Theo dõi trên

Ông lập văn bia - cháu xây hồ đập

13/03/2020, 10:31 - Lượt đọc: 120

Bài 1: 2 bài văn bia - một thời Bình Thuận

BT - Năm Nhâm Tuất - 1862, sau khi Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam bộ, nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông từ quê phủ Tân An, tỉnh Gia Định ra tỵ địa, từ đó Phan Thiết, Bình Thuận là quê hương thứ 2 của ông. Sau nhiều năm ra làm việc quan ở Khánh Hòa, Quảng Ngãi và ở Kinh, năm Quý Dậu - 1873 ông cáo quan về nghỉ ở Trại Núi, thôn Vĩnh Hòa (nay là khu vực núi Tà Dôn, xã Hàm Đức). Sau đó lại được sung chức Doanh điền sứ ở Bình Thuận và lãnh chức Bố Chánh tỉnh Bình Thuận. Bấy giờ ông bị bệnh nhưng ông vẫn tận tụy phục vụ dân nước. Năm Mậu Thìn - 1878 ông xin nghỉ dài hạn ở Trại Núi. Tuy đã nghỉ việc công nhưng trong thời gian này ông vẫn cùng với các quan giải quyết một số vấn đề tranh chấp tại địa phương, đồng thời sắp đặt cho đồng bào trong Nam ra tỵ địa ở Phan Thiết, lập Đồng Châu xã. Tại đây ông lập một nhà học có tên Ngọa Du Sào. Sau đó lại được triều đình sung chức Điền nông phó sứ kiêm lãnh chức Đốc học Bình Thuận, đến năm Giáp Thân -1884 (ngày 16/6 âm lịch) ông mất, hưởng dương 57 tuổi.

Bài văn bia trên mộ Nguyễn Thông

Khu lăng mộ Nguyễn Thông tọa lạc trên đồi Ngọc Lâm, ở sát cạnh chân núi Ngọc Sơn (Phú Hài), nơi mà từ khi còn làm Bố Chánh Bình Thuận ông thường công du đến và rất say mê cảnh non nước, trời biển, trăng sao… ở chốn này. Vì thế ông quyết định chọn nơi đây làm chốn yên nghỉ ngàn thu của mình sau khi từ giã cõi đời. Tại mộ phần của ông có một bài Văn bia chữ Hán khắc vào bia đá mà chính ông là tác giả, hậu thế gọi là Văn bia Nguyễn Thông. Văn bia có đoạn:

“Non sông cùng với vũ trụ còn mãi, con người rốt cuộc lại về chốn không còn gì nữa, người hiền, kẻ ngu đều biết…

Văn bia mộ Nguyễn Thông (Phú Hài, TP. Phan Thiết).

Sau khi ta trăm tuổi rồi, hồn phách còn nhớ đến núi non chăng? Hoặc rốt cuộc cũng về chốn không còn gì chăng, đều không thể biết được. Còn như hoa rừng, trăng biển, buồm ngư phủ, chòi tiều phu, vẻ lạ của khói mây thay đổi, hình thù của thuồng luồng chập chờn, sau này có thể giúp vào cuộc thưởng thức của tao nhân mặc khách vậy”. (Trích Văn bia Nguyễn Thông – Giáo sư Phạm Triền lược dịch).

Bài Văn bia ở khu mộ vợ chồng ông Nguyễn Quý Anh và bà Lý Thu Liên

Nguyễn Thông có 2 người con là Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh, đều là những nhân sĩ yêu nước trong phong trào Duy Tân ở Bình Thuận. Sau năm 1911, ông Nguyễn Quý Anh vào Sài Gòn điều hành Công ty Liên Thành tại Chợ Lớn.

