thống Nhất về đền;  Kiệu rước vong linh các anh hùng liệt sĩ từ Đài liệt   sĩ thị trấn về đền.

Thu Thủy



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Nhớ ngày Giỗ tổ mùng mười tháng ba”