Theo dõi trên

Sách khởi đầu cho sự thay đổi

28/04/2020, 08:35 - Lượt đọc: 42

BT- Chỉ có sách mới giúp ta tự tin hơn vào bản thân trong quá trình giao tiếp, chủ động ứng xử, giải quyết những tình huống và nâng cao tay nghề. Hình thành thói quen đọc sách ngay từ nhỏ là món quà vô giá mà cha mẹ có thể dành tặng con… 

                
   Em Lê Chí Anh say mê đọc sách về lịch sử.

Xây dựng thói quen đọc sách khi còn nhỏ

3 năm liền đạt giải cao trong kỳ thi học sinh giỏi lịch sử cấp tỉnh, kỳ thi Olympic tháng 4 TP. Hồ Chí Minh, còn môn văn luôn đạt 8 phẩy trở lên. Đó là thành tích của Lê Bá Hưng – lớp 12 Trường THPT Phan Bội Châu, TP.Phan Thiết. Bí quyết để yêu thích môn học và học giỏi được Hưng bật mí là nhờ đọc sách.

“Lịch sử mang lại cho em cảm giác tò mò, muốn khám phá và hiểu sâu hơn về các giai đoạn, sự kiện xảy ra trong quá khứ, về quá trình đấu tranh giành độc lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các thế hệ cha ông. Để giải đáp tất cả các câu hỏi trên, em đã tìm đến sách. Em tận dụng tất cả thời gian rảnh rỗi để đọc. Khi đọc thường đặt ra mục tiêu và tùy nội dung mà mình hoàn thành từ 2 - 4 tuần. Đọc sách nhiều giúp em hiểu hơn về địa lý, lịch sử cũng như có cái nhìn khách quan. Từ đó rút ra được những bài học quý giá trong cuộc sống về tinh thần yêu nước, lòng quả cảm, lòng nhân ái. Đồng thời tích lũy cho mình các kỹ năng, phương pháp suy luận khúc chiết khi làm bài, viết văn”, Hưng chia sẻ.

Sách không chỉ là một người bạn lớn về kiến thức, mà còn giúp các em thiếu nhi rèn luyện sự tự tin khi đứng trước đám đông. Chị Đỗ Thị Hải, nhân viên Thư viện tỉnh cho biết: Ngay từ nhỏ chị đã cho bé tiếp xúc với sách. Đọc các mẩu chuyện và khuyến khích con kể lại. Từ khi học lớp 1 đến nay, con tự đọc và rất mê sách, thường xuyên lên thư viện mượn về đọc. Nhờ đọc sách nhiều mà con viết không sai lỗi chính tả và được cô giáo khen mạch văn trôi chảy, có cảm xúc.

Hiện Lê Chí Anh, con trai chị Hải đang học sinh lớp 3, Trường TH Phú Thủy 1, thường được tham gia vào các tiết mục kể chuyện về Bác Hồ do Thư viện tỉnh hay Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Cậu bé có giọng kể ấm và nhập vai một cách tự nhiên gây xúc động cho nhiều độc giả. 

Đọc sách là một cách tự học

Chạy theo guồng quay của cuộc sống hiện đại, hết công việc xã hội đến việc nhà, hết bài vở ở trường đến những lớp học thêm. Thêm nữa thông tin đầy rẫy trên internet, zalo, facebook, thậm chí cập nhật hàng giờ khiến ta cảm thấy “no đủ”. Rồi bỗng vô tình quên đi sách là một người bạn lớn giúp giảm căng thẳng, là hoạt động giải trí lành mạnh trong quỹ thời gian rảnh rỗi ít ỏi. Chỉ có sách mới giúp ta tự tin hơn vào bản thân trong quá trình giao tiếp, chủ động ứng xử, giải quyết những tình huống và nâng cao tay nghề...

Tôi chưa từng gặp và trò chuyện với Rosie Nguyễn (Nguyễn Hoàng Nguyên), một tác giả sách, blogger/facebooker về văn hóa du lịch, giảng viên lớp học kỹ năng và huấn luyện yoga ở TP. Hồ Chí Minh. Nhưng tôi đã được đọc tác phẩm “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu” của cô ấy. Cuốn sách đứng đầu trong top 20 cuốn sách được yêu thích nhất do Nhà sách Fahasa bình chọn. Ngoài những lời khuyên đầu tư cho sức khỏe, học trực tuyến trên mạng, đi du lịch bụi, làm thiện nguyện, làm thêm, tự học các môn nghệ thuật… thì có một nội dung được Rosie Nguyễn nói đến nhiều là đọc sách.

 “Không phải bởi vì tôi là một tác giả, tôi muốn hô hào cổ vũ độc giả đọc nhiều sách, để từ đó gián tiếp thúc đẩy doanh số bán sách của tôi. Hoàn toàn không… Lý do là tôi thấy không biết bao nhiêu người trẻ quanh mình chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của sách, cũng như không biết đọc sách thế nào cho đúng cách. Có 2 loại phản ứng tiêu cực tiêu biểu từ người ít đọc khi được khuyên đọc sách nhiều hơn: “Đọc sách đâu bảo đảm thành công” và “Sách chỉ khiến người ta mơ mộng hão huyền phi thực tế”, Rosie Nguyễn viết.

Đồng thời trích dẫn con số cụ thể như sau: “Rõ ràng không phải ai đọc sách cũng thành công. Nhưng lại có một thực sự rõ ràng khác là những người thành công đọc rất nhiều sách. Một nghiên cứu được tiến hành trên 1.200 người giàu có nhất thế giới cho thấy: Điểm chung giữa những người này là họ tự giáo dục bản thân thông qua việc đọc sách. Bill Gates, Steve Jobs, Warre Buffet đều là những người đọc sách rất chuyên cần.

Warre Buffet từng trả lời trong một bài phỏng vấn rằng ông dành 80% thời gian trong ngày để đọc sách và tiếp thu kiến thức mới. Không chỉ riêng ông, nghiên cứu tiểu sử của những con người xuất chúng khác, ta sẽ thấy điểm chung là họ vui vẻ và say mê đọc sách, ngay cả sau những giờ lao động mệt nhọc. Vì đối với họ, đọc sách là một cách tự học. Và sự học là nghiệp cả đời”.

Sách quả thật kỳ diệu. Vì thế còn chần chừ gì khi không thay đổi lối sống, thói quen để dành thời gian tìm đọc một vài cuốn sách mỗi tuần.

Thùy Linh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sách khởi đầu cho sự thay đổi