Theo dõi trên

Nhớ “Thu về song cửa”

23/09/2019, 08:30

BT- Trong những năm qua, nhà văn Lê Nguyên Ngữ đã cho ra mắt bạn đọc nhiều tập truyện ngắn. Anh có duyên với các giải thưởng về truyện ngắn ở Trung ương, các tỉnh, thành. Anh cũng đã có 4 lần đạt giải thưởng Văn nghệ Dục Thanh của tỉnh Bình Thuận.

Thơ Lê Nguyên Ngữ, tập thơ đưa anh đến  với  giải A, giải thưởng Văn nghệ Dục Thanh lần gần đây nhất, gói một phần những suy tư, rung cảm, tài năng của anh qua 37 bài thơ. Trong tập thơ ấy, tôi rất thích bài Thu về song cửa. Có lẽ, một phần do đất trời đã chuyển sang thu.

Tác giả nhìn ra song cửa, để thoáng thấy mùa thu về. Mưa thu trên áo, vương tóc người anh thương yêu, tóc chỉ là sót lại. Người thương của anh đã đi thật xa rồi. Đời đã vắng người yêu. Chỉ còn lại nỗi nhớ thương mãi mãi:

“Nhớ thương tạc vào trăm năm”

Đã sang mùa, nỗi buồn lại chiếm ngự hồn anh:

“Mùa sang, mùa sang… buồn ơi!”

Nỗi buồn ấy, từ sợi tóc còn sót lại của người thương; đến cảm giác lạnh lẽo khi nhìn chiếc lá thấy buồn quay quắt, chẳng yên trong lòng:

“Lạnh về buồn quay quắt lá”

Nỗi buồn ấy, da diết quá, thấm sâu vào tim anh, ngập tràn và miên man toàn bài thơ. Để bài thơ mở đầu và khép lại cùng trong khung cảnh một ngày mùa thu:

“Bất chợt chiều thu song cửa

Mới hay đời vắng em rồi!”

Đã rất nhiều lần, Lê Nguyên Ngữ sử dụng sự lặp lại các từ, ngữ trong các bài thơ khác nhau, đạt đến những hiệu quả nghệ thuật. Song ở Thu về song cửa, anh đã khai thác tối đa điệp ngữ trong bài thơ này.

Trước hết là điệp câu ở 2 dòng mở đầu và 2 dòng kết thúc bài thơ. Nếu mở đầu là:

“Bất chợt thu về song cửa

Mới hay đời vắng em rồi”

Thì kết bài là:

“Bất chợt chiều thu song cửa

Mới hay đời vắng em rồi!”

Mùa thu về theo vòng quay của đất trời , theo tuần tự thời gian. Còn đời vắng em rồi chính là sự thật, một sự thật đau buồn, không thể khác, không thể tránh.

Thứ đến, “mùa sang” được lặp lại, tiếp tục gieo nỗi buồn trong lòng người ở lại.

Thêm nữa, “Từ dạo” được mở đầu ở dòng thơ thứ năm, đã được lặp lại cuối dòng thơ thứ sáu, để tác giả nhớ về thời điểm ấy, thời điểm người xa người, mãi mãi.

Người đã đi xa ấy, có lúc thoáng về qua song cửa. Nhưng rồi lại ra đi. Đi như lá mùa thu, vèo qua song của, đi như sương mù, tan trong giá lạnh. Điệp ngữ “Và đi” đã được anh dùng lại ở đầu hai dòng thơ 12, 13. Như khẳng định một điều chắc chắn rằng: Người ấy đã đi, xa mãi.

Song sự tài hoa của Lê Nguyên Ngữ không chỉ là sự  sắp xếp khéo léo các điệp ngữ, điệp câu trong toàn bài. Nó còn là giọng điệu của bài thơ. Những âm thanh du dương của những dòng thơ, khổ thơ cứ lan tỏa trong toàn bài, len lỏi vào trái tim người đọc, nhẹ nhàng, day dứt. Mỗi dòng thơ có 6 chữ, được tác giả viết với tiết tấu 2/4 là chính, thật tự nhiên, đã góp vào cho người đọc cảm thấy sự nhẹ nhàng, da diết ấy. Bài thơ cứ miên man trong lòng người đọc.

Đọc Thu về song cửa của nhà văn Lê Nguyên Ngữ, lòng tôi cứ mãi nhớ về những lời thơ đẹp đẽ, du dương của anh. Những lời thơ ấy ẩn chứa một tình yêu sâu đậm anh dành cho người thương yêu, khi người ấy đã mãi xa anh rồi.

Minh Trí



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nhớ “Thu về song cửa”