Theo dõi trên

Sông Lũy thế kỷ XIX và địa danh Lương Sơn

13/06/2018, 09:06

BT- Không nhiều tài liệu bàn về địa danh Lương Sơn (huyện Bắc Bình) có lẽ vì nghĩa từ Hán Việt này khá dễ đoán, dễ hiểu. Trong “Từ điển Địa danh Trung bộ” của PGS.TS. Lê Trung Hoa, nhà địa danh học này giải thích ngắn gọn rằng Lương Sơn nghĩa là “núi lành”. Một số tư liệu khác cũng cùng cách hiểu, như Lược sử Giáo xứ Lương Sơn đã gọi nôm na giáo xứ mình là “Giáo xứ Núi Lành”. Song, tìm hiểu những ghi chép ở thế kỷ XIX về dòng sông chảy ngang vùng đất này, có thể sẽ có thêm cơ sở lý giải cho tên gọi một vùng đất.

Sông Lũy nhiều tên gọi  

Sông Lũy dài 98 km, diện tích lưu vực 1.910 km2, từ cao nguyên Di Linh (Lâm Đồng) đổ ra biển ở Phan Rí Cửa (Tuy Phong). Phần lớn lưu vực sông thuộc địa phận huyện Bắc Bình. Nhìn trên bản đồ, sông Lũy cắt ngang như chia thị trấn Lương Sơn thành hai nửa rõ rệt.  Sông Lũy ngày nay là một trong 7 sông chính ở Bình Thuận, cung cấp nước, bồi đắp phù sa, mở ra một vùng hạ lưu khá rộng ở hai bờ sông. Ngược dòng lịch sử về thế kỷ XIX, dòng sông này có lẽ mang một ý nghĩa đặc biệt, quan trọng hơn, vì nó chảy qua vùng đất là thủ phủ, trung tâm chính trị - văn hóa của đất Bình Thuận xưa. Trong các công trình dư địa chí lớn ở nước ta thế kỷ XIX đều nhắc đến sông Lũy, qua đó có thể hình dung sông từng có nhiều tên gọi khác nhau.

“Đại Nam nhất thống chí” (ĐNNTC) do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn (Viện Sử học dịch, NXB Thuận Hóa, 2006) gọi chính tên là “sông Phan Rí”, “ở phía Nam huyện Hòa Đa, nguồn ra từ động Man […] đổ ra cửa Phan Rí”. Phan Rí từng là một tấn sở quan trọng của Bình Thuận, “hai bờ dân cư trù mật, người ta gọi là đất cá mắm, có thủ sở ở bờ phía Bắc”. Nghiên cứu về phố cảng Nam Trung Bộ thế kỷ XVIII-XIX, TS. Nguyễn Văn Giác đánh giá: “Lợi thế thiên nhiên đã tạo nên sinh hoạt kinh tế đặc trưng và sôi động trên vùng biển Bình Thuận mà phố cảng Phan Rí là nơi chiếm lĩnh vị trí hàng đầu. Từ quốc cảng của Champa trước năm 1693, Phan Rí trở thành một trong những phố cảng giao thương sầm uất của người Việt liên tục trong thế kỷ XVIII và gần suốt thế kỷ XIX, trước khi vai trò thủ phủ của nó dịch chuyển”.

Có vẻ như tên “sông Lũy” không hẳn dùng để gọi toàn sông lớn này, mà chủ yếu nhấn mạnh đến khúc sông qua địa phận thôn Giang Tây xưa, nay thuộc xã Sông Lũy (Bắc Bình). Theo địa bạ triều Nguyễn, thôn này thuộc tổng Vĩnh An, huyện Hòa Đa, Đông giáp thôn Lương Sơn, Tây và Nam giáp rừng, Bắc giáp sông. “Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” (HVNTDĐC) (Phan Đăng dịch, NXB Thuận Hóa, 2005) ghi chép về sông Lũy như sau: “sông rộng 40 tầm, thuộc địa phận thôn Giang Tây, nước sông ngọt, mùa xuân hè có thể lội qua, thu đông mưa lụt thì khó đi […] Tương truyền ngày trước phiên vương trấn Thuận Thành đắp lũy đất này từ bên này qua đến bên kia sông, nên gọi là sông Lũy”. Dấu tích thành lũy xưa của người Chăm hiện vẫn còn ở Bắc Bình, dù không vẹn nguyên trước thời gian, những vẫn minh chứng sống động cho nguồn gốc một địa danh.

Sông Lũy đoạn qua thôn Xuân An từng gọi là “sông Xuân An”. Thôn Xuân An xưa thuộc tổng Hồng Phước, huyện Hòa Đa, nay thuộc thị trấn Chợ Lầu (Bắc Bình). Năm Tự Đức thứ 12 (1859), tỉnh thành Bình Thuận dời đến đóng tại đây. ĐNNTC cho biết thành đắp bằng đất, sát sông Xuân An, chu vi 250 trượng, có 4 cửa, mỗi cửa có lầu chuông, quanh thành đào hào rộng 4 trượng.

