Theo dõi trên

Sống đời tuồng cổ

05/07/2019, 09:17 - Lượt đọc: 498

BT-  Hơn 50 năm, 5 thế hệ ông bà, cha mẹ, con, cháu, chắt trong một gia đình đã vượt lên biết bao nhiêu thăng trầm của cuộc sống để giữ gìn, tiếp nối và phát huy tinh hoa của môn nghệ thuật tuồng cổ.

                
Vợ chồng anh Sơn - Đoàn tuồng Long Phụng và    các con, cháu.

 Gánh hát gia đình

Căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Nguyễn Hồng Sơn và chị Huỳnh Thị Ngọc Nết, Chủ nhiệm Đoàn tuồng cổ Long Phụng nằm sâu trong con hẻm nhỏ khu phố 1, thị trấn Liên Hương. Khi chúng tôi tìm đến, anh chị đang tất bật chuẩn bị mọi thứ cho chuyến lưu diễn tại Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) vào đầu tháng 7/2019. Năm nay, vợ chồng đã ở cái tuổi 64, nhưng dáng vẻ vẫn còn giữ trọn nét duyên người nghệ sĩ. Lật vở xem lại bản tuồng, anh Sơn bảo: “Đến giờ, tôi vẫn đang nối nghề của tổ nghiệp bằng tình yêu mãnh liệt của hát bội. Hạnh phúc hơn khi các con cháu của tôi cũng đang theo nghề cha ông bằng tình yêu và nhiệt huyết của tuổi trẻ…”.

Anh Sơn kể, trước đây cha mẹ sống ở Nha Trang, vì mê tuồng cổ mà lặn lội ra tận Nghĩa Bình để học, đến khi có đủ “vốn liếng” mới trở lại gầy dựng gánh hát gia đình. Hai Đoàn tuồng Phước Hưng ở Ninh Thuận và Long Phụng ở Tuy Phong đều do cha mẹ anh tạo lập những năm đầu giải phóng, rồi truyền lại cho con cháu gìn giữ đến tận bây giờ. Đoàn tuồng Long Phụng của vợ chồng anh Sơn có cả thảy 25 thành viên ruột thịt gia đình, gắn bó với nghiệp tuồng cổ hơn 50 năm, là đoàn tuồng cổ duy nhất của tỉnh Bình Thuận. Nói chuyện nghề, anh Sơn bảo diễn tuồng cổ muốn đi sâu vào lòng khán giả thì diễn viên phải đạt được cái “thinh”, cái “diện”, bởi Tuồng mang tính tượng trưng cao, một chiếc roi có thể vừa là ngựa vừa là biểu đạt của vũ khí. Ngoài ra trang phục, màu sắc, hình thể và biểu cảm là những yếu tố cơ bản để khán giả nhận biết về một nhân vật, phân biệt được vai diễn là trung hay nịnh, văn hay võ, hiền lành hay độc ác, điềm tĩnh hay nóng tính... Đặc biệt mặt nạ tuồng cũng mang nhiều tầng nghĩa khác nhau, mỗi vẻ mặt, cách trang điểm là biểu tượng của một tính cách. Trong những hoàn cảnh đầy kịch tính, các nhân vật thể hiện tính cách rõ nét nhất, kẻ nhu nhược đớn hèn, anh hùng bất khuất hay bạo gian tàn ác… đều được đẩy lên đến tột cùng.

