Theo dõi trên

Sinh ra để múa Chăm

08/09/2017, 16:56 - Lượt đọc: 1,710

 BT- Ít nhiều ảnh hưởng tình yêu nghệ thuật của người cha là ông Trần Bá Tân, Trần Thị Thu Vân (tên thật của nghệ sĩ ưu tú Thu Vân - NSƯT Thu Vân) có thiên bẩm múa.

                
      
Tác phẩm “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại” của NSƯT    Thu Vân xuất sắc giành giải A cuộc thi múa chuyên nghiệp các dân tộc    thiểu số Việt Nam lần II năm 2017 khu vực phía Nam.

Khởi đầu

Suốt những năm còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, Thu Vân đã gây ấn tượng với bạn bè và thầy cô trong một số điệu múa do học trò cùng nhau mày mò, dàn dựng. NSƯT Thu Vân nhớ lại: “Một ngày tháng 10/1977, tôi âm thầm dự tuyển diễn viên múa khi Đoàn Ca múa nhạc Thuận Hải (tiền thân của Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh hiện nay) tổ chức tuyển. Khi có kết quả, tôi đã phải năn nỉ ba mẹ, cũng như hứa “chỉ tham gia đoàn 2 năm rồi về để theo học ngành nghề khác”.

Năm ấy Thu Vân 16 tuổi... Cái tuổi đầy mộng mơ, nhưng dường như Thu Vân không có nhiều thời gian để mơ mộng bởi phần lớn thời gian, cô đều dành cho tập múa, múa trở thành niềm vui của người nghệ sĩ trẻ.

 Chân trời rộng mở

                
NSƯT Thu Vân.

Sau 2 năm học tại Đoàn ca múa, Thu Vân được gởi theo học chính quy ở Trường múa thành phố Hồ Chí Minh, chuyên ngành ba lê, dân gian, sau học thêm môn múa tính cách của các nước Đông Âu, Tây Âu… Rồi lại thêm 3 năm theo học múa cổ điển Ấn Độ. Chuyên về học múa Ấn Độ cũng là một sự tình cờ. Năm đó, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đi thăm một số tỉnh, thành. Khi đến Bình Thuận, xem xong chương trình nghệ thuật chào mừng, một số thành viên Đại sứ quán có ấn tượng với nghệ sĩ trẻ Thu Vân. Họ ướm hỏi Thu Vân có thích sang Ấn Độ học múa và sau đó là thư mời đích danh cô. Lần này Thu Vân cũng được tạo điều kiện của tỉnh và ngành văn hóa. Đáp lại tấm lòng đó, những năm ở Ấn Độ, Thu Vân miệt mài học để tiếp thu cho được tinh hoa của múa Ấn!

Và 20 năm sau kể từ cái ngày bén duyên với múa, cô được lãnh đạo đoàn ca múa nhạc Thuận Hải đặt niềm tin về sự phát triển, đã tạo điều kiện để Thu vân trở thành học viên của lớp biên đạo múa do trường Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội chiêu sinh tại Sài gòn.

2006 là năm ghi nhận một Thu Vân trưởng thành từ diễn viên, trưởng phòng nghệ thuật trở thành cán bộ lãnh đạo khi tỉnh quyết định thành lập nhà hát vì có thêm Đoàn Ca múa nhạc dân gian Chăm và cô được đề bạt làm phó đoàn. Chưa được bao lâu, vì muốn được chuyên tâm hơn với tình yêu nghệ thuật lớn nhất trong đời, cô lại xin quay về với chức danh trưởng phòng nghệ thuật cho đến khi về hưu. Với vai trò này, không biết bao nhiêu chương trình lớn nhỏ do cô làm cố vấn, chỉ đạo nghệ thuật đã được biểu diễn, thi thố và tạo nên những thành công.

 Thăng hoa với múa Chăm

NSND Đặng Hùng, nguyên là Trưởng đoàn ca múa nhạc Thuận Hải, sau khi đã chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh, trong một lần trả lời trên báo Tuổi Trẻ, nói: “Với nghệ thuật thì Thu Vân hết mình và múa như bản năng vậy. “Khát vọng” chính là điệu múa tạo thành cột mốc mang đến vinh quang cho Vân vì cô ấy sinh ra để múa Chăm”. Nhớ về người thầy đáng kính của mình, NSƯT Thu Vân luôn cho rằng, nếu không có NSND Đặng Hùng  và tác phẩm “Khát vọng” để đời, chắc hẳn sẽ không có một Thu Vân được nhiều người biết đến như hiện nay.

