Theo dõi trên

Những phụ nữ đa năng ở Tam Cốc, Tràng An

27/04/2018, 09:43 - Lượt đọc: 78

BT- Tràng An, Tam Cốc là vùng sơn thủy hữu tình và linh thiêng của Ninh Bình. Những vách núi đá vôi cổ sừng sững, trùng điệp trải hình cánh cung theo hướng Tây bắc - Đông nam, dài hơn 40 km, soi mình lung linh trong làn nước đầm trong vắt, yên tĩnh và những địa danh tâm linh quanh vùng đất thiêng Hoa Lư của nước Đại Cồ Việt xưa, tất cả tạo thành một Tràng An, Tam Cốc du lịch tâm linh nổi tiếng ngày nay.  Tràng An, Tam Cốc có tất cả 31 đầm, hơn 50 hang nước, 50 hang khô cùng nhiều mái đá và 3 địa danh tâm linh chính nhưng vì tour du lịch quy định chúng tôi chỉ đi được trong thời gian 1 giờ 30 phút qua 3 “hang sông”, (sông ngang chảy xuyên qua núi), ở Tam Cốc, 3 giờ qua 12 hang động của mê cung đầm nước liên hoàn và 3 đền (đền Trình, đền Nội Lâm, đền Phủ Khống) ở Tràng An. Người phụ nữ chèo thuyền bằng chân đưa chúng tôi đi ở khu Tam Cốc là chị Đỗ Thị Loan và ở Tràng An là chị Nguyễn Thị Thắm, 2 trong hơn 900 phụ nữ sinh sống hàng ngày bằng nghề chèo thuyền đưa khách trên vùng sông...

                
Đi thuyền vào Tam Cốc - Bích Động.

 Chèo thuyền bằng chân

Tam Cốc - Bích Động, còn được biết đến với cái tên nổi tiếng như “vịnh Hạ Long trên cạn” bởi những dấu vết còn sót lại của một vùng biển cổ. Toàn khu vực bao gồm hệ thống các núi đá vôi dạng tháp, vòm, chuông, các hang động (còn gọi là các “hang sông”) và các di tích lịch sử liên quan đến hành cung Vũ Lâm của triều đại nhà Trần nằm chủ yếu ở xã Ninh Hải, Hoa Lư, Ninh Bình. Quần thể danh thắng Tràng An – Tam Cốc được UNESCO xếp hạng di sản thế giới. Riêng ở Tam Cốc, tất cả những phụ nữ chèo thuyền đưa khách vào các hang động đều chèo bằng chân, họ dựa lưng vào miếng dựa phía sau thuyền, hai chân điều khiển hai mái chèo hai bên, nhịp nhàng, điêu luyện, hai bàn chân cong dẻo linh hoạt mềm mại chính xác như đôi tay.

Chị Loan nói với chúng tôi: “Thời gian đầu tập chèo bằng chân vô cùng vất vả, hai bàn chân cứ phồng rộp cả lên, hai bắp chân căng cứng nhức đau không chịu nổi, “chuột rút” liên tục, các cơ bắp ở chân làm như muốn nổi loạn. Nhanh nhất cũng tập luyện vài tháng chân mới hết vụng và hết đau. Quen rồi thì đôi chân chính là đôi tay thứ hai”.

Tất cả phụ nữ chèo thuyền ở Tam Cốc (trên tổng số 1.200 số thuyền đăng ký hành nghề thường xuyên trong khu vực Tràng An, Tam Cốc) đều phải trải qua giai đoạn tập luyện, chỉ một số ít chôn nhau cắt rốn nơi này có nghề làm ruộng rẫy trên vùng đầm nước từ nhỏ mới quen chèo thuyền bằng chân.

Tam Cốc, theo lời người dân ở đây giải thích nôm na có nghĩa là 3 hang động, gồm hang Cả, hang Hai và hang Ba. Cả 3 hang đều được tạo thành bởi dòng sông Ngô Đồng đâm xuyên qua núi. Hang Cả dài 127 m, xuyên qua một núi đá vôi lớn, vách dựng sừng sững, chân núi còn dấu vết các hàm ếch do sóng biển xâm thực, cửa hang rộng trên 20 m. Trong hang không khí mát lạnh, ánh sáng mờ ảo mê hoặc.