Tay sửa soạn bộ trang phục diễn, chị Huỳnh Thị Ngọc Nết tự hào kể cho chúng tôi nghe về cha mẹ mình theo nghề hát bội một cách say sưa. Chị nói, trước năm 1975, mẹ chị - bà Nguyễn Thị Tốt là “cây đại thụ” tuồng cổ. Những năm tuồng cổ Nam - Ngãi - Bình -Phú đang độ thịnh, nhiều đoàn đồng ấu ra đời, mẹ chị theo học tuồng khi mới 7 tuổi và đến 8 tuổi đã chính thức bước lên sân khấu tuồng với cái tên Ngọc Nữ. Thời ngón nghề lên tới đỉnh cao, được nhiều người biết đến, mẹ chị vẫn thường đi hát với các đào kép tên tuổi trên sân khấu tuồng ở Sài Gòn, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long Xuyên, Đồng Nai... Giờ đã 87 tuổi, không còn đủ sức lên sân khấu, nhưng mẹ chị vẫn chỉ dẫn con cháu trong nhiều chuyến lưu diễn gần xa, bà cũng chính là người trực tiếp biên soạn, viết 8 vở tuồng Tam Anh chiến Lữ Bố, Tiêu Anh phụng loạn trào, Chung Vô Diệm, Dương Tiễn đại chiến Trương Phê, Ngũ Sắc Châu, Triệu Bình Minh cứu chúa, Xử bá đao Từ Hải Thọ, San Hậu thành đã được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận cấp phép biểu diễn. Sống trong gia đình có truyền thống nên chị Nết được nghe tuồng từ trong bụng mẹ, loại hình nghệ thuật này đã ngấm sâu vào máu thịt của chị một cách tự nhiên. Năm lên 9 tuổi, mẹ đã dẫn dắt chị vào nghiệp diễn, khởi đầu của một nghệ sĩ tuồng Ngọc Nết ngày hôm nay. Vào vai phụ hay vai chính, chị đều tròn trịa, ngọt ngào, từ kiểu cách đi đứng biểu lộ cái “tâm” của nhân vật thiện, ác… đều có lối diễn riêng khá sắc sảo. Những đoạn tâm lý đầy trắc trở, đau thương, Ngọc Nết có lối diễn tâm trạng buồn tủi, dồn nén đau đớn; còn những đoạn chiến mã xa trường, cầm gươm giết giặc lại thể hiện hết sức hùng hồn như uy danh của bà Trưng, bà Triệu. Với nét diễn tròn vai của chị không chỉ lay động lòng khán giả mà còn để lại cảm xúc xoáy mạnh, khiến người xem “sống” cùng nhân vật cho đến lúc hết tuồng. Chị kể: “Thời con gái, trong đợt diễn tại Suối Dầu - Nha Trang, gánh hát diễn đi diễn lại cả một tháng rưỡi trời nhưng vẫn chưa thỏa mãn sự đam mê của khán giả. Những ngày ở đó chị như thấy mình lớn lên, đẹp hơn vì mọi người ai cũng nhắc tên, quý mến cô đào trẻ trung có lối diễn sắc sảo, xuất thần”.

Với vợ chồng anh Sơn, có sức khỏe để đưa đoàn đi biểu diễn nhiều nơi, đưa nghệ thuật tuồng cổ đến với công chúng, chính là ước mơ với tổ nghiệp. Vợ chồng và các con, cháu bước ra sân khấu từ lúc còn nhỏ, đời sống gắn liền với ánh đèn sân khấu nên những làn ca, đoạn diễn thấm đẫm vào máu thịt. Bao giờ mới đầu cũng là những màn múa hát mừng quốc thái dân an, cầu phong đăng hòa cốc rồi mới vào tuồng chính. Tuồng xưa tích cổ đầy đủ hỷ nộ ái ố và bao giờ kết thúc cũng có hậu, khán giả ra về lòng hân hoan, người hiền được hưởng phúc và kẻ ác phải bị trừng phạt. Đặc biệt, sau những lần diễn ở các lễ cúng đình, miếu là tự nhiên mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, bội thu tôm cá, mùa màng tốt tươi, người dân thích lắm.

Bảo tồn và phát huy tuồng cổ

Giữa nhịp sống hiện đại, các loại hình nghệ thuật mới thay phiên nhau lên ngôi, tuồng cổ nằm trong lớp nghệ thuật xưa tưởng chừng cũng trở thành dĩ vãng. Thế nhưng những trích đoạn tuồng cổ Long Phụng được tái hiện sống động bởi những diễn viên “lao tâm khổ tứ” đã phả thêm “làn gió mới” vào đời sống văn hóa tinh thần, như lời đồng vọng của những thanh âm xưa cũ… Với nghề, nhiều đêm khi ánh đèn sân khấu tắt, vợ chồng anh Sơn vẫn trằn trọc chuyện cơm áo gạo tiền, nếu không nặng nghiệp thì ai có thể theo đuổi nghề hát bội. Bởi vì tuy ca diễn là nghiệp, nhưng nghề không nuôi được bản thân, vì phải chi phí rất nhiều từ mua sắm phục trang, đạo cụ, âm thanh, ánh sáng, ăn nghỉ, xe cộ... Ở những đình lớn thì đợt diễn có thể được trả vài chục triệu đồng nhưng nơi miễu nhỏ, quỹ eo hẹp tới hai năm mới dám mời hát bội một lần, thì một suất diễn như vậy chỉ được năm ba triệu đồng. Có đêm lãnh được năm trăm ngàn đồng nhưng cũng có đêm hát hết hơi, khàn giọng, một người chỉ chia được khoảng trăm ngàn đồng. Tuy quyết tâm giữ nghề, nhưng vợ chồng anh Sơn cũng rơm rớm nước mắt khi nhìn cảnh cháu con phải lăn lộn làm thêm nghề tay trái như may vá, thợ điện, xe ôm, làm biển, nhạc đám tang... trong những ngày không đi hát.

