Theo dõi trên

Phép lũy thừa của nhớ

23/12/2016, 10:24

BT- Thời gian đang trôi đều bỗng chồm lên, cuốn người theo, chân không bén đất. Bước chân đen đúa, nứt nẻ cũng bay bay bươn bươn trên mặt đường đất núi, trên bờ ruộng sình. Những hoa đời  khăn lụa, cổ cồn cũng bay, cũng nghẹn, cũng tất tả trên các nẻo đi về phố thị. Tất cả đều bay cùng một kiểu, nhấp nhô với những lo toan, những hối thúc vướng víu nặng trĩu trong đầu, trong tim. Mùa mà tất cả đều bay, không cánh cũng bay đích thị là mùa giáp tết.

                
Ảnh minh họa

Nhà tôi ở ngay mặt quốc lộ 1A nên năm nào cũng chứng kiến cảnh nườm nượp hàng đoàn xe hai bánh đùm túm, ràng rịt đủ thứ gói giỏ nối đuôi nhau bay vèo vèo về miền Trung. Họ bay trên đường từ tinh mơ đến khuya khoắt. Nguồn gốc, quê hương bản quán thôi thúc. Mẹ cha, máu mủ ruột rà thôi thúc. Và cả những lời hứa, lời nguyện, cả niềm danh dự, nỗi tự hào thôi thúc họ bay thật nhanh về nhà. Tết tựa điểm hồng tâm tổ ấm mồn một đó mà cũng mờ xa đó của đàn đàn chim trời mỗi hoàng hôn, mỗi chu kỳ đời sống giáp mãn, đều phải bay về. Đi để về. Bay để về. Và nhiều lúc về cũng chỉ để về mà thôi.

Ông bạn tôi bỏ quê tha phương cầu thực với lời hứa khi nào có tiền mới về quê ăn tết. Bạn tôi cuồng lên với việc kiếm tiền, cật lực không có giờ nghỉ như kẻ bị tâm thần phân liệt, vì cái lời tự hứa ấy. Tiền kiếm được gói gém từng lọn, từng cuộn, từng gim băng túi nhựa, thành quả của ba năm trời giờ dồn hết vào giỏ, tiền một bên, quần áo một bên. Vừa huýt sáo vừa ra bến xe miền Đông. Chiếc xe nhằm hướng miền Trung trực chỉ, mang theo trên chiếc ghế da giữa xe một nụ cười mãn nguyện cùng những dự tính bay bổng lâng lâng. Bạn tôi đang bay về quê với niềm tin tết này nở mặt nở mày với gia đình, hàng xóm, với người con gái bên kia hàng rào dâm bụt. Đùng một cái, xe cháy bùng lên sau cú va chạm cực mạnh làm vỡ bình xăng, do lâng lâng nghĩ tới viễn cảnh tết nhất không sao chợp mắt được mà bạn tôi thoát chết. Nhảy ra khỏi đống lửa ngùn ngụt rồi mới sực nhớ cái giỏ. Điên cuồng lao vào lại mấy lần đều bị mọi người giữ rịt, cùm cứng hai tay. “Người sống đống vàng, giỏ tiền ấy chẳng là gì so với mạng sống!”, mọi người xúm lại khuyên can. “Nhưng… tất cả công sức ba năm trời của tôi… trong… đó…”. Mặt mày đỏ kè rồi chuyển sang tái mét, bạn tôi thả người ngồi phịch xuống trừng trừng nhìn ngọn lửa càng lúc càng hung hãn trùm kín chiếc xe và những xác người không kịp vẫy vùng. Hành trình bay đột ngột bị dừng lại, người bay rớt nhanh xuống vực thẳm của nỗi tủi nhục, của tiếc rẻ và thất vọng, của hụt hẫng và bàng hoàng. Tết năm đó, bạn tôi đóng cửa nằm nhà, hai mắt thất thần, miệng người như miệng hến.

Cả khúc ruột miền Trung dằn dặt, cả những thung quê, đường làng, ngõ nhỏ giao lại cho người già. Trẻ có học có hành, trẻ năng động, cường tráng được hút hết về những thành phố lớn để tìm cơ hội, để có việc làm và để biến mơ thành thật. Quê như cái lon quấn sợi dây diều, mỗi khi giáp tết thì xoay tròn quấn quíu. Có con thả bay trời xa, mỗi khi giáp tết mắt già đợi trông. Người già quê tôi giáp tết cũng bay bay dữ lắm, làm như lực hút trái đất đã yếu đi rất nhiều khi sức mạnh của tình cảm ruột rà chợt bừng lên ấm nóng. Những xấp lá chuối bọc buộc giữ gìn mới rọc vội cuối vườn, những hộc cốm ngọt lịm đường rim bày nong nia phơi dọc rào dâm bụt, những cội mai, cây hồng sáng bừng lên lộc biếc… Tất cả đều được đánh đổi bằng những thâu đêm suốt sáng, những chân bay dẻ đất, những tất bật bận bịu, những vun vun vén vén… Cả năm có ai đâu, tết bọn nhỏ nó về, làm chút gì cho ấm nhà ấm cửa, làm chút gì cho bù những ngày con thiếu thốn, tha hương. Nghĩ tới con, cám cảnh cho con mà không ngủ được, lọ mọ từ sân vườn đến bếp núc, lọ mọ từ sao mai mọc đến sao hôm lặn, cái bánh cái trái, buồng chuối, dĩa xôi là cái cớ để giọt máu tìm về trong tâm tưởng, trong yêu thương, tìm về và chăm chút cho nhau. Tết vì vậy mà ấm áp vô cùng tình gia đình, bản quán! Tết vì vậy mà như phép lũy thừa của nhớ, có cộng hết đường đi đường về, đường bay dẻ đất, đường bén bàn chân, có nhân mấy lần những nụ cười, vòng tay gặp lại cũng không sao nói hết niềm sum họp vui vầy.

Tết bay về. Tết bay đi. Những đường bay không cánh. Những đường bay của thương, của đợi, của hiên chiều, của ngõ phố. Đi để đi trong quyến luyến mà phải bay để về bởi háo hức chờ trông. Mùa mà tất cả đều bay, không cánh cũng bay đích thị là mùa giáp tết.

   Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Phép lũy thừa của nhớ