                
Thuyền đi qua hang động.

Vượt gần 1 km trên sông Ngô Đồng thì đến hang Hai, hang này dài 60 m. Thạch nhũ từ trần hang thòng xuống từng cụm xen xít nhau, du khách có thể nhìn và để trí tưởng tượng bay bổng, một thế giới đá với thiên hình vạn trạng lấp lánh, lung linh nhưng ngồi trên thuyền có thể vói tay là rờ vào được những nhũ đá kỳ lạ ấy. Vừa xa vừa gần. Vừa thật vừa ảo. Hang Hai làm cho du khách choáng ngợp trước vẻ đẹp lạ lùng, toàn bích chỉ có bà mẹ thiên nhiên mới tạo được như thế.

Hang Ba, gần hang Hai, cũng là hang xuyên thủy dài 50 m, trần hang là vòm đá thấp hơn so với 2 hang kia. Qua hang Ba là điểm dừng tạm để du khách hình dung rõ rệt và giữ lại cảm giấc lâng lâng với những điều mới mẻ vừa trải nghiệm: Núi là thành, sông là đường và hang động là cung điện nguy nga không chỉ có trong câu chuyện Từ Thức xa xưa.

Cô lái đò Đỗ Thị Loan duỗi chân nghỉ ngơi trả lại sự tĩnh lặng cho những suy tưởng trong tâm hồn du khách. Khi đã thấy vừa đủ, hai bàn chân cô lại xoay một động tác như múa để chụp hai đầu chiếc chèo và con thuyền lại quay đầu lướt trên nước theo nhịp chèo êm của “đôi tay thứ hai” ấy.

 Vừa chèo thuyền vừa đọc thơ

Tràng An gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất cố đô Hoa Lư. Năm 968, từ một nhóm “cờ lau tập trận” Đinh Bộ Lĩnh tổ chức khởi nghĩa thắng lợi, xưng vương lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đưa giang sơn về một mối, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt, chọn quê nhà Hoa Lư để đóng đô. Về tổng thể, kinh đô Hoa Lư xưa gồm 3 vòng: Thành Đông, thành Tây và thành Nam. Thành Đông nằm ở phía đông, giáp với vùng đồng bằng, là nơi bố trí cung điện, thành Tây nằm bên trong giáp núi non, là nơi ở của quan lại và khu vực hậu cần. Thành Nam rộng lớn và hiểm trở, là bức bình phông phòng thủ, bảo vệ kinh thành, sau gọi là Tràng An.

Tương truyền, vua Đinh khẳng định kinh đô Hoa Lư không thua gì kinh đô Tràng An của phương Bắc nên sai Nguyễn Bặc thể hiện câu đối “Cồ Việt quốc đương Tống Khai Bảo - Hoa Lư đô thị Hán Tràng An”. Năm 1010, Vua Lý Thái Tổ đổi Hoa Lư thành phủ Tràng An, Đại La thành Thăng Long. Danh xưng Tràng An chính thức gắn với cố đô Hoa Lư – Ninh Bình từ đó.

Hiện nay, Tràng An thuộc vùng lõi của di sản thiên nhiên văn hóa thế giới này...

Những thông tin trên đây chúng tôi rất ngạc nhiên khi nghe được từ miệng cô lái đò mộc mạc dung dị Nguyễn Thị Thắm. (Khi về đối chiếu lại với các tài liệu từ nguồn tin cậy, chúng tôi còn ngạc nhiên hơn nữa khi tất cả những gì cô nói đều chính xác). Với chất giọng ngọt ngào và một trí nhớ đáng nể, khi chèo thuyền qua hang nào, cô Thắm đều giới thiệu bằng hình thức đọc thơ, có những đoạn thơ vui như “Khi đi nhớ cậu cùng cô/ Khi về lại nhớ cá rô Tổng Trường” xen với những đoạn, những bài trang nghiêm, hào sảng:

 “Tiên triều đã đặt thế uy

Thành xây thiên tạo lũy quy địa phù

Hang thăm thẳm, động âm u

Hồ đi du lãng, vượn đu vách rừng”.

