Theo dõi trên

Sự tích đền thờ bà Chúa Ðộng làng Bình Nhơn

14/02/2020, 11:40

BT- Hơn 20 năm trước nhiều lần điền dã lấy tài liệu nghiên cứu về Bàu Trắng phục vụ cho Địa chí Bình Thuận, khi đến phế tích đền thờ nữ thần Thiên Y A Na của người Chăm (người dân làng Bình Nhơn từ xưa gọi tên là miếu bà Chúa Động) bên phía Tây Bàu Trắng, bắt gặp các bức tường cùng nền móng cũ xưa của một ngôi đền lớn, xung quanh còn vương vãi một số cột, kèo, 2 trụ cổng xây bằng vôi đã bị sụp đổ quá nửa. Những gì biết được về ngôi đền đều qua các tài liệu cũ ghi chép và người dân kể lại. Lẽ ra còn biết nhiều hơn, nhưng thời điểm đó gần như không ai muốn cung cấp thông tin liên quan về ngôi đền cổ, vì người ta còn e ngại.

                
   Du khách thăm đền bà Chúa Động tại xã    Hòa Thắng, huyện Bắc Bình.

Những thập niên gần đây, khi việc tu bổ, tôn tạo và xây dựng các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được thông thoáng thì việc tiếp xúc và tìm hiểu về nguồn tư liệu ngôi đền cổ được chu tất hơn, người dân cung cấp thông tin cũng cởi mở và nhiệt tình hơn. Nhờ đó tôi được xem cuốn sổ cũ ghi chép về sự tích, lịch sử của ngôi đền và nhân vật được thờ phụng trong đó suốt hàng trăm năm qua. Cuốn sổ được viết bằng chữ quốc ngữ, một vài hình vẽ mô tả các bức hoành hay liên đối, vị trí đặt trong ngôi đền trước khi bị sụp đổ. Dù chưa thật đầy đủ nhưng nội dung ghi chép trong đó qua nhiều đời nay tạm gọi là cuốn thần phả của làng Bình Nhơn xưa. Thần phả là những tư liệu ghi lại sự tích, lịch sử, truyền thuyết dân gian về các vị thần và Thành hoàng, các nhân vật lịch sử địa phương, vùng miền được thờ ở đình, miếu, từ đường - Từ điển Bách khoa toàn thư.   

Ghi chép về ngôi đền xưa

Xưa là làng Bình Nhơn, nay là thôn Hồng Lâm, xã Hòa Thắng. Miếu cất ở bìa bàu, nằm về phíanam bàu Bà khoảng 200 m, trước miếu có cây găn lớn, những xóm làng, dân cư ăn ở nằm về phíabắc bàu Bà. Giữa làng có nhà làng, trước sân với những cây thị rừng lớn nằm đối diện với miếu Bà. Sách Đại Nam nhất thống chí viết về Bàu Trắng, có ghi: “Hồ Trắng có 2 hồ, hồ trên và hồ dưới, ở phía Tây Nam huyện Hòa Đa, phía Tây Ba Động. Hồ trên chu vi 8 dặm linh, hồ dưới chu vi 22 dặm linh, nước trong ngọt 4 mùa không tăng không giảm. Phíatâybắc là động cát, phíatâynam là chân rừng, trên bờ có đền thờ thần Chúa Động”.

Về nguồn gốc dân cư, thần phả chép: dân từ vùng Đồng Hới (Quảng Bình), Quảng Nam, Quảng Ngãi và Phú Yên vào làm ăn và lập nghiệp từ thế kỷ 18. Họ di cư đến đây bằng đường biển. Khi đến khai hoang lập làng ở đây đã thấy ngôi miếu cổ hoang tàn, không ai chăm nom. Người Việt mình đi đến các miền đất mới, gặp những dạng đền miếu thế này thường gọi là miếu bà Chúa, đền bà Chúa, bà Chúa Động, bà Chúa Xứ (trường hợp bà Chúa Xứ ở An Giang và bà Chúa Xứ ở đảo Phú Quý là một ví dụ) để tỏ lòng biết ơn những người khai hoang thuộc các thế hệ trước đã để lại phần đất cũ, để rồi xây cất lại đền miếu, thờ phụng. Thực ra đây là ngôi đền thờ nữ thần Thiên Y A Na của người Chăm những thế kỷ trước đó. Năm 2001, bảo tàng tỉnh đã phát hiện tượng thần Avalokitesvara ở khu vực này có niên đại từ thế kỷ IX. Rất có thể chính tượng thần này trước đây người Chăm đã thờ trong ngôi đền cổ.

