Theo dõi trên

Sẵn sàng cho đêm hội Trung thu

09/09/2019, 08:40 - Lượt đọc: 60

BT- Cứ đến tháng 8 âm lịch, cũng là thời gian tiếng trống trường đã điểm, học sinh, thiếu nhi và đông đảo người dân thành phố biển Phan Thiết lại nô nức đón chờ đêm hội rước đèn Trung thu. Dưới trăng thu, hàng ngàn ánh đèn lấp lánh, đa sắc màu phát ra từ những con thú ngộ nghĩnh, muôn loài hoa và cảnh sắc tươi đẹp của vùng đất xứ biển thu nhỏ... là tuổi thơ, là niềm tin, ước mơ của thiếu nhi vui cùng chú Cuội, chị Hằng và gửi gắm quyết tâm học tập trong năm học mới.

                
      
   Các công đoạn cuối cùng của chiếc lồng đèn    lớn đang được UBND phường Mũi Né hoàn thành để tham gia đêm hội.

Đây là năm thứ 2, UBND thành phố giao cho các phường, xã đảm nhận nhiệm vụ làm lồng đèn lớn, để giảm áp lực cho các trường tìm kiếm kinh phí làm lồng đèn. Thực hiện đúng theo tinh thần chỉ đạo, ngoài công tác tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu mục đích, ý nghĩa của hoạt động trung thu, các địa phương đã thực hiện vận động mạnh thường quân và người dân đóng góp, để các em thiếu nhi có một đêm hội ý nghĩa.

Tại UBND phường Mũi Né, nơi có 4 trường tiểu học và 1 trường THCS đóng chân, mọi công tác chuẩn bị cho Lễ hội Trung thu đều đã hoàn thành. Dù địa bàn ở xa nhưng học sinh rất hào hứng đăng ký rước đèn, nhưng để đảm bảo sức khỏe cho các em, các trường chỉ chọn học sinh lớp 5 và lớp 6 cầm đèn nhỏ. Năm nay Mũi Né chọn chủ đề chùa Một Cột để làm mô hình lồng đèn lớn, theo sau là 100 bông hoa 5 cánh. Để không lãng phí, sau đêm rước đèn, mô hình lồng đèn lớn sẽ được giữ lại và chỉnh sửa cho phù hợp trong mùa trung thu sau. Phương thức này đã được thực hiện 2 năm trước đây.

Tuy nhiên để có một mô hình lồng đèn chắc chắn, tái sử dụng được, cần yếu tố kỹ thuật của người thợ và kinh phí bỏ ra trong năm đầu khá lớn. Đây là một trong những khó khăn của nhiều phường, xã, bởi công tác vận động tài trợ gặp rất nhiều khó khăn. Đơn cử như tại phường Phú Tài, Chủ tịch UBND phường Phạm Phúc Thịnh cho biết: Đời sống người dân trên địa bàn phường hiện gặp rất nhiều khó khăn, trong khi số doanh nghiệp, công ty đóng chân ít. Để có kinh phí thực hiện, phường phải trích nguồn kinh phí địa phương, vận động mạnh thường quân và phụ huynh học sinh. 2 lồng đèn lớn của cụm Phú Tài (UBND phường, Trường tiểu học Phú Tài và Trường THCS Nguyễn Du) có chủ đề bánh chưng bánh giầy và con heo, kinh phí trên 30 triệu đồng/lồng đèn. Riêng lồng đèn nhỏ là 100 quả lê và 100 quả cà, các trường phân công giáo viên hướng dẫn học sinh các lớp cùng thực hiện.

Hiện Đoàn thanh niên của các phường, xã cũng đã lên danh sách cử lực lượng đi cùng học sinh rước đèn, hỗ trợ nước uống và dụng cụ để các em có một đêm hội vui vẻ.

Làm gì để sau một đêm hội, những chiếc lồng đèn sẽ tiếp tục được trưng bày cho du khách thưởng lãm, để nhiều người biết hơn về nét đẹp và sự sáng tạo của người dân xứ biển Phan Thiết, và bài toán vận động hay phối hợp với các đơn vị, hiệp hội du lịch để làm lồng đèn trung thu, để giảm áp lực cho những địa phương kinh tế chưa phát triển còn chưa có đáp áp cụ thể. Tuy nhiên có một điều được đa số đồng tình, Lễ hội Trung thu là hoạt động văn hóa truyền thống cần được duy trì, nhằm phát huy tính tư duy, sáng tạo, tinh thần đoàn kết, rèn luyện kỹ năng hoạt động tập thể của học sinh; động viên những em có hoàn cảnh khó khăn, khuyết tật, mồ côi vươn lên trong cuộc sống và học tập.

T.Anh



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp vững mạnh từ “gốc”
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hoặc kém”. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Bình Thuận luôn quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, xem đây là khâu “then chốt” của nhiệm vụ “then chốt”.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sẵn sàng cho đêm hội Trung thu