Theo dõi trên

Sáng tác vọng cổ - đam mê của tài tử

03/01/2020, 16:13

 BT- Trong khuôn khổ buổi trao giải “Cuộc vận động sáng tác lời mới 20 bài bản tổ nhạc tài tử Nam bộ, vọng cổ, chặp cải lương năm 2019” vừa diễn ra. Là người mộ điệu, chợt mừng và hạnh phúc khi đờn ca tài tử, cải lương vẫn còn được nhiều người mến mộ. Mừng hơn vì Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch  đã dành sự quan tâm với loại hình nghệ thuật dân gian khi mở ra cuộc thi này.

 26 tác giả - 270 tác phẩm

Đờn ca tài tử Nam bộ là một loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo được sáng tạo dựa trên dòng nhạc lễ, nhã nhạc cung đình và những giai điệu ngọt ngào sâu lắng của dân ca miền Trung, miền Nam. Đây là loại hình nghệ thuật đặc sắc của vùng miệt vườn sông nước Nam bộ, là sự kết hợp tinh tế - hòa quyện giữa tiếng đờn, lời ca và điệu diễn, vừa phản ánh tinh hoa văn hóa ngàn năm văn hiến của người dân Việt Nam, vừa mang những nét đặc trưng của người dân vùng đất phương Nam - cần cù, bình dị, chân thật, phóng khoáng, nghĩa hiệp, can trường nhưng rất đỗi nhân văn. Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ không chỉ có vai trò đặc biệt trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Nam bộ mà còn góp phần quan trọng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam. Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ là một gạch nối giữa nghệ thuật truyền thống từ ngàn xưa với nghệ thuật của ngày mai và đã góp phần tạo nên sự giao lưu đa dạng cần thiết của văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại.  

Cuộc vận động sáng tác lời mới 20 bài bản tổ nhạc, tài tử Nam bộ, vọng cổ, chặp cải lương năm 2019 do Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bình Thuận chủ trì tổ chức là một trong những hoạt động cụ thể triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn và phát huy loại hình đờn ca tài tử Nam bộ giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận”, được phê duyệt tại Quyết định số 1307 ngày 31/5/2015 của UBND tỉnh Bình Thuận. Cuộc vận động chính thức được phát động từ tháng 4/2019 và kết thúc vào cuối tháng 10/2019.

Hơn 6 tháng phát động, Ban giám khảo đã nhận được 270 bài dự thi của 26 tác giả, trong đó Bình Thuận 8 tác giả, TP. Hồ Chí Minh 8 tác giả, khu vực đồng bằng sông Cửu Long 10 tác giả. Qua 1 tháng làm việc, Ban giám khảo đã chọn ra được 15 tác phẩm để trao giải ở 2 thể loại. Một con số nói lên, sự nỗ lực vượt bậc của 26 tác giả đã dành trọn tình yêu với loại hình dân gian này. Ông Võ Thành Huy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết: “Đây là hoạt động thiết thực nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của đông đảo nhân dân, giúp các nghệ nhân, nghệ sĩ, tài tử đờn, tài tử ca có thêm nhiều tác phẩm để sinh hoạt, biểu diễn… ”.

Nghệ nhân ưu tú Đặng Long cho biết: “So với cuộc vận động sáng tác lần đầu tiên, thì lần này số lượng tác phẩm dự thi nhiều hơn, chất lượng hơn, gần gũi với đời sống lao động, về quê hương đất nước. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tác phẩm dự thi còn đơn sơ, chưa được trau chuốt về ca từ, nên ảnh hưởng đến tác phẩm. Điều đáng mừng nhất là số lượng tác giả dự thi từ các tỉnh bạn tham gia khá nhiều, chứng tỏ tình yêu và đam mê đối với đờn ca tài tử - cải lương vẫn còn trong tâm trí nhiều người”.

 Ngậm ngùi đờn ca tài tử

Rõ ràng sân chơi đờn ca tài tử giờ cũng không còn nhiều, chỉ vài nhóm đam mê rồi tự “góp kinh phí”, tự tổ chức, tự tập tành vui vầy với nhau ở đâu đó bên vỉa hè, bên nhà thành viên để thỏa lòng. Thỉnh thoảng có vài chương trình được tổ chức, nhưng xem chừng vẫn chưa thể níu chân giới mộ điệu đến thưởng thức làn điệu của “Hò xự xang xê cống”, những bài bản, những trích đoạn trong những vở tuồng kinh điển.

Bình Thuận không phải là nôi của đờn ca tài tử cải lương, nhưng ẩn khuất trong mỗi khu dân cư vẫn rỉ rả tiếng vọng cổ phát ra từ băng đĩa. Đêm trao giải sáng tác, trên sân khấu là những nghệ nhân ưu tú Huỳnh Bảy (guitar), nghệ nhân ưu tú Thanh Vinh (đàn tranh), tài tử đờn sến Văn Mười, tài tử đờn cò Minh Tấn… những con người suốt bao nhiêu năm gắn bó với đờn ca tài tử, cải lương vẫn còn đam mê lắm. Tiếng đờn vẫn ngọt lịm, theo tiếng song lang. Rồi thì tiếng hát của nghệ nhân ưu tú Lương Hồng Huê, tài tử Thanh Lan, Trung Thiện, Minh Luân và Văn Quang… ở đó, cất tiếng hát. Họ cất tiếng hát từ trái tim với tất cả niềm đam mê.

Khép lại một đêm ra mắt những sáng tác mới, những con người có chung niềm đam mê lại có dịp trò chuyện cùng nhau về đờn ca tài tử, tiếng đờn, về từng câu hát cũng chỉ để mong muốn đờn ca tài tử, cải lương gần hơn với công chúng!

Quang Nhân



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sáng tác vọng cổ - đam mê của tài tử