Theo dõi trên

Nhớ nhà văn, nhà báo Nguyên Nam

27/10/2016, 08:59

BT- Có dạo nhà văn Nam Hà mỗi lần ghé về Bình Thuận đều không quên tìm gặp Nguyên Nam. Vì họ là hai nhà văn? Đã đành! Nhưng điều cốt yếu họ là hai người lính từng gắn bó, sống chết với nhau ở chiến trường khu VI những năm tháng gian khổ, ác liệt nhất.

                
      
Nhà báo Nguyên Nam nguyên Tổng Biên tập Báo    Thuận Hải phát biểu tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Báo Bình    Thuận. Ảnh: Đ. Hòa

Trong truyện ký “Mùa rẫy” của Nam Hà, bạn đọc hẳn không quên nhân vật Nguyên - một chiến sĩ làm báo viết văn nhưng cũng rất tháo vát, khéo tay khi dựng chòi, phát rẫy. Cái anh chàng Nguyên ấy không ai khác chính là Nguyên Nam.

Năm tháng ấy, kỷ niệm ấy làm sao họ quên? Nên đại tá – nhà văn Nam Hà, dù ở giữa Hà Nội thủ đô nhộn nhịp vẫn không thôi nhớ đại úy – nhà văn Nguyên Nam tận nơi cực Nam vừa xa vừa cực. Có khác chăng là khi chiến tranh đi qua, một người nhớ về “Mùa rẫy” là nhớ về những kỷ niệm, còn một người vẫn lặng lẽ nơi này “Bám đất”.

Nguyên Nam tên thật là Nguyễn Tiến Hải, sinh năm Nhâm Thân 1932, quê Phù Mỹ, Bình Định. Năm 1948, mới 16 tuổi anh đã vào bộ đội – Trường Thiếu sinh quân Lý Tự Trọng, và chiến đấu ở liên khu V cho đến ngày tập kết ra Bắc 1954. Năm 1962, theo tiếng gọi của quê hương miền Nam yêu dấu, Nguyên Nam khoác ba lô vào chiến trường khu VI. Tổ chức biết anh có khiếu báo chí nên điều về Báo Quyết Thắng của Quân khu. Nghe có vẻ to tát nhưng cả “tòa soạn” chỉ mấy anh em và Nguyên Nam vừa là “thư ký” vừa viết bài, đánh máy, in, phát hành… Còn “Tổng biên tập” – nói theo chức danh bây giờ không ai khác là đồng chí Trần Lê, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu.

Nguyên Nam nhận nhiệm vụ được mấy tháng thì địch mở chiến dịch An Lạc đánh vào Khu. Vì chạy giặc nên giữa Khu với các tỉnh, các đơn vị trực thuộc bị mất liên lạc. Đồng chí Trần Lê chỉ thị phải ra ngay một số báo để làm phương tiện liên lạc. Bộ phận báo được ưu tiên số một về lương thực và nhân lực. Khi bài vở đã hòm hòm, Nguyên Nam báo cáo thiếu bài xã luận, đồng chí Trần Lê nhận viết ngay. Tờ báo in trong 2 ngày thì xong, với 32 trang, đủ các mục. Tiểu đội bảo vệ được giao đi phát hành. Có cơ sở phải 2 tháng sau mới nhận được báo.

Đó là một kỷ niệm trong nhiều kỷ niệm khó quên của Nguyên Nam.

Cũng trong những ngày đầu ở chiến trường, Nguyên Nam viết truyện ký “Một ngày báo động” kể chuyện anh Năm Bụng mưu trí dùng tu huýt (còi) vừa thổi vừa kéo rào chạy, bụi cuốn lên mù mịt khiến một tiểu đoàn địch phải rút lui. “Một ngày báo động” gửi Văn nghệ Giải phóng đoạt giải nhì (không có giải nhất) của cuộc thi năm 1963.

Sang mùa mưa năm 1964, Nguyên Nam mới gặp Nam Hà và họa sĩ Phạm Hồng Châu. Các anh chung lưng đấu cật làm báo, sáng tác và… làm rẫy tự túc lương thực.

Người cầm bút bây giờ thường nói đến Trường viết văn Nguyễn Du, Puskin. Với Nguyên Nam, ngay từ 1965 đã được “xuất ngoại” tu nghiệp. Văn nghệ Quân giải phóng mở trại viết ở Campuchia có tên Nguyên Nam. Trong trại, anh viết truyện ngắn “Du kích vùng ven” đoạt giải nhì cuộc thi của Văn nghệ Quân giải phóng. Cũng phải kể thêm một số sáng tác tiêu biểu khác của Nguyên Nam ở chiến trường như truyện ngắn: “Mùa dưa hấu” (1969), “Lượm và thơm” (1970), cùng nhiều bài ký sống động, đầy ắp không khí chiến trường như: “Dũng sĩ đồi Đá Trắng”, “Về Tam giác”, “Em T. bắn máy bay”… có sáng tác được chuyển ra miền Bắc in lại trên Văn nghệ Quân đội.

Sau ngày giải phóng, Nguyên Nam được điều về làm Trại phó Trại sáng tác văn học Quân khu V. Phụ trách trại còn có các nhà văn Phan Tứ, Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Trí Huân, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Bảo, Thanh Quế. Trại viên là Thái Bá Lợi, Thanh Thảo… Bản thân Nguyên Nam, ngoài công tác quản lý, cũng bắt tay viết được mấy chương của tiểu thuyết “Bám đất”.

Năm 1980, Nguyên Nam chuyển ngành ra làm Tổng Biên tập Báo Thuận Hải, rồi Ủy viên Ban vận động thành lập Hội Văn nghệ tỉnh. Năm 1983, anh chuyển hẳn sang Hội. Đến năm 1988 thì xin về hưu ở tuổi 55, vì không hợp với đời sống “dân sự” đầy phức tạp - như ông tâm sự.

Mừng cho ông nhưng bạn bè văn nghệ vẫn chạnh lòng nghĩ đến nghiệp viết lách của ông. Dự định viết tiểu thuyết “Bám đất” của Nguyên Nam mới bùng lên đã sớm nguội lạnh vì chuyện gia đình cơm áo níu kéo. Và rồi sức khỏe cũng không ủng hộ ông. Căn bệnh quý tộc cao huyết áp cứ đeo bám ông cho dù khổ chủ chẳng có dáng của một người béo tốt. Thế nhưng ông vẫn cầm cự được đến đầu năm 2009 mới chịu buông xuôi thành người thiên cổ.

Nhớ Nguyên Nam, bạn bè văn nghệ, báo chí chỉ biết cầu cho ông được thanh thản hơn ở thế giới người hiền.

Đỗ Kim Ngư



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ nhà văn, nhà báo Nguyên Nam