Quà tuổi thơ…
Quà tuổi thơ…
BT- Có những thứ quà chẳng phải sơn hào hải vị, vậy mà cứ ngọt nơi đầu lưỡi, vấn
víu hết tuổi thanh xuân…
Đến mãi gần 10 giờ, nắng mới đẩy hết làn sương mỏng đi để nhuộm vàng khắp góc
vườn. Muộn đấy, chần chừ đấy, nhưng ngược lại, “chiếm lĩnh” được thì nắng giòn
rụm, vàng thơm. Đám dưa leo, đậu ve, khổ qua, mướp hương chỉ chờ có thế đua nhau
nảy lộc, vươn những “cánh tay” dài sang tận giàn, tận những ngọn cây già bác
nông dân trồng làm hàng rào. “Thời tiết cuối năm ưu ái cho cây cối nên thứ gì
cũng ngon”. Câu nói ngắn gọn ấy của lão nông không biết để chia sẻ cho tôi hay
lời thì thầm ông dành cảm ơn cây. Mà cho ai cũng chẳng sao, có điều chắc chắn nó
được đúc rút từ tình yêu đất, yêu cây mấy mươi năm ở mảnh vườn nhỏ.

Lê-ki-ma, quà tuổi thơ của những đứa trẻ quê nghèo
Bất giác tôi nhìn theo những ngọn mướp hương không chịu bò theo giàn mà cứ quấn
lấy nhành cây lê-ki-ma. Trên ấy, có đôi chim đang hạnh phúc xây tổ ấm. Trên ấy
những chùm quả lúc lỉu, đang chuyển sang màu vàng. Lâu lắm rồi mới bắt gặp thứ
quả ấy, nên lòng bỗng reo vui. Loại cây ăn trái không mang lại giá trị kinh tế,
chỉ là thứ quà cho lũ chim, cho bọn trẻ lúc chờ cơm, lúc tụm năm tụm bảy. Cả một
trời tuổi thơ cứ thế ùa về…
Chẳng đợi cho quả chín, 5 cái đầu tóc ngắn, tóc dài đủ cả, xúm lại chia nhau,
đứa hái, đứa xắt, đứa làm muối. Vị chát của lê-ki-ma, kèm vị chua của khế quéo
đầu lưỡi, khắt cả cổ họng thế mà cả lũ đánh chén ngon lành. Đĩa thức ăn “khai
vị” của những đứa trẻ nông thôn không có giá trị dinh dưỡng, nhưng gia vị tình
bạn thì ngọt đậm đến tận 20 năm nay. Mân mê từng chùm quả, rồi thầm nghĩ chắc
lão nông kia cũng vấn vương giống mình. Quả không sai, khi với ông lão rặt gốc
miền Trung ấy, mấy mươi năm trước cứ chờ dịp cuối năm, những chùm lê-ki-ma
chuyển sang mặc chiếc áo vàng mỡ gà là đám trẻ chăn trâu hẹn nhau “nhập tiệc”.
Gốc cây già không biết bao mùa đã gắn bó với lão nơi đất khách. Rồi thêm đôi
chim đến hẹn lại về làm tổ. Niềm vui cứ thế mà theo tháng năm.
Thế mới thấy đâu cứ sơn hào hải vị, đâu phải thứ quà đắt tiền mới ngon, mới giá
trị. Có nhiều khi những thứ tầm thường, rau quả dại ven vườn mà vấn víu hết tuổi
xuân, mang hương vị tinh thần lớn, đâu phải đầu bếp nổi tiếng là chế biến được.
Thục Anh