Theo dõi trên

Những “con sóng” vùng ven đô

09/12/2016, 09:07 - Lượt đọc: 12

Đón đầu tư từ nước

BT- Sau khi bán hết mấy miếng đất phía sau nhà, ông Hai ở thôn 7, Hàm Đức, Hàm Thuận Bắc kiên quyết giữ mảnh đất hơn 2 mẫu để chia phần cho 4 đứa con. Nói là kiên quyết, vì mới ngày hôm qua có người đến vùng triền này hỏi mua đất và ngỏ ý muốn mua mảnh đất ấy của ông. Đang túng tiền, đang bức bối chuyện thằng Út học đại học ra, chưa tìm được việc, ăn chơi lêu lỏng ngày này qua ngày khác, ông muốn bán quách miếng đất đó đi, lấy tiền cho nó đi học nghề và giải quyết một số việc đang dang dở trong nhà nhưng ông lại không quyết liệt bán được. Người mua cũng cảm nhận được sự do dự ấy, phân tích cho ông thấy mặt lợi mà gia đình ông được hưởng, khiến ruột gan ông cứ rộn lên. “Tụi tui mua đất để sản xuất. Khi dự án thành hình, cô chú và thằng út có việc làm, có lương, thấp nhất người nhà chú cũng được hơn 10 triệu đồng/tháng. Chú để đất đó bao nhiêu năm nay có giàu lên đâu…”. Nghe câu ấy, ông giật mình cái đụi như tim mình bị cái gì đó đánh trúng. Ừ, thì đúng thật. Bù đầu, nuôi tụi nhỏ ăn học đến nơi thì 3 đứa được đến chốn, có việc làm, tự nuôi được bản thân. Chỉ có thằng út là đang dở dang, nhìn lại nhà cũng chỉ đủ ăn. Ở lứa tuổi qua 60 rồi, bệnh tật đang ập đến, đâu còn sức khỏe để làm gì cho khấm khá hơn, ngoài tài sản duy nhất là mảnh đất này.

                
Công trình chuyển nước lên khu Lê.

Nhìn cái dáng ốm ròm, đôi mắt bắt đầu hấp hem báo hiệu tuổi xế chiều đã về từ lúc nào với người nông dân cực khổ này, tôi bỗng hiểu hơn sự khó xử trong lựa chọn bán hay để lại đất của ông. Nếu bán đi, liệu viễn cảnh có như ước muốn hay có sẵn tiền lại đổ đốn ăn chơi, cờ bạc? Nếu để lại đất thì viễn cảnh đó do chính các con ông quyết định, vì kênh chuyển nước lên khu Lê chuẩn bị băng qua con đường trước mặt nhà ông. Dù ai có nói ngả nghiêng rằng cách đường nước đến 10 - 50 km thì làm ăn kiểu gì, ông cũng mặc kệ. Biết đâu con sóng đầu tư từ nước ở vùng khó sẽ lan đến tận thôn triền này thì sao.

Đường ngã ba Tà Zon - Hàm Đức có tên gọi là ĐT 715 làm từ mấy năm trước nối liền với xã Hồng Phong - Bắc Bình, đã mở ra khung cảnh vùng quê đẹp lãng mạn cũng như những vùng đất triển vọng cho sản xuất. Thời điểm này, công trình chuyển nước lên khu Lê đã được đơn vị thi công xây dựng con đường ven kênh nằm dưới chân đồi quanh co trước mặt Bàu Thiêu của xã Hồng Phong - Bắc Bình. Đứng trên con đường đang mở này, không ai không thốt lên thích thú trước quang cảnh mênh mông dưới kia và Bàu Thiêu lênh láng nước là điểm nhấn như thể hiện sự trù phú, đủ đầy. Nhưng theo cán bộ xã Hồng Phong, đó là nhờ những ngày mưa vừa qua, chứ vào mùa nắng, bàu trơ đáy và vùng đất xung quanh cũng chỉ sản xuất 1 vụ hoặc bỏ hoang. Vì thế, dân ở đây trông chờ công trình chuyển nước này lắm.   

