Theo dõi trên

Phát triển du lịch Phú Quý: Cẩn trọng khai thác tiềm năng

05/11/2018, 08:23

BT- Theo hướng quy hoạch đến năm 2025, Phú Quý sẽ trở thành khu du lịch trọng điểm của Bình Thuận nhằm phát huy tiềm năng lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng biển đảo gắn với di sản, tìm hiểu văn hóa biển, ẩm thực biển… Đến năm 2030, phấn đấu đưa Phú Quý cơ bản đáp ứng các tiêu chí của khu du lịch cấp tỉnh và là khu du lịch biển đảo hấp dẫn, có vị trí quan trọng ở vùng duyên hải Nam Trung bộ. 

                
      
   Du lịch Phú Quý hiện còn ở dạng tiềm năng    nhưng cần cẩn trọng khai thác để đem lại hiệu quả cao và bền vững.

Kỳ vọng “đảo ngọc”

Phú Quý hiện được xem là “đảo ngọc” của Bình Thuận với nhiều cảnh đẹp tự nhiên, gần như chưa có sự tác động đáng kể của các dịch vụ du lịch chuyên nghiệp như trong đất liền. Về cảnh quan thiên nhiên, nơi đây có không ít bãi biển lý tưởng như vịnh Triều Dương, bãi nhỏ Gành Hang hay bãi Doi Dừa… cùng với đó là các đảo xung quanh mang đậm nét hoang sơ. Nghiên cứu cho thấy, tài nguyên du lịch của huyện đảo (trong đó có tài nguyên văn hóa) rất phong phú và đa dạng, đây cũng là tiền đề phục vụ phát triển nhiều loại hình về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển, thể thao giải trí trên biển có khả năng cạnh tranh cao.

Những năm gần đây, lượng khách ra Phú Quý ngày càng nhiều hơn nhờ chủ trương hướng về biển đảo nên đã tăng từ 7.050 lượt vào năm 2016 lên khoảng 16.600 lượt trong năm 2017 với nguồn khách chủ yếu đến từ TP. HCM, các tỉnh miền Tây Nam bộ và miền Bắc… Còn theo dự báo về phát triển du lịch Phú Quý, trong năm 2020 huyện đảo có thể đón 24.000 lượt (có 1.000 lượt khách quốc tế), đến năm 2025 là 45.000 lượt (khách quốc tế khoảng 3.000 lượt) và tiếp tục tăng lên 74.000 lượt (trong đó có 6.000 lượt khách quốc tế) vào năm 2030.

Để phục vụ đa dạng đối tượng du khách, “đảo ngọc” của Bình Thuận phải tính đến đầu tư phát triển nhiều loại hình lưu trú từ homestay tới khách sạn cao cấp, từ dịch vụ ven bờ đến giải trí trên biển, hoạt động ban ngày lẫn ban đêm… Bởi đến nay, trên địa bàn Phú Quý chỉ có hơn 30 cơ sở dịch vụ lưu trú đang hoạt động, mới đáp ứng nhu cầu của khách trong ngày bình thường và chưa có cơ sở lưu trú đẳng cấp để có thể đón khách quốc tế. 

Nhưng cần cẩn trọng

Về phát triển du lịch Phú Quý, thời gian qua UBND huyện xác định du lịch cùng với khai thác - thu mua - nuôi trồng - chế biến hải sản sẽ là hai ngành kinh tế chủ lực và mũi nhọn của huyện trong tương lai. Do đảo Phú Quý có vị trí hết sức quan trọng về quốc phòng an ninh, nên việc quản lý để phát triển kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng luôn đặt trong mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế với quốc phòng an ninh, tuyệt đối không được xem nhẹ mặt nào.

Tại hội thảo chuyên đề “Thực trạng và giải pháp quản lý các điểm đến du lịch trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” được tổ chức vào cuối tháng 10/2018, ông Ngô Tấn Lực - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý cũng đề xuất một số giải pháp liên quan. Theo đại diện lãnh đạo chính quyền huyện đảo thì không nên phát triển du lịch Phú Quý một cách ồ ạt, thu hút nhiều nhà đầu tư đến xây dựng nhà cao tầng… vì như thế sẽ mất hết đất, phá vỡ không gian và cây xanh giữ nguồn nước. Thay vào đó cần giữ vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên và chỉ lựa chọn số ít nhà đầu tư có tiềm lực kinh tế để hình thành điểm nhấn cho huyện đảo, hướng tới thu hút khách du lịch cao cấp. Để phát triển du lịch Phú Quý bền vững, huyện đảo cũng nên có kế hoạch và khuyến khích người dân trồng cây lâu năm trên đất nông nghiệp, từ đó hình thành mô hình homestay dưới bóng cây hoặc trên thân cây. Tuy nhiên với loại hình du lịch này, đối tượng tham gia tuyệt đối không được xây dựng trên đất nông nghiệp mà sử dụng những loại vật liệu, dụng cụ lắp ghép, dễ tháo gỡ, di dời…

Với dịch vụ ở khu vực gần bờ, có thể yêu cầu du khách lẫn người dân chỉ sử dụng cước để câu giải trí, còn tất cả các loại dụng cụ khai thác hải sản khác như lưới, lặn, chỉa, bắn, thuốc nổ, chất độc, đào bới… phải nghiêm cấm. Huyện đảo cần tiếp tục sắp xếp và quản lý việc nuôi trồng lồng bè kết hợp với phát triển du lịch, bởi đây là mô hình được nhiều du khách ưa chuộng mỗi khi ra huyện đảo. Cũng theo đề xuất của đại diện lãnh đạo huyện, thời gian tới tỉnh cần quan tâm, cho phép thu phí tham quan ở một số điểm hút khách trên địa bàn để tạo nguồn kinh phí phục vụ phát triển du lịch Phú Quý trong thời gian tới.

    
  

  Sẽ tính đến   kêu gọi, hỗ trợ đầu tư sân bay hỗn hợp tại Phú Quý

      Tương lai gần khi du lịch có bước chuyển dịch khá, Phú Quý sẽ tính đến   đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm giúp đỡ huyện đảo trong kêu gọi,   hỗ trợ đầu tư sân bay hỗn hợp (vừa quân sự vừa dân dụng). Đây là tiền đề   hết sức quan trọng để “đảo ngọc” của Bình Thuận thu hút khách du lịch   cao cấp xuất phát từ Sân bay Nội Bài (Hà Nội) hoặc Sân bay Tân Sân Nhất   (TP. HCM) và các sân bay khác từ Đà Nẵng, Khánh Hòa… đến Phú Quý.

ĐÌNH QUỐC



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Tập trung những điểm nóng để giải quyết thiếu nước sạch cho dân
BTO-Chiều 23/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải chủ trì buổi họp nghe báo cáo đề xuất giải quyết việc thiếu nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh. Tham dự cuộc họp tại đầu cầu UBND tỉnh có lãnh đạo các sở, ngành liên quan và được kết nối trực tuyến với các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phát triển du lịch Phú Quý: Cẩn trọng khai thác tiềm năng