Theo dõi trên

“Quyền lực Bà Rồng”, cuộc đời lạ thường của Trần Lệ Xuân

19/01/2018, 13:54

BT- Lần đầu tiên sau hai mươi năm, cựu Đệ nhất phu nhân Ngô Đình Nhu, madam Trần Lệ Xuân cho phép một người phương Tây phỏng vấn mình. Đó là Monique Brinson Demery, sau mười năm tiếp tục nghiên cứu trong bối cảnh chiến tranh Việt Nam, quyển sách "Quyền lực Bà Rồng" đã ra đời và được đón nhận nồng nhiệt.

Quyển sách dày 360 trang này là cuốn tiểu sử khá chân xác, đặc biệt cuốn hút người đọc với những bí mật riêng tư chưa từng được biết đến và kết cục lưu đày, cô liêu bi thảm của người đàn bà quyền lực một thời.

Tác giả Monique Brinson Demery, thạc sĩ Đông Á học của Đại học Harvard, đã lần tìm được dấu vết của  "Bà Rồng" Trần Lệ Xuân và đã thuyết phục được bà thú nhận mình là kẻ có cõi lòng tan nát, sâu thẳm bên trong là sự yếu đuối ,nhưng kiểu gì thì bà cũng không nhận trách nhiệm về vai trò của mình trong cuộc chiến tranh đã hủy hoại nhiều cuộc đời của dân tộc Việt và kẻ cả người Mỹ.

Hơn bốn mươi năm lưu vong, đã từng ở đỉnh cao danh vọng, đã từng được tờ New York Times  gọi là người đàn bà “quyền lực nhất” châu Á, đã từng được xưng tụng là "Bà Rồng", với vẻ đẹp nguy hiểm và sự khác biệt của con người này đã trở thành biểu tượng cho mọi sai lầm vì can dự của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam.

Chuyện bắt đầu từ cuộc đời của song thân bà Nhu: Ông Trần Văn Chương, đại địa chủ và là luật sư đầu tiên có bằng tiến sĩ luật tại Pháp và bà Thân Thị Nam Trân,  cháu ngoại của Kiên Thái Vương (em vua Tự Đức). Bà Nhu đã ra đời từ cái nôi vương giả đó nhưng ít ai biết rằng chính từ gia đình này những bi kịch về nhân sinh đã được đẩy tới ngưỡng cao nhất. Để xoay xở giữ được đời sống vương giả xa hoa qua được những biến động trong lịch sử chính trị Việt Nam, vợ chồng ông Chương đã hết ôm chân Pháp lại đến ôm chân Nhật. Lớn lên từ một gia đình phức tạp, một ốc đảo vương giả như vậy, Trần Lệ Xuân đã sớm có một tính cách lạ thường, trước khi có cuộc hôn nhân với ông Ngô Đình Nhu (một cuộc hôn nhân thực tế, không phải chuyện yêu đương lãng mạn, như bà thú nhận), cô tiểu thư Lệ Xuân chưa từng có một tình yêu ngọt ngào nào. Họ chịu bí tích hôn phối tại Thánh đường Saint Joseph (Nhà thờ Lớn) ở Hà Nội vào năm 1943 với sự cải đạo nhanh chóng của cô dâu. Về gia đình họ Ngô, Lệ Xuân, cô dâu 18 tuổi ấy, nhanh chóng trở thành một “diễn viên ngoại hạng” với những vai diễn phù hợp trong từng hoàn cảnh. Lúc bấy giờ, vị thế của gia đình họ Ngô cũng đã rất nổi tiếng: Người anh cả đang làm Tổng đốc tỉnh, anh thứ hai đang trên bước đường trở thành một trong những vị giám mục công giáo đầu tiên của Việt Nam, người anh thứ ba chính là Tổng thống tương lai Ngô Đình Diệm của Việt Nam Cộng hòa.

Trở thành người đàn bà quyền lực sau  “ngai vàng” nhưng lại  “cô đơn trong hầu hết thời gian” vì những toan tính thực dụng của cuộc hôn nhân, Trần Lệ Xuân từ đó ngày càng độc ác với những câu nói và việc làm lạnh lùng của mình...

Quá quyền lực. Quá tai tiếng. Và quá quyến rũ. Đó là cuộc đời nhiều bí ẩn của madam Nhu Trần Lệ Xuân từ khi sinh ra, trở thành một tiểu thư, trở thành người đàn bà quyền lực đến thời kỳ đảo chính và lưu vong. Tất cả được thể hiện chi tiết, sinh động, khá chân xác qua góc nhìn và sự tái hiện sắc sảo của nữ văn sĩ Monique Brinson Demery và qua bản dịch xuất sắc của dịch giả Mai Sơn. Sách được Nhà xuất bản Hội Nhà văn liên kết với Phương Nam book xuất bản và mới vừa tái bản lần thứ nhất. Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc!

Nguyễn Hiệp



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Sức lan tỏa từ phong trào thi đua “Dân vận khéo”
Thực hiện lời dạy của Bác: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đã có nhiều đổi mới trong công tác dân vận ở cơ sở. Từ đó, xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị của tỉnh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Quyền lực Bà Rồng”, cuộc đời lạ thường của Trần Lệ Xuân