Bài văn bia khắc trên khu mộ của ông Nguyễn Quý Anh và bà Lý Thu Liên. Ảnh: Internet

Khu mộ của vợ chồng ông Nguyễn Quý Anh và bà Lý Thu Liên an táng tại phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh. Ở khu mộ có một bài văn bia mà tác giả là ông Hồ Tá Bang viết chữ Quốc ngữ khắc trên bia đá. Xin trích lại phần chính văn bài Văn bia:

“Tiên sanh họ Nguyễn, tên Quý Anh, tự Nhụ Khanh, hiệu Thành Ấm, giòng Kỳ Xuyên, xứ Tân Thạnh trong Nam kỳ (...)

Khi Nam kỳ lục tỉnh nhượng cho nước Pháp, tiên công dời nhà ra tỉnh Bình Thuận, cùng đồng nhân trong Nam, lập một làng ở Phan Thiết, đề chỗ ở là “Ngọa Du Sào” làm nơi hưu lão, nay làng Thành Đức, tổng Đức Thắng, tức là làng thứ 2 của tiên công, mà cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của Nhụ Khanh tiên sanh vậy.

Tiên sanh tư chất đỉnh ngộ, tuổi nhỏ đã mồ côi, việc giáo tập theo nền nếp Nho gia, tánh tình lương thiện. Năm 1905 khi đang theo nghề khoa cử lưu học tại trường tỉnh Bình Định, bỗng gặp mấy ông danh nhơn Quảng Nam Trần Thái Xuyên, Phan Tây Hồ du lịch Nam kỳ, đi ngang qua kết giao thành duyên tri ngộ.

Lúc bấy giờ, phong trào tân học, Âu hóa mới bắt đầu tràn đến nước ta, Tiên sanh liền đổi ngay tư tưởng, bỏ nghề khoa cử, cùng các bạn đồng chí sáng lập Liên Thành thơ xã, Liên Thành thương quán và Trường Dục Thanh tại Phan Thiết, chí tại thực nghiệp và đào tạo nhơn tài, để thu dụng về nền kinh tế - xã hội mai sau.

Năm 1906, Liên Thành thương quán thành lập, thương nghiệp xứ Trung kỳ do người Nam chủ trương. Liên Thành là một hội buôn đầu tiên, mà người sáng thủy là hai ông Trọng Cảnh và Tiên sanh vậy. Tôi là Hồ Tá Bang cùng ông Trần Lệ Chất đương làm việc ở tòa sứ Phan Thiết, có tán hoạch đôi điều, chánh lúc ấy đính giao cùng anh em Tiên sanh.

Năm 1911, Tiên sanh giao việc nhà cho thân huynh, vào Nam kết hôn cùng lịnh ái họ Lý, con nhà cự phú lương thiện ở Cholon. Kết hôn nhân, ở đây luôn.

Người Nam về Nam, vẫn là duyên tác hiệp thiên thành, vừa cũng là vâng theo di huấn “Lá cây về cội” của Tiên công vậy.

Tiên sanh tạ thế, gia quyến Tiên sanh cậy tôi soạn bài mộ bia, theo nghĩa không từ chối được, nên tôi xin thuật đại lược như trên này (…)

Bài văn bia là một tư liệu quý để chúng ta hiểu rõ thêm về sự ra đời của Liên Thành thương quán và Trường Dục Thanh. Đó là vào năm 1905 ông Nguyễn Quý Anh đang học tại Trường Bình Định, gặp được 2 nhà chí sĩ Trần Thái Xuyên, Phan Châu Trinh. Ông liền đổi ngay tư tưởng bỏ nghề khoa cử, năm 1906 cùng các bạn đồng chí sáng lập ngay Liên Thành thơ xă, Liên Thành thương quán và năm 1908 lập Trường Dục Thanh.

Về tác giả bài Văn bia, ông Hồ Tá Bang (Ất Hợi - 1875 – Nhâm Ngọ - 1943), người làng Kế Môn, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên, sau dời vào cư ngụ ở thị xã Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Thời niên thiếu ông theo học khoa cử, thông chữ Quốc ngữ nhưng không thi. Năm Mậu Tuất 1889 làm ký lục tại Tòa sứ Phan Thiết, sau đổi về làm ở Tòa sứ Hội An. Ông là người chịu ảnh hưởng tư tưởng nhà duy tân Nguyễn Lộ Trạch từ lúc còn ở quê nhà (làng Kế Môn, tỉnh Thừa Thiên).