Nhiều trang ghi chép trong cuốn thần phả có phần mờ nhạt, nhưng vẫn đọc được, một số tư liệu mới trong đó lần đầu được biết đến. Không biết thực hư như thế nào, chúng tôi cứ đưa ra để những ai quan tâm hay đã biết bổ sung thêm hoặc bỏ đi những phần không đúng, với mục đích làm cho tư liệu về ngôi đền cổ và Bàu Trắng thêm phần đầy đủ hơn. Một trang trong thần phả chép: Năm 1808, vua Gia Long phong sắc cho vị thần được thờ ở miếu bà là Thiên Y A Na, lệnh cho Tuần vũ tỉnh Bình Thuận nghênh tiếp và có trác cho làng Bình Nhơn thờ tại miếu. Đến đời vua Thành Thái thứ 10, có phong sắc thần cho nữ thần Thiên Y A Na. 

Những tư liệu quan trọng

Cuốn thần phả còn cho biết thêm những tư liệu rất quan trọng để chúng ta biết thêm về kiến trúc và bài trí bên trong, bên ngoài ngôi đền cổ. Mặt tiền trước đền thờ xưa có 2 câu liễn bằng chữ Hán: “Nhị hồ đối diện thủy trường lưu, Tam động anh linh truyền cổ tích”. Gian thờ tiền hiền có 2 câu liễn: “Tiền hiền tân tạo tâm tín ngưỡng, Hậu kế tu bồi thế trạch trương” và nhiều đôi liễn bằng chữ Hán. Đáng kể là những hiện vật gốc như 11 bài vị, một tấm hoành cổ khắc nổi 4 chữ Hán mà theo ghi chép là do vua Thành Thái ban tặng vào năm 1889.

Ngoài ra một số trang còn vẽ vị trí, nơi đặt các bàn thờ, tước vị các vị thần theo thứ tự, như ở chính điện thờ vị thần nào, tả ban thờ ai, hữu ban thờ ai; gian thờ tiền hiền, hậu hiền các bức hoành trong miếu đặt ở đâu và ai phụng cúng, thời gian nào… Đó là những tư liệu rất quý giúp cho các nhà thiết kế và trùng tu di tích sau này thực hiện chính xác khi phục dựng ngôi đền cổ.

Trong kháng chiến chống Pháp, dân làng được lệnh tiêu thổ kháng chiến, đem theo bài vị ở miếu bà vào rừng đào hầm chôn giấu. Miếu thờ Thiên Y A Na bị chiến tranh và thời gian tác động làm sụp đổ, những bài vị, hoành phi, liên đối không kịp cất giấu đều hư hỏng, thất lạc. Sau năm 1975, người dân làng Bình Nhơn sơ tán các nơi đều trở về nơi quê cha đất tổ nhiều đời. Thời gian nàynhà nước chưa cho tu bổ lại ngôi miếu, việc thờ phụng gặp nhiều trở ngại. Muốn có nơi thờ tự những linh vị từ lâu chôn giấu dưới đất, người dân đành xây dựng một ngôi miếu nằm ở phíatây Bàu Trắng để thờ phụng, chờ khi trùng tu xong ngôi đền cổ họ sẽ đưa các linh vị, liên đối về thờ như trước theo sơ đồ đã có trong cuốn thần phả của làng. 

Nên trùng tu lại ngôi đền bà Chúa Động

Không những mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc mà đền thờ bà Chúa Động còn là một chứng tích lịch sử hào hùng của người dân nơi đây cũng như quân dânkhu Lê trong phòng trào kháng chiến chống Pháp, Mỹ. Các nguồn tư liệu hiện còn khá đầy đủ, từ nền móng đến kiến trúc, vật liệu xây dựng. Hơn nữa là các vật thờ nguyên gốc cũng như sự bài trí trong ngôi đền, cách thờ cúng, văn tế… người dân đang lưu giữ. Nhiều người dân ở đây cho rằng ngôi đền bà Chúa Xứ (đền thờ công chúa Bàn Tranh ở đảo Phú Quý) rất giống ngôi đền bà Chúa Động khi xưa.

Quan trọng hơn là hiện nay Bàu Trắng đã được xếp hạng thắng cảnh quốc gia, khi trùng tu xong ngôi đền cổ là một địa điểm tâm linh độc đáo trong quần thể thắng cảnh Bàu Trắng, sẽ đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng của người dân địa phương và ngoài vẽ đẹp lung linh của Bàu Trắng, ngôi đền sẽ cuốn hút du khách đến với du lịch tâm linh.

    
      Ngôi   đền nằm ẩn mình giữa cây cối rậm rì toát lên vẻ trầm mặc và âm u khiến   cho người vào đây lạnh tóc gáy. Đây là một di tích tâm linh, song trước   đây không được nhiều người biết đến dù có một vị trí thoáng đãng và đắc   địa. Hàng chục năm nay ngôi đền vắng vẻ gần như bị quên lãng.   

NguyỄn Xuân Lý



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Sự tích đền thờ bà Chúa Ðộng làng Bình Nhơn