Theo dõi trên

Phan Thiết: Vì sao thiết chế văn hóa, thể thao còn bỏ ngỏ?

28/02/2018, 09:47 - Lượt đọc: 12

BT- Nhiều năm qua, thành phố Phan Thiết được công nhận là đô thị loại 2. Tuy nhiên, một số tiêu chí của đô thị loại 2 cũng chưa đạt yêu cầu, nhất là các thiết chế văn hóa, thể dục thể thao trên địa bàn thành phố. Hiện hầu hết các thiết chế văn hóa, thể thao trên địa bàn thành phố Phan Thiết đều do tỉnh đầu tư và quản lý như: Sân vận động, nhà thi đấu tổng hợp hoặc nhà hát sắp được xây dựng… Những thiết chế này hàng năm cùng với việc tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thành phố Phan Thiết đã phục vụ nhân dân đáp ứng một phần nhu cầu hưởng thụ văn hóa, luyện tập thể dục, thể thao cho người dân trên địa bàn.

Hàng năm, UBND tỉnh phân khai kinh phí hỗ trợ cho các địa phương đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao cấp xã, thôn, trong đó ưu tiên các xã đăng ký về đích nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020. Do đó, các xã nông thôn mới đã chủ động nguồn kinh phí cùng với kinh phí hỗ trợ của tỉnh, huyện, thành phố để thực hiện đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa của địa phương mình phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao và vui chơi giải trí cho nhân dân. Tuy nhiên, sau gần 5 năm xây dựng nông thôn mới, các thiết chế văn hóa trên địa bàn thành phố vẫn còn hạn chế; công tác xã hội hóa thiết chế văn hóa, thể thao còn nhiều bất cập, trong khi đó nhu cầu tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, văn hóa nghệ thuật của người dân rất lớn. Vậy vướng mắc này do đâu?

Ngày 7/1/2015 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 35 về phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Theo đó, đối với các thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, thị xã, thành phố trong giai đoạn 2015-2020 phải hoàn thành quy hoạch đất để nâng cấp và xây dựng mới Trung tâm văn hóa, thể thao theo tiêu chuẩn của Bộ Văn hóa,thể thao vàdu lịch, bao gồm: Hội trường đa năng, sân khấu phục vụ tập luyện và biểu diễn văn nghệ, khu triển lãm, khu vui chơi giải trí, nhà tập luyện thể dục, thể thao, công trình phụ trợ…

Thực hiện kế hoạch trên, ngày 25/8/2015 UBND thành phố Phan Thiết ban hành Quy hoạch số 130 về phát triển hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn thành phố Phan Thiết. Theo đó, mục tiêu cụ thể trong giai đoạn 2015-2020, thành phố Phan Thiết phải hoàn thành kế hoạch giao đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao như: Xây dựng Trung tâm Thể dục, thể thao thành phố, trong đó có thiết chế tổng hợp: trụ sở làm việc, nhà luyện tập thể dục thể thao, hồ bơi… Song, đến nay UBND thành phố Phan Thiết chưa thực hiện được việc quy hoạch quỹ đất để xây dựng Trung tâm Thể dục, thể thao thành phố.

Như vậy, vấn đề vướng mắc trong xây dựng thiết chế văn hóa ở thành phố Phan Thiết giai đoạn 2015 - 2020 là thiếu quỹ đất dành cho lĩnh vực văn hóa, thể thao cộng đồng. Thiết nghĩ, năm 2018 nếu UBND thành phố Phan Thiết vẫn chưa bố trí được quỹ đất để xây dựng Trung tâm Thể dục, thể thao thì khó có thể hoàn thành đúng kế hoạch đề ra và cũng không có điều kiện để kêu gọi thực hiện xã hội hóa, thiết chế văn hóa, thể dục, thể thao. Trên thực tế, nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của nhân dân rất lớn, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên. Nắm bắt được nhu cầu đó, nhiều cá nhân đã mua hoặc thuê đất xây dựng sân bóng đá mini trong các khu dân cư để kinh doanh sân bãi. Song, số sân bóng hiện tại cũng chỉ đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu của những người dân ưa thích môn bóng đá, tennis, cầu lông; còn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật khác vẫn thiếu nơi tổ chức sinh hoạt, giao lưu, biểu diễn.

LÊ THANH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phan Thiết: Vì sao thiết chế văn hóa, thể thao còn bỏ ngỏ?