Một tên khác của sông Lũy cũng được nhắc khá nhiều trong thế kỷ XIX là “sông Kỳ Xuyên”, vì sông trước khi “lại 3 dặm đổ ra cửa Phan Rí” đã chảy qua xã Kỳ Xuyên, tổng Hồng Phước, huyện Hòa Đa. HVNTDĐC mô tả sông Kỳ Xuyên có cầu bắc qua, “rộng 190 tầm, nước sông mặn mà cạn, có thể lội qua, nhưng đến khi mưa lụt thì chỉ có thuyền bè mới qua lại được”. Bản đồ Bình Thuận trong “Đồng Khánh địa dư chí” (ĐKĐDC) - công trình đồ sộ được xem là thư tịch cổ cuối cùng về địa lý học của Việt Nam dùng duy nhất tên này để chú thích sông.

 Góp bàn địa danh Lương Sơn

Ngoài những tên vừa nêu, sông Lũy còn gọi là “sông Lương”. Nói khá cụ thể về địa danh này, hẳn phải nhắc đến HVNTDĐC. Vua Gia Long mới lên ngôi được một năm đã cho Thượng thư Bộ Binh Lê Quang Định (một trong “Gia Định tam gia” nổi tiếng) soạn bộ địa chí đầu tiên của triều Nguyễn, ghi chép tường tận hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy của cả nước với diện tích lãnh thổ được mở rộng chưa từng có trong lịch sử, đến 1806 thì hoàn thành HVNTDĐC. Trong đó cho biết sông Lương “rộng 40 tầm, thuộc thôn Long Dương, nước sông ngọt”, gần có ruộng lúa, “tục gọi là ruộng Đồng Mới”.

Theo địa bạ và bản đồ huyện Hòa Đa xưa, hai thôn Lương Sơn, Long Dương (cùng một vài thôn khác?) của tổng Vĩnh An có vị trí ứng với vùng đất Lương Sơn nay. Hai thôn nằm cách nhau bởi sông Lương, tức (một khúc?) sông Lũy. Vì sao gọi là “sông Lương”? HVNTDĐC giải thích: “Tương truyền ngày xưa quan công đường chở lương đến trữ tại đây để chinh phục dân man (ý nói người dân tộc, có thể là người Chăm? - TG chú thích) nên mới có tên sông như vậy”.

Tên sông Lương dường như gọi nhiều trong dân gian hơn là tên Kỳ Xuyên vốn thiên về mặt hành chính. “An Nam đại quốc họa đồ” là tấm bản đồ khổ lớn kèm cuốn Từ điển Latinh - Annam của Giám mục Jean-Louis Taberd, xuất bản năm 1838. Đây không chỉ đặc biệt vì vẽ theo phương pháp Tây phương, mà hơn hết, đã ghi lại các địa danh nước ta bằng chữ Quốc ngữ hoặc tiếng Latinh, khác với nhiều bản đồ trước đó chỉ ghi bằng Hán văn, có cả địa danh hành chính, tục danh, hay tên ngoại quốc đặt nếu có. Con sông đổ ra “Vũng Phan Rí” ở Bình Thuận trên bản đồ được ghi rõ là “Sông Lương”, cạnh đó là ký hiệu như chữ o nhỏ để chỉ làng “Sông Lũy”.

Đến đây thì tạm suy rằng: Thoạt đầu, người ta đã dùng tên sông để gọi tên vùng đất sông chảy qua. Khi địa danh dân gian chuyển thành địa danh hành chính, đã dùng mỹ tự là Lương Sơn  - trong đó chữ Lương nghĩa là tốt lành, lương thiện, không còn nghĩa “lương thực” như thuở xa xưa - để đặt tên thôn, nhất là khi ghi chép vào địa bạ. Chợt ngẫm, dù có nguồn gốc thế nào, thì theo thời gian, người xưa đã để lại cho hậu thế một địa danh đẹp. Không chỉ là tên gọi một vùng đất, mỗi khi nhắc đến Lương Sơn, Lương Trung, Lương Đông, Lương Hòa…, cháu con sẽ lại nhớ một chữ “Lương” cao quý, tốt đẹp mà cha ông đã từng để tâm để ý nhắn nhủ, gửi gắm.  

         
      Đã một    thập kỷ qua từ khi thị trấn Lương Sơn của huyện Bắc Bình được thành    lập, trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính xã Lương Sơn cũ theo    Nghị định 176 ngày 3/12/2007 của Chính phủ. 10 năm là chặng đường    của một cấp hành chính mới, nhưng nhìn lại, quãng thời gian có mặt    địa danh Lương Sơn trên bản đồ Bình Thuận dài lâu hơn thế, ít nhất    là từ năm 1836, khi Thị lang Bộ Hộ Đào Trí Phú tiến hành khám đạc    ruộng đất, lập địa bạ tỉnh đã chính thức ghi nhận địa danh này.

 PHÚC THỊNH



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết:
Hôm nay đưa vào hoạt động 2 trạm dừng chân tạm thời
BTO-Thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Giao thông vận tải về việc xây dựng tạm trạm dừng chân trên tuyến cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Ban quản lý dự án 7 đã tiến hành thi công 2 trạm dừng nghỉ tạm trên cả hai chiều đường cao tốc, đưa vào hoạt động phục vụ tài xế, người tham gia giao thông vào dịp lễ 30/4 và 1/5.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sông Lũy thế kỷ XIX và địa danh Lương Sơn