Xác định giữa múa Ấn Độ và múa Chăm có sự gần gũi, tương quan nên sau khi học tập ở Ấn về, trước khi bắt tay vào dàn dựng bất kỳ một tiết mục múa Chăm nào, NSƯT Thu Vân cũng dành ra nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu, học hỏi thêm ở các chức sắc, các nghệ nhân Chăm. Và khi tiết mục hoàn thành thì cũng chính các vị ấy xem đầu tiên, để đánh giá và góp ý để sửa chữa, bổ sung. Đi theo con đường mà thầy Đặng Hùng định hướng, càng ngày dòng nghệ thuật đặc sắc của dân tộc  Chăm trở thành máu thịt trong cô, thôi thúc không nguôi. Yêu nghề, say mê với nghề, cô góp phần phát triển thành công mảng múa dân gian cổ điển Chăm. Với sở trường đã học,  với cách làm cẩn trọng và chắt chiu vốn quý của nghệ thuật múa Chăm, Thu Vân vẫn không quên khai thác, giới thiệu nghệ thuật múa đặc sắc của các dân tộc trong tỉnh như: Raglay, K’ho, Châu Ro, Kinh… với người xem trong tỉnh, ngoài tỉnh, thông qua các vở múa, nhờ vậy công chúng yêu nghệ thuật càng biết đến Bình Thuận nhiều hơn nữa, cũng như tham gia đóng góp vào sự phát triển chung văn hóa - văn nghệ tỉnh nhà. Những nỗ lực không mệt mỏi ấy được đền đáp khi tham gia Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 1985 ở Hải Phòng, cô là diễn viên múa duy nhất nhận huy chương vàng giải diễn viên xuất sắc. Năm 1995, tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức ở Đà Nẵng, vinh quang tiếp tục lặp lại với cô đúng 10 năm sau.    

Hầu hết tác phẩm của NSƯT Thu Vân khi trình làng đều để lại ấn tượng tốt đẹp cho người xem và giới chuyên môn, nhận được nhiều huy chương và giải thưởng danh giá nhất như: Tình yêu làng gốm, Huyền thoại sinh tồn, Những cô gái Raglay, Huyền thoại Bhagavati… Và mới đây nhất là chiếc huy chương vàng tại cuộc thi Tác phẩm múa chuyên nghiệp các dân tộc thiểu số Việt Nam, tháng 7/2017 với tiết mục được đánh giá mang tính hàn lâm “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại”.  Đây là cuộc thi do Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam, Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận tổ chức, với sự tham gia của hơn 400 biên đạo, nghệ sĩ, diễn viên múa chuyên nghiệp đến từ 22 đoàn nghệ thuật dân tộc các tỉnh, thành, ngành khu vực phía Nam. NSƯT Thu Vân cũng là một trong diễn viên múa của cả nước được kết nạp vào Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam năm đầu tiên. NSND Minh Mẫn - Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh Bình Thuận đã có nhận xét về NSƯT Thu Vân: “NSƯT Thu Vân là một tài năng nghệ thuật đã có nhiều đóng góp tích cực và hiệu quả đối với hoạt động nghệ thuật của tỉnh nhà. Dù với vai trò nào, diễn viên, biên đạo hay trưởng phòng nghệ thuật, chị cũng luôn hoàn thành xuất sắc, liên tục là chiến sĩ thi đua và được nhận nhiều bằng khen của UBND tỉnh”.

 Cuộc dạo chơi… 40 năm

Ngoảnh lại, cuộc dạo chơi ngày nào nay đã 40 năm và đó cũng là chặng đường mà NSUT Thu Vân trải qua với vinh quang, mồ hôi và nước mắt. Dâng tặng tuổi thanh xuân đẹp nhất cho múa và cũng đã có những hy sinh lặng thầm cho nghệ thuật khi giờ đến tuổi nghỉ hưu nhưng cô cũng chỉ có một con trai duy nhất mới 19 tuổi.

“Trong đoạn đường dài hơn nửa đời người, ngoài NSND Đặng Hùng, NSND Minh Mẫn, tôi còn biết ơn rất nhiều người, trong đó có gia đình đã tạo nhiều điều kiện để tôi được nán lại lâu hơn, với múa. Tôi tạm hài lòng vì dồn hết tâm huyết cho múa cũng như tạo được dấu ấn riêng của mình, tạo được chỗ đứng nhất định trong hoạt động nghệ thuật của tỉnh nhà và cả nước. Về hưu, nhưng vẫn còn sức khỏe và bao nhiêu vốn liếng về múa tiếp tục muốn truyền dạy cho thế hệ trẻ. Tôi hy vọng nhiều ở những nền tảng mà mình đã góp công gầy dựng sẽ tiếp tục được phát huy, phát triển”, NSƯT Thu Vân bộc bạch.

Mai Kim Dung



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sinh ra để múa Chăm