 “Con sóng” xa

Trông chờ của người dân Hồng Phong hay những người dân ở xã Hàm Đức như ông Hai mong đón cơn sóng đầu tư liên quan đến sân bay Phan Thiết lan ra không khác gì người dân ở xã Hòa Thắng những năm trước xa. Khi ấy, tuyến đường nối khu du lịch Hàm Tiến - Mũi Né với Hòa Thắng đã tạo khí thế bắt sóng đầu tư hừng hực trong dân. Cái hừng hực ấy có thực lắm. Này là đường đã rút ngắn rất nhiều, từ resort ra Hòa Thắng chỉ mất 15 -30 phút chạy xe máy. Này là quang cảnh Hòa Thắng quá đẹp với Bàu Trắng lạ kỳ, đồi trinh nữ thơ mộng, biển bãi ngang trong xanh, nhiều hải sản tươi ngon... Người dân ở nơi này sau những mừng rỡ, vì bán được đất, và cả mơ mộng có công ăn việc làm ổn định, thu nhập cao nhưng chưa thấy rõ rệt, đã chuyển sang trạng thái bực bội. Sự bực bội vì đường thông thoáng khiến bữa cơm của họ không có hải sản tươi ngon. Tôi còn nhớ như in cảm giác ngạc nhiên lúc ấy, khi nghe người dân nói, các resort, nhà hàng ở Hàm Tiến –Mũi Né đã ra đây mua hết hải sản tươi ngon, tất nhiên với giá cao khiến họ, những người không có nhiều tiền đành phải ăn loại hải sản loại thứ. Trưa đến, khi vào một quán cơm đối diện UBND xã, bà chủ quán cũng than với chúng tôi rằng cá, mực không ngon lắm đâu, để khách khỏi phàn nàn lúc ăn. Đó cũng là thời điểm con sóng đầu tư du lịch sau những hào nhoáng đã bắt đầu rạng vỡ, khi hàng loạt cơ sở du lịch không thể triển khai, vì nhiều lý do. Phản ứng dây chuyền, các quán ăn, giải khát trên địa bàn xã vì vắng khách cũng lần lượt đóng cửa sau đó, dù biết tuyến Hòa Thắng – Hòa Phú, đoạn đường ven biển cuối cùng  của tỉnh sắp khởi công.

                
Một góc Bàu Thiêu - xã Hồng Phong.

 Bây giờ, du khách nước ngoài đặc biệt là khách Nga đã vắng ngay cả ở các resort ở Hàm Tiến thì Hòa Thắng càng vắng hơn. Thời điểm thịnh vượng, khách đi xe hon da từng đoàn từ Mũi Né ra đây đã không thể khuấy động được quang cảnh vốn yên tĩnh ở đây thì bây giờ, Bàu Trắng càng lặng lẽ, cả một vùng Hòa Thắng yên ắng, chỉ nghe tiếng gió bấc thổi hun hút. Đất trống trải dài mênh mông, toàn đất có chủ, có dự án du lịch nhưng vì nhiều lý do, mãi đến giờ, các dự án này vẫn chưa thể triển khai. Còn đất của dân, cũng để trống. Tôi hỏi một lão nông có đất nằm ven đường Hòa Thắng - Hòa Phú, sao không sản xuất. Lão nói, công ty chế biến titan có trụ sở nằm đối diện đang trả mua để khai thác titan. Công ty đã trả giá 180 triệu đồng/mẫu, gia đình lão muốn bán 300 triệu đồng/mẫu cơ. Những hộ dân có đất nông nghiệp trong vùng cũng đang mơ mức giá ấy nên hầu hết chưa đồng ý. Họ băn khoăn sao giá đất giảm nhiều như vậy, khi nhớ trước đây du lịch đang rầm rộ, 1 mẫu đất bán được cả tỷ đồng… Rồi sân bay Phan Thiết ra đời, rồi du lịch sẽ hồi sinh. Mong chờ ấy của những người dân ở đây cũng như ông Hai, tôi cảm nhận rất rõ ước mơ về một tương lai tươi sáng hơn của họ, nhờ sự lan tỏa từ những “con sóng” ven đô.

Bút ký: Bích Nghị



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những “con sóng” vùng ven đô