Vuốt lại mái tóc bồng bềnh trong cơn gió chiều thổi nhẹ, anh Sơn bảo gia đình vẫn “sống” đến ngày hôm nay, ngoài bổn phận phải giữ gìn thành quả của cha mẹ để lại, thì vấn đề đáng khích lệ hơn hết là tại nhiều điểm diễn vẫn còn khá nhiều khán giả đến xem, dành cho đoàn tuồng những tình cảm và sự quý trọng nghề nghiệp. Anh kể, gần 50 năm qua, trải qua biết bao nhiêu đoạn khúc thăng trầm, đoàn tuồng Long Phụng vẫn tự hào vì được nhiều người nhớ đến, đặc biệt luôn xuất hiện trong những lễ hội long trọng, như: Lễ Kỳ Yên, lễ cúng Thành hoàng tại miếu, đình ở khắp các tỉnh miền Trung. Người già hứng thú xem tuồng như để chiêm nghiệm lại cuộc đời, người trẻ thích thú vì tuồng vừa lạ, vừa hay. Diễn viên tuồng khi đó được mến mộ chẳng khác gì những ca sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng hiện thời.

Anh Sơn vốn giỏi về vũ đạo, hình thể, múa, đánh, dáng đi, dáng đứng, trong khi đó chị Nết lại là người rất có duyên sân khấu và cũng điêu luyện ở kỹ thuật biểu diễn, tâm lý nhân vật. Cả hai vợ chồng cùng “song kiếm hợp bích”, đào tạo ra lứa con, cháu diễn viên tài năng để tiếp nối tổ nghề. Mấy đứa con của anh Sơn, chị Nết theo cha mẹ từ nhỏ, làm quen với nghệ thuật tuồng từ những vai nho nhỏ như quân sĩ, thường dân... giờ đã là đào, kép chính, vững vàng trong ánh đèn sân khấu, vẫn miệt mài lưu giữ tinh hoa của dân tộc, của cha ông để lại qua các vai diễn xuất thần. Cái duyên tuồng cổ đã về với chính “con nhà nòi”, Nguyễn Văn Tấn bảo có được ngày hôm nay, ngoài thừa hưởng kinh nghiệm của ba mẹ, thì sự khổ luyện và niềm đam mê đã giúp em gắn bó với nghề. Gần 20 năm theo cha mẹ lưu diễn khắp nơi, nếm trải đủ vinh quang lẫn cay đắng nghề, Tấn vẫn tin rằng, với sự tiếp sức của ngoại và cha mẹ, thế hệ Tấn sẽ tiếp bước phát huy giá trị nghệ thuật cổ truyền. “Dù đời sống có khó khăn nhưng em không bao giờ nản chí hay chạnh lòng. Bởi đâu đó vẫn còn những ánh nhìn mê mẩn của khán giả với những tiếng khóc - cười như lên đồng của nghệ sĩ và những sắc màu lung linh rực rỡ của ánh đèn sân khấu. Em yêu tuồng từ nhỏ và sẽ đi theo nó đến hết cuộc đời”- Tấn tâm sự.

Chia tay tôi, anh Sơn bảo hát bội của ngày xưa là “thinh, sắc, thục, khí, thần”, nhưng cũng không tránh được cảm xúc tiếc nuối ấy, khi mà hát bội giờ đìu hiu đến tê tái lòng. Thế nhưng, vượt lên những khó khăn, vất vả để giữ ngọn lửa yêu nghề, bởi tuồng là niềm đam mê máu thịt đối với gia đình, Đoàn tuồng Long Phụng hát tuồng như con tằm rút ruột nhả tơ, góp phần gìn giữ và phát triển bộ môn nghệ thuật truyền thống từ ngàn xưa của cha ông để lại.                

Bút ký: Minh Chiến



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đồng chí Dương Văn An giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2020 - 2025
Sáng 18/3/2024, tại Vĩnh Phúc, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương chủ trì buổi làm việc với Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc, công bố Quyết định của Bộ Chính trị điều động, chỉ định đồng chí Dương Văn An, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sống đời tuồng cổ