Hồ Tá Bang là 1 trong 6 nhân vật (Trần Lệ Chất, Nguyễn Hiệt Chi, Ngô Văn Nhượng, Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh) chủ chốt của Trường Dục Thanh và Công ty Liên Thành ở Phan Thiết. Phong trào này nhằm phát triển kinh tế, giáo dục để hỗ trợ cho phong trào cách mạng trên đường duy tân cứu nước. Khoảng tháng 8/1910, ông cùng Trương Gia Mô đưa Nguyễn Tất Thành vào Sài Gòn tìm đường sang Pháp, rồi ông trở ra lại Phan Thiết(1).

Người mà ông Hồ Tá Bang và ông Trương Gia Mô đưa vào Sài Gòn tìm đường sang Pháp, sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh – Bác Hồ kính yêu của chúng ta, Người đã tìm ra con đường cứu nước, cứu dân, con đường giải phóng dân tộc, con đường cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tìm hiểu, đọc lại bài Văn bia ở phần mộ nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông chúng ta không khỏi chạnh lòng thương nhớ tiền nhân, sau bao năm không hợp tác với Pháp, ra Bình Thuận tỵ địa, cuối cùng thì ông cũng chỉ biết gửi lòng mình vào cỏ cây, non nước theo đạo lý của một nhà nho yêu nước. Càng thương nhớ ông Trương Gia Mô một chí sĩ, một nhà yêu nước cũng đành gieo mình từ trên đỉnh núi Sam, Châu Đốc xuống chân núi tử tiết. Còn ông Hồ Tá Bang bằng con đường duy tân, phát triển kinh tế, giáo dục cũng thể hiện tấm lòng yêu nước chung, song ngôi Trường Dục Thanh đã bị nhà cầm quyền Pháp đóng cửa từ năm 1912. Và ông an phận làm “Tổng lý” Công ty Liên Thành gần 30 năm. Ông mất năm 1943, thọ 69 tuổi, phần mộ tại đồn điền của ông ở cây số 14 đường đi Sài Gòn vào, nay thuộc xã Hàm Kiệm. Trước khi mất ông lo trước sinh phần, có câu đối khắc vào đó: “Sinh vi nô lệ sinh do tử/Tử hữu tinh thần tử nhược sinh (Sống làm nô lệ sống như chết/Chết có tinh thần chết như sống)”.

Để tưởng nhớ các bậc tiền nhân, tại thành phố Phan Thiết có một con đường mang tên Nguyễn Thông qua trung tâm phường Phú Hài, ngôi trường THCS của phường cũng mang tên ông và Khu lăng mộ của ông cũng đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia; HĐND tỉnh Bình Thuận cũng đã đặt tên đường Trương Gia Mô tại phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết. Còn tại Sài Gòn từ trước đã có con đường mang tên Nguyễn Thông ở quận 3. Ngày 17/2/2011, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã có quyết định xếp hạng Di tích cấp thành phố đối với Di tích lịch sử mộ ông Nguyễn Quý Anh và bà Lý Thu Liên, tại khu phố 1, đường Thoại Ngọc Hầu, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú. Tháng 6/2012, HĐND TP. Hồ Chí Minh, đặt tên Nguyễn Quý Anh tại một con đường ở phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú.

Đọc lại 2 bài văn bia của một thời Bình Thuận để thêm yêu quê hương, đất nước mà dốc sức dốc lòng trong sự nghiệp đổi mới, chấn hưng dân tộc hôm nay...

Võ Ngọc Văn

(1):Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam- Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ông lập văn bia - cháu xây hồ đập