Chúng tôi hỏi những bài thơ đọc cho du khách nghe cô có nhớ từ nguồn nào không? Cô Thắm cười cười: Làm sao nhớ nổi, chỉ nhớ nhất là nó đang nằm trong tim em đây này! Quả là chúng tôi cũng cảm nhận được tình yêu và niềm tự hào mà những cô lái đò thể hiện đối với Tràng An, quê hương của mình. Riêng cô Thắm, Tràng An là quê chồng, lấy chồng rồi cô mới vào nghề chèo đò đưa du khách, cô chỉ mới hành nghề hơn 10 năm. Tôi lại hỏi có nhiều người nhớ thơ như cô không, cô cười khiêm tốn: “Em chẳng là gì đâu, tất cả các cô lái đò ở đây đều đọc được, hay hơn em nhiều lắm đấy ạ”.

Khi đã quen, cô Thắm tâm sự với chúng tôi: Chỉ mong chở khách ta, nói chuyện, đọc thơ nhọc người nhưng vui, chở khách Tây, khác tiếng nói nên chỉ im lặng chèo, im lặng ba, bốn tiếng đồng hồ, không nói tiếng nào, có khi còn mệt hơn cả việc chèo ấy.

Hang Địa Linh là hang đầu tiên trong cuộc hành trình xuất phát từ bến thuyền sông Sào Khê, tên gọi khác là hang Châu Báu vì khi vào đây du khách sẽ có cảm giác như lạc vào kho báu, vô vàn ngọc ngà trân châu lấp lánh gắn đầy trần hang. Ra khỏi cửa hang là một khung cảnh sơn thủy hữu tình của mây trời, núi non in bóng mồn một xuống đáy nước trong vắt. Hang dài 260 m với nhiều nhũ đá rủ xuống kỳ ảo.

Trong hang Nấu Rượu có mạch nước ngầm sâu hơn 10m, tương truyền xưa kia các bậc tiền bối đã vào đây lấy nước để nấu rượu tiến vua. Cô Thắm đọc cho chúng tôi nghe bài thơ về hang Nấu Rượu:

Tương truyền giếng ngọt và rất trong

Phải chăng linh mạch của long thần

Chưng cất rượu ngon dâng Tiên đế

Tế cờ ra trận thắng ngoại xâm”.

Hang Sính, hang Si và hang Ba Giọt gắn liền với truyền thuyết một câu chuyện tình buồn. Xưa có chàng công tử yêu tha thiết một nàng công nương. Khi chàng gánh sính lễ đến hang Sính để cầu hôn thì nàng đã bị cống nạp cho nước láng giềng phương Bắc. Chàng sang hang Ba Giọt tắm gội, sau đó ôm khối tình riêng trầm mình ở hang Si. Vậy nên có thơ rằng:

“Tình buồn công tử giữa hang sâu

Sính lễ còn đâu người bạn cũ

Cống Hồ đất khách nhớ thương đau

Ba hang để lại tình duyên lỡ

Ôm hận thiên thu giọt lệ buồn

Trời xanh nỡ phụ, gương lành vỡ

Công tử ôm sầu nước mắt tuôn”.

Tương truyền ai đi qua hang Ba Giọt mà đón được ba giọt nước từ nhũ đá nhỏ vào lòng bàn tay sẽ may mắn trong cuộc đời và hạnh phúc trong tình yêu.

Hang Bói là một di chỉ khảo cổ học giá trị. Lối vào hang thăm thẳm, rậm rạp với nhiều loài cây mọc ken dày, ánh nắng không thể chiếu xuống đất được nên thảm thực vật ở đây vô cùng lạ lùng, nhiều loài thủy sinh chúng tôi thấy lần đầu.

Hang Bói có nhiều vỏ nhuyễn thể, xương động vật và một vài mảnh tước, bằng chứng cho thấy dấu ấn người tiền sử thuộc Văn hóa Hòa Bình sớm cách ngày nay khoảng một vạn năm. Gọi hang Bói vì nó ở trong khu thung Bói gắn với truyền thuyết vua quan nhà Trần từng gieo quẻ bói tại đây.

Nhiều cột đá, măng đá lấp lánh như kim tuyến. Các nhà khoa học cho rằng nơi đây có dấu ấn người tiền sử cách nay 5.000 đến 30.000 năm. Nguồn thức ăn chính của người tiền sử là ốc núi, thủy sản sông suối, rùa núi, cua đá, chim thú nhỏ, các loại củ, quả, hạt... Chỗ ở của họ là hang đá, mái đá. Giới khoa học nhận định, dưới đáy hang có thể là một dòng sông cổ.

Đến hang Sáng, cô Thắm lại đọc thơ:

“Mờ ảo hơi sương trước cửa hang

Xù xì gân guốc chú voi vàng

Lân quang lấp lánh lòng hang động

Óng ánh muôn màu của kim quang”.

Khi thuyền tắp vào đền, cô Thắm giới thiệu:

“Nội loạn thời Đinh phò ấu chúa

Ơn vua nghĩa nước đẫm phong vân

Tràng An sóng nước còn muôn thuở

Thiên thu còn mãi với non sông

Hữu tả Thanh trù, người trung liệt

Gió thổi càng thiêng ngọn cờ hồng”.

Khi thuyền vào hang Tối, cô Thắm vừa khéo léo chèo thuyền lách qua lại liên tục để khách khỏi đụng đầu vào thạch nhũ vừa đọc thơ:

Phật thủ quả bày trong hang động

Cà sa Đức Phật đủ sắc màu

Voi nằm yên ngủ trong thuyền mộng

Nước vỗ đôi bờ trắng bông lau.

Hang Seo, hang Sơn Dương, hang Trần đều có thơ ca ngợi:

Hang Seo độc đạo một lối đi

Nhũ đá ngàn năm thật lạ kỳ

Ông lân nằm dài say ngất ngưỡng

Chim kêu vượn hót chẳng biết chi.

Hang Sơn Dương:

Khung cảnh hoang sơ trước cửa hang

Sơn dương tìm đến sống từng đàn

Nước non hoa lá tha hồ mát

Khung cảnh thần tiên giữa mây ngàn.

Hang Trần:

Hang Trần nhũ đá tựa viên cung

Lớp lớp chen nhau tận cửu trùng

Quy hậu ngủ yên đàn hải cẩu

Ngàn năm canh giữ giữa lòng thung.

Và cả đền Phủ Khống:

Tuẩn tiết theo vua bảy danh thần

Lòng trung vì nghĩa tiếc gì thân

Khói hương nghi ngút đền Phủ Khống

Ngàn năm con cháu mãi tri ân

Cây thị ngàn xưa vẫn trổ hoa

Đá cổ linh thiêng gốc thị già

Ngàn năm cho ra hai loại quả

To thì đãi khách, bé dâng trà…

Cô Thắm cho biết làm nghề này cực nhất là mùa nước dâng, có những hang ngập phải tát nước cho thuyền khẳm lút xuống, người chèo đò phải nhảy xuống nước vừa bơi vừa đẩy thì mới qua được hang. Khi tâm sự tới đây, lần đầu tiên tôi thấy ánh mắt cô Thắm trở nên xa xăm, rượi buồn.

Khi chúng tôi vào lại bến sông Sào Khê, hàng trăm chiếc thuyền chở du khách vẫn còn nối đuôi rời bến, những chiếc áo phao màu cam rực rỡ soi bóng xuống nước làm cho trời nước nơi này bừng sáng thêm lên. Danh thắng Tràng An là vùng bảo vệ đặc biệt của Cố đô Hoa Lư, gắn liền với các giá trị lịch sử văn hóa của vùng cố đô nên được đầu tư mở rộng để trở thành khu du lịch lớn. Chính phủ đã cho phép Ninh Bình tiến hành khai quật, nạo hút bùn đất tạo đường giao thông thủy bộ và làm nổi bật các giá trị văn hóa, du lịch của danh thắng này. Khu sinh thái hang động Tràng An là một khu du lịch với tổng hợp các sản phẩm như du lịch lịch sử, văn hóa, tâm linh, lễ hội, khám phá cũng như nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học... Đây là khu du lịch tầm cỡ và quy mô ở Việt Nam với tổng diện tích được quy hoạch lên tới 12.000 ha. Mong rằng hơn 900 cô chèo đò đa năng ở Tam Cốc, Tràng An, những nghệ sĩ nghiệp dư tài hoa, ngày càng được trả công xứng đáng cho sự cực nhọc mà họ đã đổ mồ hôi sôi nước mắt vì kế sinh nhai và vì tình yêu quê hương.

Ghi chép: Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Những phụ nữ đa năng ở Tam Cốc, Tràng An